Đi & Ở

Đồ ăn Hàn Quốc (bài 2): Em ơi đừng tin nó lừa đấy, nó bảo là không có bột ngọt! 19. 06. 15 - 9:34 am

Đặng Thái

(Tiếp theo phần 1 về đồ ăn Hàn Quốc và bài “Đồ uống Hàn Quốc“)

*

Lời mở đầu: Trong phạm vi bài viết tác giả chỉ thu hẹp ở một vài yếu tố và vấn đề cơ bản nhất trong việc ăn uống thời hiện đại ở Hàn Quốc. Bài viết phản ánh quan điểm của cá nhân tác giả vì đặc biệt khi nói đến việc ngon hay không ngon, chê hay không chê đồ ăn Hàn Quốc, chắc chắn sẽ trở thành vấn đề gây nhiều tranh cãi (thậm chí là phản ứng dữ dội).

Vào khoảng thập niên 70, khi Hàn Quốc thoát đói nghèo thì các quán ăn bắt đầu mở ra nhiều hơn. Sản xuất thức ăn bằng nhựa để trưng bày là một nghề thủ công truyền thống của Nhật được người Hàn Quốc tiếp thu và bắt đầu sản xuất vào thời điểm này. Ngành công nghiệp giá trị hàng trăm triệu đô la này không thực sự phát triển cho đến khi có sự tiếp sức của hai sự kiện thể thao rất lớn diễn ra tại Hàn Quốc.
 

Thức ăn mẫu làm bằng nhựa tổng hợp bày bán trong cửa kính một nhà hàng trên phố. Trông rất bắt mắt và khách hàng có thể biết được trông món ăn ra sao. Có thể bắt gặp những bát thức ăn đầy màu sắc này ở hầu hết các cửa hàng lớn nhỏ.

Thế vận hội mùa hè năm 1988 mang đến một lượng khách du lịch khổng lồ và là điểm khởi đầu cho ngành du lịch của Hàn Quốc. Nhưng thời điểm đó, tiếng Anh còn quá ít phổ biến ở Hàn Quốc, mà không chỉ tiếng Anh, còn bao nhiêu khách từ các quốc gia khác lần đầu tiên biết đến nước Hàn Quốc trên bản đồ thế giới. Trăm nghe không bằng một thấy, chỉ có cách duy nhất là dùng thức ăn mẫu bằng nhựa, khách muốn ăn gì là chỉ vào mô hình. Các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm cũng nhận ra tác dụng của mặt hàng này. Nó giảm thiểu tối đa thời gian khách hàng suy nghĩ để chọn lựa giữa các món vì khiến họ hình dung ra khẩu cảm cũng như mùi vị trong đầu. Khi bán những hộp quà Trung thu hoặc quà Tết gói sẵn trong hộp, khách không cần mở ra xem mà chỉ nhìn mô hình là biết chính xác kích thước, màu sắc sản phẩm. Và cuối cùng là nó bền, cứ để trong tủ kính, năm mươi năm vẫn dùng tốt.

Dần dần chính phủ Hàn Quốc nhận ra rằng đây là một phương pháp hữu hiệu để quảng bá nền ẩm thực của đất nước mình ra toàn cầu. World Cup 2002 mang đến thêm một cơ hội nữa cho ngành công nghiệp đặc biệt này. Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp bao tiêu sản xuất và yêu cầu nhà hàng, sân bay, khách sạn cho đến những quán ăn trong ngõ ngách phải trưng bày để cho khách quốc tế thật ấn tượng. Khi đã chạm đến tinh thần dân tộc, bày ra cho cả thế giới xem thì dân Hàn Quốc lập tức làm theo răm rắp và trở thành một trào lưu phổ biến cho đến tận bây giờ. Một cửa hiệu đặt hàng sản xuất tất cả các món trong thực đơn có thể lên tới giá vài trăm triệu đồng.

Về mặt quốc tế mà nói, ẩm thực Hàn Quốc không có vị trí, và bản thân mình đánh giá nó một cách toàn diện thì khó có thế gọi là ngon được. Thức ăn Hàn Quốc theo câu trả lời của một số người được phỏng vấn là lắc đầu quầy quậy. Ông thân sinh ra mình đi theo dạng khách mời của tỉnh Gangwon, sang tham quan khu thi đấu Thế vận hội mùa đông (hụt) 2014 ở Pyeongchang. Người được phỏng vấn thuộc dạng bạo ăn bạo uống (từ bọ xít nướng cho đến chuột luộc nguyên con), về nhà sụt mất mấy cân mà trong khi toàn được ăn cỗ, “của ngon vật lạ” người ta đem ra mời.
 

Các món trong tiệc chiêu đãi của tỉnh trưởng tỉnh Gangwon

 

Người thứ hai là anh công nhân miền Trung đi xuất khẩu lao động ở Deagu, nói là bạn Hàn Quốc rủ đi nhậu đảm bảo tối về phải ăn thêm cơm nhà cho đỡ đói vì không ăn được gì cả. Người thứ ba chính là mình, mình thích thử ăn đồ nhiều nước: quen thuộc như Pháp, Ý, Ấn Độ… cho đến lạ như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kì, Li Băng, Hungary… đều đã ăn qua, nhiều nước đồ ăn chẳng ngon lành gì nhưng mà vẫn phải thừa nhận là đồ Hàn Quốc ở mức bình thường. Nhiều bạn mình nghe thế cứ la lên oai oái.

Theo một cuộc điều tra không chính thức (tự thực hiện) các bạn Tây trắng (là những người thấy bọn da vàng mũi tẹt trông giống hệt nhau) xếp ẩm thực Đông Á như sau: Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc. Vào các quán Hàn Quốc ở nước ngoài sẽ thấy 99% là người Đông Á. Khác với quán Việt hay hàng Tàu rất nhiều Tây, đôi khi vẫn thấy Ấn Độ hoặc người da sẫm màu. Thế thì tại sao bọn Tây (và mình) không thích đồ Hàn Quốc? Có nhiều lí do, nào spicy, nào not healthy nhưng với riêng mình, có một lí do là đầu bếp Hàn Quốc bỏ quá nhiều… mì chính (bột ngọt) khiến cho món ăn ngọt lợ một cách giả tạo.

Hàn Quốc cũng như Nhật Bản và Việt Nam ta đói khổ trong một thời gian rất dài, nên mì chính trở thành một gia vị làm ngọt “tự nhiên” cho món ăn rất hiệu quả. Ngay cả đến khi no đủ, thói quen nêm mì chính vào thức ăn vẫn không hề biến mất. Chính phủ Hàn Quốc nhận ra tác hại của mì chính cùng với những dấu hiệu “mập mờ” liên kết giữa việc người dân ăn rất nhiều mì chính và tỉ lệ ung thư gia tăng nên đã khuyến khích giảm lượng sử dụng trong bữa ăn hằng ngày.
 

Hình ảnh cắt từ MV Open the door, chế giễu nhiều thói hư tật xấu ở đô thị trong đó có việc chủ quán cho quá nhiều mì chính (MSG) vào thức ăn của khách.

 

Không hiểu vì một “lí do bí ẩn nào đó” mà hiện nay chưa có một nhà khoa học nào dám công bố một tài liệu chính thức cho rằng việc ăn mì chính là có hại cho sức khỏe. Chỉ biết rằng khi bạn hỏi mỗi người Hàn Quốc, họ đều mặc định (tưởng) rằng các nhà hàng ở nước họ bị cấm cho mì chính vào thức ăn, mặc dù trên thực tế chính phủ không cấm, do không có “cơ sở khoa học”; vì vậy nhà nước chỉ có thể quy định là phải dán nhãn thực phẩm hoặc dán thông báo là có hoặc không có mì chính trong thức ăn. Nhưng chẳng có mấy nhà hàng dán, không dán tức là họ “chính thức” không cho, trong khi ai ai cũng nêm mì chính một cách “không chính thức” vì không cho thì người ta không ăn. Người phương Tây chẳng hiểu to khỏe thế nào nhưng mà dị ứng với đủ thứ trên đời: vừng, lạc, sữa, trứng cho đến tôm, cua, gluten và đặc biệt là mì chính. Không phải dị ứng kiểu nổi mẩn ngứa đâu nhé mà thường là co thắt khí quản hoặc nhồi máu cơ tim, nên mọi sản phẩm ăn uống đều phải được dán nhãn và cảnh báo chi tiết rất cẩn thận. Còn Hàn Quốc thì giống ta, thịt chó cũng đánh chén nên bỏ thêm ít mì chính cho đậm đà chắc không vấn đề gì.
 

Một gói mì ăn liền sản xuất tại Hàn Quốc có nhãn không mì chính màu xanh lá cây ở góc dưới bên trái.

 

Ảnh chụp gói mì trên đây lại dẫn ta đến một câu chuyện thú vị khác. Chắc bạn cũng đọc ra được bốn chữ “mì khô đại hàn” đỏ chót. Bốn chữ này nói lên điều gì? Nói lên rằng người Việt Nam ở cả Việt Nam và Hàn Quốc đang tiêu thụ một lượng không nhỏ mì ăn liền Hàn Quốc nói riêng và mì ăn liền nói chung. Số liệu của Hiệp hội mì ăn liền thế giới cho biết Việt Nam đứng hàng thứ năm trên thế giới về nhu cầu mì tôm, dưới Ấn Độ một bậc, trên Mĩ một bậc, trên Hàn Quốc hai bậc. Khoan bàn về việc mì tôm đang đầu độc thế hệ trẻ Việt Nam thế nào, ta quay lại Hàn Quốc, với 50 triệu dân mà họ ăn mì gần bằng Việt Nam 90 triệu người.

Mua mì ăn liền ở Hàn Quốc chắc là việc đơn giản nhất trên đời. Nhu cầu nhiều đến mức phải đẻ ra cái máy bán mì tự động đặt ở khắp nơi (bao gồm sảnh khách sạn). Dân Hàn Quốc đi nước ngoài, việc đầu tiên là nhét mì gói vào hành lý, còn không thì đến nơi phải tìm ngay cửa hàng Hàn Quốc để mua mì (và kim chi nếu có). Mì (tiếng Hàn là guksu hoặc theo tiếng Hán Triều là mien giống Hán Việt cùng phiên âm từ chữ miến) là một yếu tố quan trọng trong văn hóa và ẩm thực Hàn Quốc. Nếu muốn hỏi là bao giờ anh cưới vợ thì người ta hỏi “Bao giờ anh cho chúng tôi ăn guksu đây?” (vì trong tiệc cưới bao giờ cũng có mì). Mì ăn liền được tiêu thụ cao gấp nhiều lần mì thật (bằng bột mì). Nếu có đi phố ẩm thực hay hội chợ ẩm thực Hàn Quốc  (cả trong và ngoài nước) bao giờ bạn cũng sẽ thấy một (hoặc nhiều) gian hàng bán… mì ăn liền. Trang bị của chủ quán có mỗi ấm nước sôi với hàng chục nhãn hiệu mì, thế mà bán vẫn đắt như tôm tươi mới lạ!

Tốc độ phát triển kinh tế quá nhanh khiến cho nhịp sống cũng phải tăng tốc một cách chóng mặt. Cùng với mì ăn liền tiện lợi thì thức ăn nhanh kiểu phương Tây cũng phát triển rực rỡ ở Hàn Quốc. Văn hóa Mỹ không được tán dương rộng rãi nhưng luôn được ngấm ngầm ủng hộ và ảnh hưởng “thầm lặng” ở Hàn.

Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Lotteria không còn xa lạ gì ở Việt Nam. Khách luôn luôn phải xếp hàng dù 11 giờ đêm hay 6 giờ sáng.

 

McDonald’s nhanh tay chớp lấy thời cơ Thế vận hội Seoul 1988 để mở cửa hàng đầu tiên ở Hàn Quốc. Cuộc chơi lúc này chỉ có hai đối thủ là McDonald’s và Lotteria. Lotte là một tập đoàn được thành lập ở Nhật nhưng đã hồi hương sau chiến tranh để chung tay xây dựng tổ quốc và trở thành tập đoàn lớn thứ tám ở Hàn Quốc chỉ bằng nghề sản xuất thực phẩm, trên Hyundai một bậc và dưới mấy tập đoàn sản xuất điện nguyên tử, xe hơi, tên lửa, điện thoại thông minh. Lotteria vượt xa McDonald’s ở Hàn Quốc nhờ đánh trúng tâm lý người Hàn dùng hàng Hàn. Họ cũng không ngừng sáng tạo các món bản địa hóa như là kimchi burger, bulgogi burger rất thành công. Đứng quan sát thôi cũng thấy quá nửa số khách mua lấy món bánh kẹp bò nướng bulgogi.

Tác hại của đồ ăn nhanh thì ai cũng biết nên không cần bàn thêm nữa. Nhưng còn cách nào hay hơn là mua đồ ăn nhanh khi mà chỉ sống có một mình, trai không tìm được vợ, gái không muốn lấy chồng? À không, còn một cách khác để ăn cho ngon hơn, và có lẽ là thứ cực kì kì quặc nhất mình thấy ở đây: Ăn cùng người khác trên mạng. Những người “biểu diễn” ăn qua màn hình này gọi là muk-bang. Họ trang điểm cẩn thận, tự quay phim mình ngồi ăn một lượng lớn các món ăn khác nhau rồi bình luận về mùi vị, nói chuyện trực tuyến với một vài người qua mạng đang xem mình.

Một mukbang trong chương trình tự biên tự diễn của mình với tai nghe, micro để sát miệng và ê hề những thức ăn mà cô sẽ ăn hết trong buổi hôm đó.

 

Micro được đặt sát miệng không chỉ để thu hình tiếng nói chuyện mà còn để ghi lại tiếng nhai chóp chép, tiếng mì được tút vào miệng, tiếng uống nước canh sao cho người xem cảm nhận bữa ăn chân thực nhất. Không đơn thuần là ăn mà họ còn tâm sự, tương tác với người xem hoặc đặt món ăn theo yêu cầu của khán giả. Sự gia tăng số lượng những “hộ gia đình chỉ có một thành viên” dẫn đến sự phát triển của loại hình kinh doanh này. Gọi là kinh doanh vì những người này đang kiếm tiền bạc triệu, muốn xem họ ăn phải trả tiền (khoảng 20.000 VND) nhưng không phải vì thế mà người xem ít đi, trái lại ngày càng nhiều người đăng ký. Người đầu tiên thực hiện kiểu ăn này cũng xuất phát từ việc ngày qua ngày cô phải ăn tối một mình, cảm thấy buồn chán, tẻ nhạt đã khiến cô nghĩ ra cách chia sẻ bữa ăn của mình cũng nhiều người khác. Một số người ăn kiêng để giữ eo hoặc ăn kiêng theo đơn thuốc cũng tìm đến những video này để thỏa mãn cái thèm của mình, xem người khác ăn coi như mình cũng được ăn vậy. Với hàng trăm nghìn lượt xem mỗi ngày, sự thành công của chương trình này nói lên sự cô đơn đến đỉnh điểm của con người trong xã hội Hàn Quốc, một xã hội méo mó biến dạng với quá nhiều giằng xé giữa mới và cũ, giữa hiện đại và truyền thống.

Tái bút: 
                                 
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”

 

*

Xã hội Hàn Quốc:

- Xã hội Hàn Quốc (bài 1): Ngắm Hangang, nghĩ về kỳ tích sông Hán

- Xã hội Hàn Quốc (bài 2): Chuyện ở bác vật quán và thư quán

- Xã hội Hàn Quốc (bài 3): Đừng chết ở hagwon

- Đồ uống Hàn Quốc: Su là thủy, bul là hỏa, su cộng bul bằng sul là tửu

- Đồ ăn Hàn Quốc (bài 2): Em ơi đừng tin nó lừa đấy, nó bảo là không có bột ngọt!

- Đồ ăn Hàn Quốc (bài 1): Ăn cơm bát không được bưng, uống rượu nhớ đừng tự rót

- Xã hội Hàn Quốc (bài 4): Người Hàn Quốc hăng hái làm gì nhất? Đàn ông thì biểu tình…

- Xã hội Hàn Quốc (bài 5): Người Hàn Quốc hăng hái làm gì nhất? Đàn bà thì trang điểm…

- Xã hội Hàn Quốc (bài 6): Giặc Oa hai lần đại phá Cảnh Phúc Cung

- Xã hội Hàn Quốc (bài 7): Ủy An Phụ và Quang Phục Tiết

- Xã hội Hàn Quốc (bài 8): Kiều bào hay đồng bào?

- Xã hội Hàn Quốc (bài 9): Nỗi buồn được giải quyết ra sao?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 1): Thối quá nhưng mà chặt hay không chặt?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 2):
Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị
Tiện giang sơn hướng bối chi nghi

- Đặc biệt thị Seoul (bài 3):
Quyền lực nằm ở đâu?
Cung, Phủ hay Đài, Đường?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 4): Cổ thì ít còn kính thì nhiều

Ý kiến - Thảo luận

14:13 Sunday,21.6.2015 Đăng bởi:  thanh yên
Sau nhiều năm làm việc, tiếp xúc với người HQ tôi thấy họ là những người theo chủ nghĩa dân tộc khá cực đoan. Cái gì của HQ là tốt. Họ không đủ độ khách quan hoặc tinh tế khi tiếp nhận các giá trị văn hóa, tinh thần ngoài mình như người Nhật (đặc biệt họ có thái độ trịch thượng đối với các nước kém phát triển hơn). Về phương diện gia đình thì đàn ôn
...xem tiếp
14:13 Sunday,21.6.2015 Đăng bởi:  thanh yên
Sau nhiều năm làm việc, tiếp xúc với người HQ tôi thấy họ là những người theo chủ nghĩa dân tộc khá cực đoan. Cái gì của HQ là tốt. Họ không đủ độ khách quan hoặc tinh tế khi tiếp nhận các giá trị văn hóa, tinh thần ngoài mình như người Nhật (đặc biệt họ có thái độ trịch thượng đối với các nước kém phát triển hơn). Về phương diện gia đình thì đàn ông HQ có trách nhiệm với vợ con nhưng rất gia trưởng. Kiểu sống này lại được cả xã hội HQ ủng hộ. Trong học hành thì họ cũng giống người VN mình là sẵn sàng quay cóp, nịnh nọt để đạt điểm cao. Suy ra, khi đi làm việc thì cũng 'thượng đội, hạ đạp'. Đồ ăn HQ thì không đặc sắc lắm nhưng vì họ ướp món ăn và các sản phẩm HQ bằng tinh thần dân tộc nên làm nhiều thực khách, khách hàng 'xúc động lây', tạo ra nhiều giá trị ảo. Có thể nói đó cũng là thành công của họ trên thương trường quốc tế. 
8:37 Saturday,20.6.2015 Đăng bởi:  admin

Xin lỗi tác giả và mọi người: Soi đã post nhầm mất rồi. Bài này là bài tiếp theo, bài đầu tiên có các món ăn cụ thể là bài này cơ:
"Đồ ăn Hàn Quốc (bài 1): Ăn cơm bát không được bưng, uống rượu nhớ đừng tự rót "



...xem tiếp
8:37 Saturday,20.6.2015 Đăng bởi:  admin

Xin lỗi tác giả và mọi người: Soi đã post nhầm mất rồi. Bài này là bài tiếp theo, bài đầu tiên có các món ăn cụ thể là bài này cơ:
"Đồ ăn Hàn Quốc (bài 1): Ăn cơm bát không được bưng, uống rượu nhớ đừng tự rót "


 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả