Đi & Ở

Bàn về rượu bên bàn nhậu ảo15. 06. 15 - 11:57 am

Rieng&chung, Phạm Quang Hiếu, Candid, Đặng Thái

SOI: Đây là thảo luận của các bạn đọc sau bài viết về đồ uống Hàn Quốc của Đặng Thái. Soi thấy rất thú vị nên xin phép được tổng hợp lại, đưa lên thành bài để mọi người dễ theo dõi. 

 **

rieng@chung

Cảm ơn bác Đặng Thái, bài viết nào của bác cũng tinh tế và sâu sắc. Riêng về tên gọi rượu soju thì xin mạn phép bàn thêm tí tẹo ạ. Soju viết theo giản thể của chữ Hán là 烧酒, dịch Hán Việt là “thiêu tửu”. Thiêu đúng là có nghĩa đốt, nhưng không hẳn là “đốt cháy cổ họng”. Tài liệu của Trung Quốc giải thích cách gọi này xuất phát từ cách chưng cất rượu: đun (đốt) để chưng cất, phân biệt với loại rượu lên men trực tiếp từ hoa quả v.v…không cần chưng cất. Vì vậy “thiêu tửu” (chắc ở Hàn Quốc cũng vậy) được dùng để chỉ chung các loại rượu trắng và sản xuất có công nghệ chưng cất. Thời bao cấp nhà nước mình cũng cấm tự nấu rượu, nhưng món “quốc lủi” ấy chính là một soju hạng nặng của Việt Nam 🙂

 

Rượu cuốc lủi có nắp lá chuối. Ảnh từ trang này 

 

Candid

Em ít uống Sochu vì không thích ẩm thực Triều Tiên lắm, em thấy Sochu cũng nhạt nhạt như Sake. Thú thực là em thấy Sake cũng chả ngon. Không hiểu hai loại này có giống nhau không hả các bác?

Sake thì có lần em được tới thăm một nhà sản xuất Sake truyền thống hàng trăm năm ở vùng lúa gạo ngon nhất Nhật Bản. Đến đấy tham quan và thấy được người ta kỳ công để mài hạt gạo lấy phần ngon nhất làm rượu, các hạt gạo được mài thành hình như những cái cúc bé, sau đấy công đoạn nấu ủ có vẻ gần giống với bia hơn là rượu quốc lủi.

Mài gạo ở xưởng làm sake. Ảnh từ trang này

Kính bác rieng&chung một ly, nhà đang có bình rượu sâm, mụ vợ đi Hàn Quốc mua về cho mấy cân sâm, em gọi là củ cải Hàn Quốc, em đem tống cả vào mấy lít nước mắt quê hương ở quê mang ra. Chả hiểu có bổ béo gì không nhưng khách đến nhà ai uống cũng khen. Em thì mừng vì đỡ phải mở vang mời khách 😀 .

 

rieng&chung

Cảm ơn bác Candid (xin đổi từ bạn sang bác) mời món rượu ngâm sâm tươi Hàn Quốc, đảm bảo món này khách đến uống khen mà khách về nhà khách rồi còn có người khác ở nhà bác khen nữa.

Thú thực, riengchung không sành rượu cũng rất ít uống. Ấn tượng về Sake là dung dịch không “trong vắt” như soju, nghi là họ hàng với dòng “hoàng tửu” ở Trung Quốc. Xem qua tài liệu Trung Quốc cũng có nói như vậy. Hoàng tửu là dòng rượu miền nam Trung Quốc, nổi tiếng với loại Nữ Nhi Hồng của thành phố Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang (còn gọi rượu Hoa Điêu), chế biến từ gạo và không qua chưng cất (có vẻ giống rượu nếp nhà mình???). Như bác Candid nói, cách làm sake không giống soju với quốc lủi, nhưng cụ thể thì rieng&chung không rõ.

Một “dư luận” không hay về soju là, hiện nay phần lớn soju đều là rượu nồng độ cao pha với nước cho loãng. Cách pha loãng này dễ hơn là chưng cất trực tiếp mà khống chế để được rượu có nồng độ thấp. Chả hiểu cụ thể ra sao.

Soju. Ảnh từ Internet

 

Candid

Em nhớ đại loại là gạo sau khi được xát chỉ còn lại phần tốt nhất thì nấu lên và ủ men gần giống như nấu rượu nếp. Ủ đi ủ lại rồi sẽ ép ra để lấy rượu, khác với rượu cuốc lủi là phải chưng cất để lấy nên nồng độ cao hơn. Trong gian giới thiệu người ta cũng nói Nhật có giai đoạn cấm rượu vì nhiều người say quá. Giờ chắc không cấm nữa vì tối ở ga tàu toàn thấy nam nữ thanh niên say bét nhè. Cá nhân em sau một tuần uống Sake thì phát cuồng vì thèm rượu mạnh. Tìm mãi mới ra chai whiskey của Nhật. Hóa ra Nhật cũng nấu whiskey cả trăm năm. 

Sake có nhiều loại. Ảnh từ Internet

Rượu Tàu như Nữ Nhi hồng em chỉ đọc trong chưởng chứ chưa uống. Qua Tầu chỉ được uống Mao đài tửu mùi hơi thum thủm nhưng mạnh, có chai đề 65 độ. Ngày xưa như Lỗ Trí Thâm mà bê cả vò uống thì sức rượu cũng không phải dạng vừa đâu :-).

 

rieng&chung

Chà, bác Candid còn uống cả Mao Đài rồi, rượu này đắt đỏ, phải “rất gì và này nọ” mới có điều kiện uống 🙂 . Riengchung chưa từng có cơ hội như thế…

Cuối 2010, trong một phiên đấu giá, một chai Mao Đài 1958 bán được 1.45 triệu tệ tại một cuộc đấu giá. Tin và ảnh từ trang này 

Chuyện mùi mẽ của rượu trắng ở Trung Quốc nghe đâu là do hương liệu, chia làm khoảng 5-7 cấp khác nhau (có tên gọi về khía cạnh này để nhận biết). Dĩ nhiên cấp thấp nhất “chẳng có mùi gì”. Soju của Hàn có lẽ thuộc cấp này, lại loãng nữa, nên mới như bác Đặng Thái nói trong bài.

Tuy nhiên rượu chưng cất ở Trung Quốc chỉ xuất hiện vào thời nhà Nguyên (người Mông Cổ), sau đời Tống (có mấy anh hùng Lương Sơn Bạc). Nhà Nguyên lập ra một cương vực quá rộng lớn từ đông sang tây, và nghe đâu họ đã vô tình tạo điều kiện cho kĩ thuật chưng cất rượu từ Ấn Độ chính thức du nhập sang Trung Quốc (vậy là sau kinh Đại thừa theo Đường Tăng về Trung Quốc đâu chừng 6-7 thế kỉ). Có thể, cái vụ cho hương liệu vào rượu nghe cũng rất “Ấn Độ” – xứ sở hương liệu mà.

Vậy trước đời Nguyên, rượu ở Trung Quốc đều là lên men ủ ép (từ gạo, cao lương, tiểu mạch v.v..) nên độ cồn cực thấp. Mấy cụ Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm v.v… sinh thời đều chưa kịp biết rượu chưng cất là gì, nên chỉ uống rượu kiểu sake thôi, uống khỏe là… vì thế.

Người Nhật giao lưu văn hóa với Trung Quốc nghe đâu rất thịnh từ đời Đường, chắc cũng giao lưu về rượu từ đó, nên họ có dòng rượu ủ ép độ cồn thấp và duy trì phát triển nó như một truyền thống.

Theo logic này, thì rượu nếp của ta cũng phải xếp vào hàng “cụ tổ” của quốc lủi cũng nên.

 

Candid

Công nhận rượu Mao Đài đắt, có lẽ vì quốc tửu của Tàu. Nhưng ở Tàu bia, thuốc lá nội địa cũng đắt hơn nhiều loại hàng nhập. Uống Mao đài em cứ nhớ lại trong phim Cao lương đỏ có cảnh tè vào hũ rượu.

Ngày xưa đọc câu thơ “bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi/ dục ẩm tỳ bà mã thượng khôi” mà không biết rượu bồ đào là rượu gì. Lúc đọc Tiếu ngạo Giang hồ có đoạn Lệnh Hồ Xung thi rượu có nói đến rượu bồ đào cất ba lần như brandy. Lẽ nào ngày xưa giao lưu thương mại theo con đường tơ lụa tướng lĩnh Tàu đã uống brandy trong ly pha lê?

Nhật cũng có một loại rượu tên Sochu, không hiểu có phải có họ với soju?

 

rieng&chung

Cái này xin phép thử giải thích với bác Candid một chút như sau: “Bồ đào mỹ tửu...” là thơ đời Đường, kinh đô Trường An cũng gần phía tây hơn cả so với các kinh đô phong kiến khác của Trung Quốc, nên gần xứ trồng nho và chế rượu nho ngon (ở đây ta không bàn cái xứ nho này đã thuộc về Trung Quốc hay chưa). Do đó tướng lĩnh Trung Quốc thời này đi đánh đấm phía tây bắc hay uống rượu bồ đào, tức rượu nho (bồ đào là từ Hán Việt của 葡萄, là nho).

Sang đến thời của Lệnh Hồ Xung được cho là cuối đời Nguyên sang đời Minh, sau thời Lương Sơn Bạc nhà Tống đã vài trăm năm, là khi kỹ thuật chưng cất (cùng với rượu brandy) đã từ phía Tây du nhập vào Trung Quốc rồi, nhưng chưa thật sự phổ biến trong xã hội, nên chỉ có tầng lớp quý tộc hoặc “cá mập” các loại được sờ đến. Phải công nhận kiến thức sâu rộng có khảo cứu nghiêm túc của Kim Dung khi sáng tác truyện chưởng.

 

candid
Cám ơn bác riêng&chung đã giải thích về từ bồ đào, đúng là do không biết chữ Hán nên nhiều khi chông chênh không hiểu rõ nhiều thứ. Chả gì chữ Hán cũng tồn tại ở VN cả 2000 năm, ảnh hưởng đến rất nhiều thứ mà giờ chúng ta không biết cũng là cái thiệt thòi. Em lại càng thôi thúc ý định phải học lấy dăm trăm chữ Hán bỏ túi. Chứ không thì bài thơ kia lâu nay toàn thuộc là:

Rượu bồ đào chén dạ quang
Cứ lai rai mãi lên đàng làm sao
Rượu vào ăn nói tào lao
Ngựa ra chiến địa còn tao trở về.

 

phạm quang hiếu

Thấy hai bác bàn về rượu mà ham, cũng xin góp vui tí :).

Mấy cái rượu tây rượu tàu mình không biết nhiều, nhưng mà rượu Việt có cái rượu Mai Hạ của người Thái uống rất phê, xứng đáng là mỹ tửu 🙂

Là rượu sắn (hình như cũng có thêm tí nếp nương), men lá, củ, quả, rễ cây rừng có mùi đặc trưng không lẫn vào đâu được. Thậm chí, người uống còn có thể thấy cả mùi… gầm nhà sàn.

Người Thái nấu rượu Mai Hạ. Ảnh từ trang này 

 

Mười mấy năm trước, tối đông lạnh, lần đầu uống Mai Hạ bên bếp lửa nhà sàn bản Khả, ông chủ nhà mở can rượu… Ôi zồi mùi thơm nồng…nặc. Nâng chén rượu ngang mũi, đúng là mùi gầm nhà sàn chứ còn gì nữa, hơi e ngại sự mất vệ sinh (sau biết không phải) nhưng rồi tặc lưỡi! Nhấp ngụm rượu đầu mà như uống lửa!!! Ôi zồi nặng! Hỏi cậu thanh niên bản, cậu bảo trên 60 độ! Nhấp ngụm thứ hai, quan sát ngọn lửa bừng lên trong vòm miệng, từ từ trôi qua cổ họng, xuống ngực, nóng rãy bụng, rồi lan khắp cơ thể, rồi… êm ru! Đứng lên cởi áo 🙂

Lần đấy, dù tửu lượng không tồi, ba chén da lươn say cả chấy!!! Cái say cũng lạ, vừa bốc phừng phừng vừa êm như đùi con gái, ngây ngất hết cả người! Đi sang bản Lác xem văn nghệ quần chúng, lái xe vẫn ngon, tỉnh, mỗi tội kịch ga kịch số 🙂

Năm kia có cậu em biếu can Mai Hạ, cũng vẫn khá ngon, nhưng không còn nặng độ nặng mùi như xưa…

 

Đặng Thái

Không ngờ chư vị huynh đệ lại say mê đàm luận tửu đạo đến vậy. Tại hạ chỉ xin đưa thêm một vài thông tin nữa mà thôi: có hai hình thức chính để sản xuất ra rượu mạnh đấy là chưng cất (Distillation) và ủ (Brew).

Mao Đài, Quốc Lủi, Soju, Shōchū và các loại rượu mạnh của Tây đều là rượu chưng cất. Soju và Shōchū là hai từ phiên âm của cùng một chữ Thiêu tửu (mà bác rieng&chung đã giải thích). Soju pha loãng là chính xác đấy bác ạ, người Hàn trộn đủ thứ tạm nham để giảm độ cồn mà, nên chỉ có Hàn Quốc mới uống soju thôi.

Sake thì thuộc loại thứ hai đó là phải ủ và nấu giống như bia, mà hạt gạo lại cạo nhẵn thín như bác Candid mô tả nên nồng độ cồn không cao như loại một mà lại còn vừa nhạt vừa chua là phải.

Hai bác bàn nhiều chuyện rất hay, chỉ có một điều không đồng tình với bác Candid là Mao Đài bác uống sao lại thum thủm? Em vẫn còn nhớ bố em đi Trung Quốc về, có chai Mao Đài giấu như của quý, thế rồi có hôm mở tủ chắt ít rượu táo tàu (siêu rẻ) lỡ tay làm rơi vỡ tan chai sứ trắng (tiếc đứt ruột), nó thơm váng nhà, nguyên một tháng mới bay hơi hết hẳn.

Nixon và Chu Ân Lai cụng ly Mao đài. Ảnh từ trang này 

 

rieng&chung

Bác Candid,

Bài thơ nhạo trên rất hay, câu tỉnh câu say, đúng chất của trạng thái hơi ngà ngà, tự cởi trói 🙂

Bác Phạm Quang Hiếu, cảm ơn bác giới thiệu rượu Mai Hạ hay quá. Bèn lật đật đi tra được cái link giới thiệu rượu này. Đọc bác Hiếu và cái link kia, lại nghĩ đến một câu tự hỏi lẩn thẩn của riengchung, là tại sao Việt Nam mình trong lịch sử mấy nghìn năm hình như không thấy rượu nào lên ngôi nhỉ? Mình có vua chúa, có quý tộc, có văn nhân tài tử… không biết thiếu cái gì nữa mà hầu như chẳng có rượu nào đi vào lịch sử (chưa nói đi ra thế giới)? Hay là do riengchung còn “thiển cận” chưa đọc đến nơi? Nhưng dù gì, thì đúng là những rượu Mai Hạ v.v… rất cần “mặc áo để đi xa”.

 

Candid

Bác Đặng Thái: đúng là rượu Mao đài có mùi rất mạnh, mở nắp là bay khắp phòng. Còn thum thủm là cảm giác của em, giống như phó mát em không thấy mùi gì nhưng có người thì chê thối. Có lẽ em không hợp lắm nhưng uống rượu Mao đài 65 độ đúng là nước có lửa “thiêu tửu”.

Các bác: hồi trẻ em ăn cơm mòn bát ở bản Lác và bản Póm Coom mà chưa uống Mai Hạ bao giờ. Chỉ uống rượu cần men lá đổ nước suối 😀

 

Candid

Rượu dân tộc Tây Bắc thì em ấn tượng nhất là rượu Sán Lùng. Rượu đấy là của người dan tộc Dao đỏ ở Bát Xát, Lào Cai nấu. Ngay trước đường đi Bát Xát khó khăn nen vào đấy mới kiếm được rượu xịn. Em có ông sếp cũ rất sành rượu, đến hôm ăn tân gia, ông này không đãi rượu Tây mà đãi Sán Lùng. Anh em uống rượu hôm ấy đều công nhận tuyệt. Rượu có màu ánh xanh và vị mạch nha của mầm lúa.

Nấu rượu sán lùng. Ảnh từ trang này http://tourdulich-sapa.com/dac-san-duong-pho/ruou-san-lung-sapa.html

Ông sếp em bảo Sán Lùng nghĩa là Tam Long, người ta nấu rượu này ở cái thác nước như con rồng, chất lượng nước tốt cùng với nhiều loại lá làm men nén ra được rượu này. Em cũng không rõ nhưng sau này đi Tây Bắc không được uống loại chuẩn như thế nữa.

Rượu Việt Nam nếu nấu chuẩn, khử aldehyde chuẩn thì không kém loại nào. Em cũng từng uống loại rượu nếp ở Thái Bình do cụ trưởng tràng làng rối nước nấu cho con cái uống. Phải nói là tuyệt. Giờ cụ mất rồi nên không được uống nữa.

 

rieng&chung

Bác Đặng Thái, cảm ơn bác đã bổ khuyết những điểm bỏ sót trong quá trình trò chuyện. Hình như riengchung bị ngộ nhận khi có ý kết luận rượu ủ thì độ cồn thấp (kiểu chỉ 30 độ đổ lại thôi). Cũng xin xót thay cho chai Mao Đài bị vỡ, vì thời cụ thân sinh của bác đem về ắt hẳn phải là rượu xịn, không như bây giờ người ta nói 90% Mao Đài trên thị trường là rượu dởm (cũng chưa hiểu dởm ở nội hàm nào)…

Bác Candid, hóa ra là Sán Lùng chứ không phải Sán Nùng :). Lại còn có nghĩa là Tam Long nữa thì rất thú vị. Vì Tam Long theo tiếng Hoa hiện đại bính âm chính là san long. Vậy ngôn ngữ của người Dao đỏ (ít nhất ở từ này) khá gần tiếng Hán.

Giới thiệu rượu sán lùng của người Dao đỏ. Ảnh từ trang này

Ý của riengchung về cái sự “lên ngôi” của một dòng/loại rượu nào đó, là nó phải được công nhận một cách rộng rãi hơn nữa, vượt ra khỏi phạm vi địa phương thậm chí ra khắp toàn quốc. Ngoài đi vào thơ văn mà “nói đến ai cũng biết”, nó còn phải trở thành một thứ biểu tượng, hoặc tiêu chí cho một thứ giá trị, v.v… như kiểu một trong các yếu tố của “bộ nhận diện thương hiệu Việt Nam”, đại khái thế :-). Có vẻ như Việt Nam chưa có loại rượu nào như vậy. Vậy rượu ta kém rượu tây rượu tàu ở cái gì (mà không lên ngôi trong chính văn hóa của mình)? Có thể lỗi không tại rượu, mà tại gì đó khác? Tại khí hậu không bằng xứ ôn đới để rượu được lâu? Tại kinh tế hàng hóa chưa phát triển, chưa thoát khỏi sự lam lũ?

Bán rượu sán lùng bên đường. Ảnh từ trang này . Theo Candid trong phần cmt bên dưới thì hình này bị sai rồi…

Thôi chả tự hỏi nữa, có uống hết các loại rượu cũng chưa chắc tìm được câu trả lời 🙂

Kính các bác một ly…

 

Phạm Quang Hiếu

Bác Riêng&Chung, hồi đấy sau vài lần say men Mai Hạ, em cũng thắc mắc như bác. Hồ đồ phỏng đoán rằng rượu Việt thiếu… PR chăng. Như với những rượu nổi tiếng của nước ngoài, công tác PR của bọn…văn nghệ sĩ là hết sức quan trọng, cứ đọc mấy thi/văn nhân Tàu cổ thì thấy (chưa kể Kim Dung), trong khi đó thi/văn nhân Việt cổ chả thấy ca ngợi rượu nước mình, toàn mượn điển tích Tàu đâm ra toàn ca ngợi rượu Tàu.

Chứ như cái rượu Mai Hạ, ngon thì hơn nhiều loại thường được coi là ngon, cũng chả thua bất cứ thứ rượu ngon nhất nào (mà em từng uống thôi ạ), lại có hương vị độc đáo không ai bằng. Làng Vân, Sán Lùng, Bắc Hà, Mẫu Sơn, táo mèo Sa Pa, Bàu Đá, đế Gò Công… đều xách dép chạy cả.

Nướng lợn mán ở Mai Châu. Tại khu du lịch này, một lít rượu Mai Hạ giá 50.000đ. Ảnh từ trang này

Về chuyện đi xa, rượu này quá công phu, mà người mình thường nghĩ (+vốn) ngắn, chỉ sợ thành thương hiệu đóng chai là hỏng bét. Mà hỏng rồi ấy chứ, bác lên Mai Châu mà mua rượu ở chợ hay thậm chí đoạn quốc lộ rẽ vào bản Chiềng Hạ là biết liền. Thêm nữa là sản vật rừng ngày càng cạn.

Bác Candid, sao lại phí đời zai thế bác, bản Chiềng Hạ cách Lác chỉ 5,6 cây gì đấy thôi mà, cũng gần đường cái nữa 🙂

Nếp cái hoa vàng Làng Vân mà phải tay người nấu chuẩn, hạ thổ lâu năm là một thứ thuốc độc giết người, hệt như đàn bà đẹp 🙂


Candid

Đọc về rượu Mai Hạ thấy các bác có nhắc tới “mùi gầm nhà sàn”, chắc cái này cũng tương tự mùi em cảm thấy khi ngửi rượu Mao Đài.

Rượu Việt Nam như Bàu Đá xịn em thấy cũng ngon nhưng khó kiếm được xịn. Em nghĩ vấn đề rượu Việt Nam không nổi được là vì dễ bị làm nhái và không đảm bảo chất lượng. Có lẽ đành đổ tại cái nước mình nó thế 🙂

 

Phạm Quang Hiếu

Bác Candid, rượu Mao Đài thì em chưa được uống nên không biết, nhưng “mùi gầm nhà sàn” có thể nói là…thum thủm cũng được, tuy không hẳn. Bác hay đi miền núi thì chắc hẳn biết mùi đấy, nồng nồng, ngai ngái, hôi hôi…tổng hợp từ mùi trâu bò lợn gà, mùi thức ăn gia súc, mùi gỗ ẩm, mùi cỏ dại v.v… khó diễn tả 🙂

Cũng xin nói thêm là trong rượu Mai Hạ, mùi “gầm nhà sàn” chỉ là một trong nhiều mùi rừng núi của nó thôi ạ, kẻo bác lại tưởng nó chỉ thum thủm rồi không nếm thử. Với lại, mấy năm gần đây, rượu Mai Hạ mà em uống (cũng lấy từ Chiềng Hạ) phai nhạt gần hết cái mùi ấy rồi.

Bác Riêng&Chung, không sao bác ạ, rượu hay nghệ thuật đều tiến hóa nhờ những cá nhân xuất chúng, không phải đám đông. Rượu Mai Hạ mà gặp người có tâm có tiền, quyết giữ hương vị xưa, tìm được nghệ nhân giỏi biết công thức cổ, giữ được nguồn nguyên liệu từ rừng núi, không chạy theo thị trường giảm độ cồn và chất lượng rượu… thì sẽ giữ được hương vị độc đáo và ra được thế giới. Khó nhỉ…

 

*

SOI: Anh Trịnh Lữ muốn gửi cmt với cái ảnh, nhưng phần cmt của Soi lại không cho đăng ảnh. Anh viết:

“Có cái ảnh chụp tác phẩm ‘Chai khỏa thân’ của cao thủ Rene Margerite, vẽ bằng sơn dầu lên một cái chai, muốn gửi như một còm cho bài bàn nhậu ảo cho vui.
Cũng là để có ý rằng chuyện nhậu rượu thì dân tộc nào chắc cũng như nhau cả. Cũng như việc ngôn ngữ học hiện đại coi tất cả mọi ngôn ngữ của loài người thực ra chỉ là một 🙂 :-).
Gặp cái chai này ở bảo tàng của Art Institute of Chicago. Ảnh của mình chụp.” 

.

Ý kiến - Thảo luận

23:40 Wednesday,10.2.2016 Đăng bởi:  ong Bắp
bàn xôm quá, đọc mà thèm
...xem tiếp
23:40 Wednesday,10.2.2016 Đăng bởi:  ong Bắp
bàn xôm quá, đọc mà thèm 
15:23 Saturday,20.6.2015 Đăng bởi:  Uống năm xu rượu đánh nhau với cả đồn
@ candit: thực ra khi mình sang vồ vào những mảnh vỡ Liên Xô, anh em Việt chủ yếu là hết gạo chạy rông nhất thương nhì sĩ. Nhưng candit xem ký thì mõ nói là chỉ uống rượu thi với biên chế của đồn Ploshad Ilycha thôi, không đánh nhau. Thứ nhất vì công an Nga hồi ấy (dù vẫn bị gọi là ment) là những người của xã hội xô viết, họ về bản chất vẫn tốt, và quý Việt N
...xem tiếp
15:23 Saturday,20.6.2015 Đăng bởi:  Uống năm xu rượu đánh nhau với cả đồn
@ candit: thực ra khi mình sang vồ vào những mảnh vỡ Liên Xô, anh em Việt chủ yếu là hết gạo chạy rông nhất thương nhì sĩ. Nhưng candit xem ký thì mõ nói là chỉ uống rượu thi với biên chế của đồn Ploshad Ilycha thôi, không đánh nhau. Thứ nhất vì công an Nga hồi ấy (dù vẫn bị gọi là ment) là những người của xã hội xô viết, họ về bản chất vẫn tốt, và quý Việt Nam. Còn chuyện ham gái theo kiểu Nga thì là chuyện dài. Tuy nhiên nước Nga mới lập ra lực lượng OMON (một thứ sen đầm) gồm con nhà cơ nhỡ, chỉ biết uống rượu và đánh người. Bọn ấy mà đụng phải thì nó dùng vũ lực ngay, chả mất công bầy rượu ra cho mình uống để tính đường chiếm hiền thê vòng ba hơi to đâu. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp