Đi & Ở

Đồ uống Hàn Quốc: Su là thủy, bul là hỏa, su cộng bul bằng sul là tửu 10. 06. 15 - 7:14 am

Đặng Thái

Lời mở đầu: Để có thể bàn hết về một nền ẩm thực trong một vài bài viết là điều không tưởng, đặc biệt là với một dân tộc có văn hóa và lịch sử lâu đời. Đề tài ăn uống là quá rộng nên xin phép cứ tiện đâu nói đấy, thấy gì hay ghi lại, mong bạn đọc kiên nhẫn và thông cảm.

Nói đến ẩm thực người ta thường nghĩ ngay đến “thực” mà quên mất là “ẩm” mới đứng trước. Vậy nên ta sẽ bắt đầu đi từ việc uống, mà cơ bản nhất chính là nước. Sự văn minh của một đất nước thường được các bạn Tây đánh giá qua chất lượng nước vặn vòi ở các thành phố lớn. Những hướng dẫn du lịch cho dân Tây trắng bao giờ cũng có chi tiết là nước máy (trong toa lét) có uống ngay được không vì các bạn ấy hay tự nhiên như ở nhà, cứ mở vòi ra là tu ừng ực. Nước máy Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh dù thơm sực nức mùi clo tẩy trùng nhưng vẫn bị người ta đánh giá là “uống nước vòi ở Việt Nam tương đương với chơi cò quay Nga”.

Mình ấn tượng với sân bay Incheon vì có rất nhiều vòi nước đứng, bấm nút cho xịt thành tia rồi hứng miệng vào uống, nom như ở Tây (mà có khi còn hơn Tây, không phải ở đâu sân bay cũng có vòi nước sạch để uống miễn phí vì còn phải tranh thủ bán nước lọc đóng chai với giá cắt cổ). Đương cơn khát, thấy biển ghi rõ “nước uống được”, chạy ngay lại làm một ngụm cho thanh lọc cơ thể, chưa nuốt trôi thì mặt đã nhăn dúm dó lại ngay lập tức. Nước lọc trong veo mà sao sặc mùi thuốc bắc lại còn khuyến mãi thêm mùi thuốc tê tiêm khi nhổ răng nữa. Nhè ra vội!

Người Hàn Quốc rất cẩn thận, luôn chuẩn bị thêm một cái vòi thấp hơn cho trẻ con (dĩ nhiên là em bé trong hình còn quá nhỏ để tự bấm nút uống nước được)

Câu trả lời có vào sáng hôm sau, khi đoàn được đi xem nhà máy xử lý nước thải bên bờ sông Hán. Sông Hán là nguồn cung cấp nước uống chính cho Thủ đô Seoul, người hướng dẫn giải thích một cách ý nhị nhưng mình nhanh chóng hiểu ra vấn đề là thượng nguồn của sông lại nằm trên đất Bắc. Thời còn căng thẳng, Hàn Quốc sợ Triều Tiên bỏ độc vào nước sông nên đã biết đường lo liệu lọc nước cho thật cẩn thận (mà bây giờ cũng vẫn đang căng mà).

Câu chuyện thượng nguồn của sông không chỉ dừng lại ở đó mà còn lằng nhằng hơn rất nhiều. Năm 1986, Triều Tiên tiến hành xây dựng một đập nước “khổng lồ” trên sông Bắc Hán, một phụ lưu chính của sông Hán. Toàn đảng, toàn quân và toàn dân Hàn Quốc náo loạn trước tin dự án này. Chính quyền Hàn Quốc ước tính đập của Triều Tiên có thể giữ đến 20 tỉ tấn nước, nếu bất ngờ chơi “thủy chiến” bằng cách xả lũ thì có thể cuốn phăng cả Seoul và một nửa dân Hàn Quốc ra Hoàng Hải. Tổng thống Chun Doo Hwan tuyên bố là cái đập còn nguy hiểm hơn cả bom nguyên tử, không đánh mà vẫn thắng, ưu tiên trước hết của Hàn Quốc lúc đó là thương lượng với Triều Tiên để ngừng xây đập, vì đau một cái nữa là năm 88 Seoul sẽ đăng cai Thế Vận Hội Mùa Hè, nếu để các vận động viên lội nước vào sân vận động thì đúng là quốc nhục. Thương lượng không đi đến đâu, Hàn Quốc đành dùng biện pháp cuối cùng là xây thêm một cái đập nữa cũng trên sông Bắc Hán nhưng ở phần đất bên Hàn Quốc để đề phòng bên kia xả lũ hoặc xấu hơn nữa là đập bên kia chất lượng kém, nhỡ nó vỡ. Triều Tiên dâng nước lên cao bao nhiêu, Hàn Quốc xây đập cao lên bấy nhiêu. Hai bên cứ dền dứ nhau, mất gần hai chục năm mới xong hai cái đập, 2003 ở phía bắc, 2005 ở phía nam.

Đập Imnam của Triều Tiên phía trên và đập Hòa Bình của Hàn Quốc phía dưới. Sau này mới lòi ra là Triều Tiên không thể xây được cái đập to như lời ông Chun phóng đại, thực ra chỉ giữ được 2 tỉ mét khối nước thôi. Dĩ nhiên thế cũng là to lắm rồi và Hàn Quốc đã nếm mùi ngập lụt một lần khi mà Triều Tiên xả lũ không báo trước năm 2005.

Nhưng kết quả của cái trò hề này là gì? Là sông Hán chảy qua Seoul mất 12% lưu lượng nước, thủ đô thiếu nước trầm trọng và nó dẫn đến bắt buộc phải… lọc nước thải để uống!

Cả một nhà máy rộng mênh mông nhưng không thấy có một công nhân nào qua lại ngoài người hướng dẫn viên đại diện của nhà máy. Hàng nghìn cái bể lắng, máy bơm, quạt tản nhiệt hoạt động cùng lúc mà chỉ phát ra những âm thanh êm ái, du dương như nhạc không lời bật trong nhà hàng. Tất cả đều tự động và toàn bộ máy móc chạy bằng năng lượng mặt trời. Ông đại diện tự hào nói rằng không gian ở đây tĩnh lặng, công việc của nhà máy tưởng đơn giản nhưng là tối quan trọng. Nó cung cấp nước sinh hoạt liên tục cho hàng chục triệu người bất kể điều kiện thời tiết, không có bất kì một sai sót nào về chất lượng nước và giảm thiểu tất cả các nguy cơ bệnh tật thông qua đường nước uống (cũng là giảm tải cho bệnh viện). Ghê gớm hơn, nhà máy còn có dây chuyền sản xuất… nước đóng chai tinh khiết.

Dây chuyền nước đóng chai rất lớn, hiện đại và tự động nên chỉ có một người đứng trông coi. Bên trong vô trùng, khách xem qua vách kính.

Ý tưởng uống nước sạch lọc từ nước thải đương nhiên là không hay ho gì nhưng làm được như vậy không hề đơn giản. Chính quyền Seoul còn phải đào lên toàn bộ đường ống nước bằng kẽm Nhật làm thời thuộc địa rồi thay bằng ống mới đắt tiền (và vĩnh cửu) để đảm bảo nước cấp cho thành phố không bị nhiễm bẩn sau khi lọc. Người Seoul tự hào về hệ thống nước uống này vì nó còn giảm thiểu lượng nước thải ra môi trường và tiết kiệm nguồn tài nguyên nước. Ngày nay hầu hết nước máy sinh hoạt trên khắp lãnh thổ Hàn Quốc đều có thể uống trực tiếp được, nhưng người dân vẫn theo thói quen uống nước đun sôi để nguội và quan trọng hơn là để khử cái mùi dầu gió. Từ sau sáng hôm đó, mỗi lần vào nhà hàng thấy bình nước mát trên bàn, mình không còn thấy nó ngon ngọt như trước nữa.

*

Lại nói tiếp về đồ uống ở Hàn Quốc, thức uống nổi tiếng nhất đất này không phải trà, không phải nước sâm mà chính là Soju. Soju (tiếng Hán: Thiêu tửu, đọc là sô-chu) nghĩa là rượu đốt cháy (cổ họng) nhưng toàn bị người Việt chê là nhạt như nước ốc. Phương pháp chưng cất soju từ gạo được người Mông Cổ mang từ tận Tây Á sang Hàn Quốc sau khi đánh bại nhà Cao Ly. Loại rượu truyền thống được làm thủ công có nồng độ cồn tới 45% nhưng từ khi lập quốc, suốt nhiều thập kỷ đói kém Hàn Quốc đã cấm nấu rượu bằng gạo. Đến tận năm 1999, lệnh cấm nấu rượu mới được gỡ bỏ. Vì thế trong nhiều năm người dân dùng khoai lang, sắn, lúa mạch, bất cứ thứ gì có tinh bột ngoài gạo để trộn lẫn lộn rồi lên men, nên nồng độ cồn chỉ khoảng 20% trở xuống. Nhiều người nhận xét là soju uống thì nhạt nên dễ uống nhưng mà uống nhiều thì sẽ ngấm rất say. Thực ra không phải do rượu mà chính là do vô vàn chất phụ gia, tạo hương vị được cho thêm vào để giảm giá thành sản xuất và giảm nồng độ cồn mà vẫn giữ nguyên hương vị (chính phủ quy định là phải dưới 35%)

Soju được bán trong tất cả các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, thậm chí hàng rong vỉa hè. Thương hiệu quen thuộc nhất và gần như áp đảo trên thị trường là Chamisul của hãng Jinro với hình ảnh chai thủy tinh màu xanh lá cây.

Tại sao chính phủ phải quy định nồng độ cồn? Bởi vì lượng soju tiêu thụ hằng năm ở Hàn Quốc là một con số khổng lồ. Chỉ riêng soju (không tính bia và tất cả các loại đồ uống có cồn khác) người Hàn Quốc tiêu thụ khoảng một TỶ chai 360 ml trong một THÁNG. Jinro chiếm 58% thị phần soju ở Hàn Quốc với hơn 60 triệu thùng 9 lít soju bán ra một năm, đã trở thành thương hiệu thức uống có cồn bán chạy nhất thế giới, gấp đôi hãng đứng thứ hai là Smirnoff Vodka. Đứng thứ ba trên bảng xếp hạng lại là Lotte Soju với 24 triệu thùng.

Lí do gì mà soju bán chạy đến như thế? Thứ nhất vì nó rẻ: một chai chưa đến 20.000 Việt Nam đồng tức là dưới 1000 won hay là 1 dollar Mỹ. Thứ hai là vì hương vị ngòn ngọt dễ uống, độ cồn thấp uống thay rượu vang. Thứ ba, quan trọng và khó nhận diện hơn cả là rất nhiều sự bất ổn trong mô hình xã hội Hàn Quốc khiến người ta tìm đến rượu: người chồng nhận việc kiếm tiền nuôi gia đình, người vợ sau khi sinh con ở nhà nuôi con không đi làm. Việc phân chia này sẽ được phân tích kỹ hơn ở bài sau, còn trước hết ta nhận ra ngay một vấn đề: các ông chồng quá áp lực với công việc, tan sở thường tụ tập làm “vài ly” giải tỏa căng thẳng trong khi các bà vợ ở nhà rỗi rãi hoặc nhàm chán với việc nhà cũng rủ nhau đi làm “vài chén”.

Hai ba bà trung niên ngồi uống rượu trong quán không hiếm (ai xem phim Hàn Quốc thì suốt ngày thấy các nhân vật chán đời hoặc thất tình đi uống rượu). Phụ nữ Hàn Quốc cũng uống rất nhiều nếu so với phụ nữ châu Á.

Người phương Tây hay chế giễu người Ai-len (Irish) là dân sâu rượu, thường bê tha vì nghiện đồ uống có cồn. Nên mới có cái chuyện hài đau bụng như thế này, một cô giáo dạy tiếng Anh người Ai-len xin việc ở Hàn Quốc nhận được cái email từ chối như sau:

“Chào cô Katie, tôi rất xin lỗi khi thông báo rằng khách hàng của chúng tôi không nhận người Ai-len bởi vì tính nghiện rượu tự nhiên sẵn có của dân tộc cô” (alcoholism nature of your kind)

Các báo của Ai-len và Anh tha hồ đăng lại cái ảnh này vừa mua vui, vừa chửi cái sự nông cạn và phân biệt chủng tộc của bọn Hàn. Nhưng mà cái hài chưa dừng lại ở đó vì số liệu của nhiều tổ chức đưa ra lại cho thấy người Hàn Quốc trong top uống nhiều nhất thế giới, chỉ kém vài nước Đông Âu uống rượu thay nước chứ vẫn còn cao hơn rất nhiều nước Tây Âu, báo Ai-len lại đăng:

Lượng tiêu thụ đồ uống có cồn lít/ người/năm: “Vâng, dân Hàn Quốc còn uống nhiều hơn cả dân Ai-len” và chúng ta nên gọi người Hàn Quốc là người Ai-len của châu Á.

Người Hàn Quốc nói chung rụt rè và khép kín, ngại nói ra điều mình nghĩ. Học sinh sinh viên căng thẳng học hành (như ở bài trước) hoặc ấm ức ở trường thường không biết chia sẻ với ai mà tìm đến rượu rất sớm. Công nhân hay nhân viên văn phòng thấy bị bắt nạt, bị chửi hoặc ức chế ở chỗ làm cũng uống rượu. Nhất là khi sếp đề nghị uống rượu thì cấm có anh nào dám từ chối. Sau giờ tan tầm, có thể thấy khắp nơi là các ông com lê ca vát ngồi uống và ăn nhậu. Buổi tối thì sẽ thấy rất nhiều đàn ông đi ra từ các quán karaoke say xỉn, chân đi loạng quạng. Việc uống rượu để giải quyết công việc và gắn kết tình đồng nghiệp là chuyện thường, mỗi tội họ uống với ăn là chính chứ chẳng mấy khi nói với nhau câu nào. Nhưng thôi ta không bàn về những vấn đề xã hội phức tạp ấy nữa. Còn lời khuyên của mình thì đừng có uống soju, Hàn Quốc còn khối thứ rượu ngon. Thử maehwasu (rượu hoa mơ) hoặc insamju (rượu nhân sâm) chẳng hạn!

*

Xã hội Hàn Quốc:

- Xã hội Hàn Quốc (bài 1): Ngắm Hangang, nghĩ về kỳ tích sông Hán

- Xã hội Hàn Quốc (bài 2): Chuyện ở bác vật quán và thư quán

- Xã hội Hàn Quốc (bài 3): Đừng chết ở hagwon

- Đồ uống Hàn Quốc: Su là thủy, bul là hỏa, su cộng bul bằng sul là tửu

- Đồ ăn Hàn Quốc (bài 2): Em ơi đừng tin nó lừa đấy, nó bảo là không có bột ngọt!

- Đồ ăn Hàn Quốc (bài 1): Ăn cơm bát không được bưng, uống rượu nhớ đừng tự rót

- Xã hội Hàn Quốc (bài 4): Người Hàn Quốc hăng hái làm gì nhất? Đàn ông thì biểu tình…

- Xã hội Hàn Quốc (bài 5): Người Hàn Quốc hăng hái làm gì nhất? Đàn bà thì trang điểm…

- Xã hội Hàn Quốc (bài 6): Giặc Oa hai lần đại phá Cảnh Phúc Cung

- Xã hội Hàn Quốc (bài 7): Ủy An Phụ và Quang Phục Tiết

- Xã hội Hàn Quốc (bài 8): Kiều bào hay đồng bào?

- Xã hội Hàn Quốc (bài 9): Nỗi buồn được giải quyết ra sao?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 1): Thối quá nhưng mà chặt hay không chặt?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 2):
Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị
Tiện giang sơn hướng bối chi nghi

- Đặc biệt thị Seoul (bài 3):
Quyền lực nằm ở đâu?
Cung, Phủ hay Đài, Đường?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 4): Cổ thì ít còn kính thì nhiều

Ý kiến - Thảo luận

11:25 Monday,15.6.2015 Đăng bởi:  phạm quang hiếu
Bác Candid, rượu Mao Đài thì em chưa được uống nên không biết, nhưng "mùi gầm nhà sàn" có thể nói là...thum thủm cũng được, tuy không hẳn :D Bác hay đi miền núi thì chắc hẳn biết mùi đấy, nồng nồng, ngai ngái, hôi hôi...tổng hợp từ mùi trâu bò lợn gà, mùi thức ăn gia súc, mùi gỗ ẩm, mùi cỏ dại v.v... khó diễn tả :)))
Cũng xin nói thêm là trong rượu Mai Hạ, mùi "g
...xem tiếp
11:25 Monday,15.6.2015 Đăng bởi:  phạm quang hiếu
Bác Candid, rượu Mao Đài thì em chưa được uống nên không biết, nhưng "mùi gầm nhà sàn" có thể nói là...thum thủm cũng được, tuy không hẳn :D Bác hay đi miền núi thì chắc hẳn biết mùi đấy, nồng nồng, ngai ngái, hôi hôi...tổng hợp từ mùi trâu bò lợn gà, mùi thức ăn gia súc, mùi gỗ ẩm, mùi cỏ dại v.v... khó diễn tả :)))
Cũng xin nói thêm là trong rượu Mai Hạ, mùi "gầm nhà sàn" chỉ là 1 trong nhiều mùi rừng núi của nó thôi ạ, kẻo bác lại tưởng nó chỉ thum thủm rồi không nếm thử :P Với lại, mấy năm gần đây, rượu Mai Hạ mà em uống (cũng lấy từ Chiềng Hạ) phai nhạt gần hết cái mùi ấy rồi :3
Bác Riêng&Chung, không sao bác ạ, rượu hay nghệ thuật đều tiến hóa nhờ những cá nhân xuất chúng, không phải đám đông :))) Rượu Mai Hạ mà gặp người có tâm có tiền, quyết giữ hương vị xưa, tìm được nghệ nhân giỏi biết công thức cổ, giữ được nguồn nguyên liệu từ rừng núi, không chạy theo thị trường giảm độ cồn và chất lượng rượu... thì sẽ giữ được hương vị độc đáo và ra được thế giới :))) Khó nhỉ :D 
8:18 Monday,15.6.2015 Đăng bởi:  Candid

Đọc về rượu Mai Hạ thấy các bác có nhắc tới "mùi gầm nhà sàn", chắc cái này cũng tương tự mùi em cảm thấy khi ngửi rượu Mao Đài.

Rượu Việt Nam như Bàu Đá xịn em thấy cũng ngon nhưng khó kiếm được xịn. Em nghĩ vấn đề rượu Việt Nam không nổi được là vì dễ bị làm nhái và không đảm bảo chất lượng. Có lẽ đành đổ tại cái nước mình nó
...xem tiếp

8:18 Monday,15.6.2015 Đăng bởi:  Candid

Đọc về rượu Mai Hạ thấy các bác có nhắc tới "mùi gầm nhà sàn", chắc cái này cũng tương tự mùi em cảm thấy khi ngửi rượu Mao Đài.

Rượu Việt Nam như Bàu Đá xịn em thấy cũng ngon nhưng khó kiếm được xịn. Em nghĩ vấn đề rượu Việt Nam không nổi được là vì dễ bị làm nhái và không đảm bảo chất lượng. Có lẽ đành đổ tại cái nước mình nó thế. :D

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ăn kem – xem show

Mr Thứ Hai – Chu Minh Vũ | Việt Nam Ngày Mới

Gia Phả: Sự hòa thuận phô diễn

Mai Chi (từ Hanoi Grapevine) - Ảnh: Larissa Gehrke

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả