Đi & Ở

Đặc biệt thị Seoul (bài 4): Cổ thì ít còn kính thì nhiều 04. 01. 16 - 1:07 pm

Đặng Thái

Tiếp theo bài 1, bài 2, và 3

Lời mở đầu: Những di tích xưa cũ còn sót lại mà chúng ta thấy qua bài trước chỉ là một phần rất rất nhỏ chìm nghỉm trong một siêu đô thị phát triển ở mức độ cao nhưng vẫn mang trong mình màu sắc châu Á. “Kính” ở đây nhiều bạt ngàn theo nghĩa đen, vừa là ẩn dụ cho một thế giới hoàn toàn khác: sôi động, tươi mới và hiện đại.  

Tòa nhà 63 Building sáng bừng lên lúc bình minh. Nó đã từng là tòa nhà cao nhất ngoài Bắc Mỹ và ngày nay vẫn giữ danh hiệu tòa nhà dát vàng cao nhất thế giới. Thời điểm xây dựng nó vào thập niên 80 cũng là những năm đỉnh cao của kinh tế của Hàn Quốc, nhằm chào mừng Thế vận hội Seoul 1988.

Thuật ngữ “hiệu ứng nhà kính” (greenhouse effect) dịch sang tiếng Việt như vậy là sát nghĩa nhưng lại khiến không ít người hiểu lầm rằng Trái Đất nóng lên là do xây quá nhiều nhà cao tầng lắp toàn kính ở đô thị. Thật tình cờ là những tòa nhà phủ kín bởi kính ấy mọc lên càng nhiều thì lượng khí thải nhà kính ở quốc gia ấy cũng tăng theo, bởi cả hai thứ ấy đều gia tăng theo sự phát triển kinh tế (cùng các ngành công nghiệp nâu). Biểu tượng của một đô thị hiện đại ngày nay vẫn phải là những tòa nhà chọc trời, lấp lánh vách kính, đó cũng là tuyên ngôn của phong cách quốc tế trong kiến trúc. Do vậy kiểu nhà này Seoul có hàng trăm nếu không muốn nói là cả nghìn. Như đã trình bày ở bài trước, vì lí do quốc phòng, các tòa nhà ở Seoul đều bị hạn chế chiều cao và luôn luôn phải duy trì điểm cao nhất thành phố là tháp Namsan (do phong thủy). Vì vậy tòa nhà cao nhất Seoul cũng chỉ có 280m, còn thấp hơn Keangnam Hà Nội, chính thế mà số lượng phải nhiều. Nhà cao tầng ở Seoul muôn hình muôn vẻ nên nó mới được chọn làm Thủ đô thiết kế của thế giới vào năm 2010.

Một tòa nhà với mặt kính uốn éo phản chiếu tòa nhà đối diện gồm hai khối thẳng đứng, cứng cáp.

 

Phú quý sinh lễ nghĩa.Có tiền rồi, người Hàn bắt đầu thuê các kiến trúc sư nổi tiếng nước ngoài thiết kế với đủ mọi phong cách.Trong hình là một sản phẩm của Mario Botta.

Nhà công sở thì vậy còn nhà dân thì sao? Nếu tính các nước và vùng lãnh thổ có dân số trên mười triệu thì mật độ dân số Hàn Quốc đứng thứ ba. Đa phần dân Hàn Quốc sống ở thành thị nên mật độ dân số của Seoul lại càng khủng khiếp, gấp hai lần New York, gấp tám lần Rome. Ngay từ đầu thế kỷ 20, dân nông thôn đã lũ lượt kéo lên Seoul tìm việc làm và ước mơ lớn nhất của họ thời đó là được làm dân nội thành. Vì thế dân Seoul ngày nay ở chung cư là chính, phải giàu có lắm, cực giàu đấy nhé mới có miếng đất mà cắm dùi, hoặc các gia đình trung lưu thì chen chúc trong những khu phố cổ. Có người bảo đấy là dân Seoul gốc, nhưng thực ra thời chiến tranh đã chạy loạn cả hoặc chết cả, còn không thì cũng đã ra nước ngoài. Mà những nhà riêng ấy toàn men men theo sườn đồi chứ không được ở phố. Từ sân bay vào nội ô, mình thấy loáng thoáng những bóng nhà cao tầng, các chung cư ngoại ô hiện ra, bắt đầu từ nhà số 1, số 2, số 100, số 101, đi mãi vẫn không thấy hết, vẫn những tòa nhà thiết kế giống hệt nhau, cao khoảng 20 tầng như kiểu Trung Hòa-Nhân Chính, có điều số lượng thì đáng sợ, đi mãi mới thấy đến 603, 604.

Chung cư đánh số 204 và xe cộ trên đường phố buổi sáng.

Cơ sở hạ tầng của Seoul cực kỳ hiện đại, vượt xa rất nhiều thành phố phương Tây và Nhật. Thứ đầu tiên đập vào mắt chúng ta là hệ thống giao thông. Ti tỉ chiếc ôtô dàn hàng trên các con phố, cửa kính xe phản chiếu ánh mặt trời lóa cả mắt. Điều lạ lùng ít thấy ở các nước khác, là các xe chạy trên đường dường như chỉ có một, hai thương hiệu. Không Hyundai thì Kia, ngoài ra thì Daewoo*, hiếm hoi lắm mới thấy một vài dòng xe nước ngoài như Chevrolet, Audi. Xe chạy rất quy củ, đi đứng nhịp nhàng như có lập trình sẵn. Hàn Quốc lái xe bên tay phải, cũng lại là một cái lạ nữa, vì ít có nước nào không tuân theo quy tắc lái xe của mẫu quốc thời thuộc địa, có lẽ vì sau khi Độc lập, Mỹ đã nhanh chóng nhảy vào đây.

Nói đến giao thông công cộng hiện đại không thể bỏ qua metro. Hệ thống tàu điện ngầm Seoul như bát quái trận đồ (có lẽ sang Tokyo đem về) cũng toàn là kính. Những vách kính dài bất tận nhằm bảo đảm an toàn cho hành khách không ngã xuống đường ray cũng là một sự tiến bộ của một thành phố phát triển sau. Nhiều hệ thống tàu điện đô thị trên thế giới vẫn còn đau đầu với việc ngăn chặn hành khách rơi xuống đường ray, có khi phải dùng những biện pháp rất tốn kém mà không hiệu quả như phổ biến một bài hát với các nhân vật hoạt hình ở Melbourne, Úc chẳng hạn.

 

Một ga tàu điện ngầm với hệ thống cửa kính tự động ngăn sân ga với đường ray. Ti vi, điều hòa bật miễn phí. Một lần đi khoảng 20.000 VNĐ, thế chấp 10.000VNĐ cho cái thẻ đi tàu, khi ra thì đút thẻ vào máy bán vé tự động để lấy lại tiền.

Anh thanh niên trong hình dán mắt vào cái điện thoại thông minh là hình ảnh quen thuộc ở Seoul. Lại thêm một trường hợp nữa xuất hiện “kính”, là kính cận. Người trẻ đeo kính cận khắp nơi, toàn gọng đen kiểu Hàn Quốc, hoặc mắt tròn Nobita. Họ cắm mặt vào điện thoại, tiếp bước nhau mà mắt không rời màn hình như những con rô-bốt kì quặc. Hình ảnh này đã xuất hiện nhiều năm trước khi smartphone bùng nổ ở phương Tây. Seoul có hệ thống hạ tầng viễn thông có thể nói là siêu việt với hàng chục nghìn điểm kết nối wifi miễn phí, tốc độ internet nhanh nhất thế giới: 1GB/giây khiến cho việc sử dụng các thiết bị công nghệ càng trở nên phổ biến.

Sở dĩ mình bắt tàu điện ngầm vừa là đi cho biết, vừa là để tìm mua cho cô em gái mấy cái đĩa nhạc K-pop. “Anh đi thăm trung tâm văn hóa của Hàn Quốc mà không mua đĩa về làm quà thì đi làm gì cho phí tiền vé máy bay,” nó nói thế. Ông anh trong đoàn nghe loáng thoáng mình đi mua đĩa thì như vớ được vàng: “Chú dắt anh đi với, tàu điện ngầm thì như ma trận, tiếng tăm thì anh không biết mà khổ đứa con gái ở nhà nó nằng nặc bắt bố phải mua được đĩa của cái nhóm này, hôm nào gọi điện về nó cũng hỏi bố mua được chưa?” Nghe mà thương (cả bố lẫn con)!

Những khu mua sắm rực rỡ biển quảng cáo chen chúc nhau với hàng nghìn cái đầu tóc đen đi trên phố làm nổi bật tính châu Á của thành phố này. Nhiều chị em hiện nay đi Hàn Quốc du lịch để mua sắm là chính, luôn miệng hỏi “Hát mờ (H&M) chỗ nào ấy nhỉ?” toàn bị mình trêu: “Các chị phải đọc là Hờ mờ mới chuẩn”.

Vào hiệu băng đĩa, tôi cũng phải há hốc mồm vì những giá đĩa dài dằng dặc với cơ man các thể loại, áp đảo là K-pop nhưng tất cả đều là đĩa bản quyền, không phải sao chép lậu. Đĩa nào cũng có bao bì đẹp, các ca sĩ vui tươi hớn hở cười duyên dáng với mình trên kệ đĩa. Ngoài đĩa K-pop mua theo chỉ đạo từ nhà (vì mình mù tịt nhóm nào với ca sĩ nào) mình còn tranh thủ nhặt thêm mấy đĩa CD của Evgeny Kissin vì đĩa bên này rẻ quá, không đắt kinh hồn như ở Tây. Hai anh em mua đĩa xong còn được khuyến mại thêm mấy cuộn poster in hình ca sĩ, được ăn, được nói, được gói mang về quá là mãn nguyện.

Thời điểm hiện tại (2015), video Gangnam Style trên Youtube đã có hơn 2 tỉ tư lượt xem nên làn sóng văn hóa Hàn Quốc, nhất là âm nhạc không phải là thứ người ta có thể nhắm mắt làm ngơ được nữa. Không bàn đến những mặt trái của ngành công nghiệp sản xuất ca nhạc, không bàn đến chất bình dân của K-pop, ta nhận thẩy rằng Hàn Quốc đã thực sự có một nền âm nhạc hoàn chỉnh. Nhạc thính phòng cổ điển phương Tây phát triển mạnh, nhạc dân tộc cổ truyền được đầu tư mạnh tay, nhạc trẻ thì trở thành món hàng xuất khẩu giá trị gia tăng cực cao. Nghệ thuật biểu diễn đương đại của họ đã đáp ứng được cả những tiêu chí về nghệ thuật và thị trường. Cả đoàn được phen tâm phục khẩu phục sau khi xem một show ca nhạc tạp kỹ tên là “Delicious Musical Bibimbap” (ai qua Seoul nhớ đi xem nhé).

Tất cả diễn viên chỉ có bảy người nhưng ai cũng đa năng, trong hơn một tiếng mà luôn chân luôn tay nên thể lực cũng rất tốt. Chương trình dành cho trẻ em 3 tuổi trở lên. Vé khoảng 800.000 VNĐ, giá xem nghệ thuật ở Hàn Quốc tương đối thấp so với mức sống, không ngất ngưởng như ở Tây.

So với các show diễn của Trung Quốc ví dụ như Tống Thành ở Hàng Châu thì show này kém hẳn về số lượng diễn viên, độ hoành tráng nhưng chất lượng nghệ thuật và sự hưởng ứng của khán giả thì lại hơn nhiều lần. Ông chú làm nhà văn hóa quận đã nói rằng: “Tớ làm trong ngành, xem bao nhiêu show, giờ mới thấy cái này là hay nhất”. Câu chuyện không có lời đối thoại, chỉ có âm nhạc kết hợp với beat-box xen lẫn vài đoạn a cappella. Phần vũ đạo thì có cả múa, nhào lộn, võ thuật kết hợp cả nhảy hiphop, b-boying. Chuyện về hai đầu bếp thi nấu ăn, nấu ba món, món thứ ba để phân định thắng thua là bibimbap-cơm trộn truyền thống Hàn Quốc. Tất cả việc cắt thái thức ăn, âm thanh xào nấu được biến thành âm nhạc, các nguyên liệu được tung hứng như xiếc, cực kỳ vui nhộn. Quan trọng nhất là khâu tương tác với khán giả, người xem thực sự tham gia vào buổi biểu diễn. Phần nhào bột làm bánh, “bột” là mấy cái gối bông, diễn viên đang chuyền tay nhau thì bỗng dưng ném thẳng vào một khán giả, thế là không biết bao nhiêu gối từ đâu tới tấp bay xuống khán đài, khán giả nhặt ném nhau tung tóe vui tưởng chết.

Màn nhảy cuối cùng, sân khấu mở ra dàn đèn cực kỳ hoành tráng. Đây cũng là lần đầu tiên mình được xem những màn biểu diễn hiện đại như múa trong bóng tối với đèn dạ quang, hiệu ứng ánh sáng.

Mình ngồi xem ngơ ngác thế nào lại được mời lên ăn thử món trong bài thi thứ hai. Một em Trung Quốc nữa cũng được mời lên, đóng vai đôi tình nhân đi ăn tiệm. Bồi bàn rót rượu, bắt hai đứa uống giao bôi, vòng tay vào nhau để uống. Xong bưng ra cái pizza bằng nhựa, mình đang chưa biết ăn thế nào thì đèn phụt tắt tối om, cả khán phòng ồ lên. Cô bồi bàn xinh gái lấy tay bịt miệng mình lại rồi hôn lên mu bàn tay cô ấy, đèn bật sáng, nhưng từ dưới nhìn lên thì chỉ thấy cô này chổng mông ra hôn mình, phát ra tiếng kêu chùn chụt rõ to trên loa. Đèn lại tắt, đến khi bật lại thì cô bồi bàn đã tự đưa cổ vào tay cô “tình nhân” Trung Hoa của mình để giả vờ bị đánh ghen, bóp lè lưỡi, kêu ặc ặc. Khán giả vỗ tay huýt sáo ầm ĩ. Lúc ra về, cả đoàn nhất là mấy đứa nhỏ trêu mình: “Êu ơi anh sướng thế, được hôn chị Hàn Quốc xinh gái”. Bí mật này mình chỉ giữ riêng phần mình thôi (haha), mình càng im ỉm, nhân dân càng tưởng thật, các bác vừa đi vừa phê phán gay gắt cái bọn tư bản đồi trụy này.

Một điều ít người ngoài nhận thấy trong giới nghệ thuật Hàn Quốc, đó là nam nữ phân minh rất rõ ràng. Nam là phải nam tính, nữ là phải nữ tính, không có chuyện lai lai. Đã hôn nhau là phải một trai một gái. Bởi vì người đồng tính không được chấp nhận trong xã hội Hàn Quốc – một xã hội Công giáo-Khổng giáo cực kỳ bảo thủ. Người dân còn không tin rằng đồng tính là một thứ bệnh chứ đừng nói chấp nhận đấy là một xu hướng tính dục, họ cho rằng đấy là lai căng, giả tạo, học đòi nước ngoài. Ngay cả giới nghệ sĩ cũng không có chuyện công khai gay, les nên dân đen thì càng phải sống chui lủi, lấy vợ lấy chồng như thường hoặc là ra nước ngoài và vẫn giấu người thân. Qua đó phải thấy rằng Việt Nam ta còn thoáng chán, đưa ra cả Quốc hội để bàn luận là rất tiến bộ rồi.

Trong thời gian ở đây, tivi thấy được bật khắp nơi. Nội dung bản tin lúc nào cũng như lúc nào. Bão đang đi đến đâu là trước nhất. Triều Tiên có động thái gì, đồng chí Kim Jong Un đi đâu là thứ hai. Đoàn Hàn Quốc giành được bao nhiêu huy chương Olympic là thứ ba. Thế mới biết thể thao thành tích chiếm vị trí rất quan trọng, danh dự quốc gia cơ mà. Seoul lại là trung tâm thể thao của cả nước với cơ sở hạ tầng phục vụ thể thao hiện đại bậc nhất châu Á.

Địa điểm cuối cùng tham quan trước khi lên máy bay về quê là sân vận động World Cup 2002. Như thường lệ một cụ tầm 80, không nói được tiếng Anh, tình nguyện viên thường trực trong sân vận động vắng tanh đưa đoàn đi tham quan: sân cỏ tập luyện trong nhà của các đội bóng, chỗ thay quần áo, tắm, massage của cầu thủ. Mình còn được đặt mông lên ghế của Park Ji Sung trong phòng họp chiến thuật nữa. Cuối cùng thì được cho xem một bộ phim tài liệu về World Cup 2002, khi Hàn Quốc là đội bóng đầu tiên của Liên Đoàn bóng đá châu Á và đội bóng châu Á thứ hai vào được đến bán kết trong lịch sử World Cup (đội đầu tiên thật tình cờ và bất ngờ là CHDCND Triều Tiên năm 1966). Cuối phim chiếu cảnh một biển người đỏ rực, cả nước Hàn Quốc đã đổ ra đường ăn mừng đội nhà vào đến bán kết, hàng chục triệu người đồng thanh hô vang: “Đại Hàn Dân Quốc! Chúng ta là một dân tộc!”.

Các công nhân đang trồng cỏ trên sân. Để có được một sân cỏ chất lượng như thế này nước ta cũng còn phải phấn đấu dài dài.

Ngồi trong phòng chờ máy bay, không hiểu sao đoạn phim tài liệu ấy cứ quanh quẩn trong đầu. Có lẽ ước mơ nhỏ bé của mình là làm một chuyến phượt đường bộ từ núi Baekdu đến tận Busan phài còn lâu lắm mới thực hiện được. Hàn Quốc lại tạm biệt chúng tôi cũng bằng một màn sương mù dày đặc.

.

 
*Đi nhiều nơi, duy chỉ thấy có ở Việt Nam là đọc tên các thương hiệu Hàn Quốc ngộ nghĩnh nhất. Hyundai đọc là Huyn-đai, Daewoo đọc là Đai-u, Samsung đọc là Xam-xung. Trong khi tất cả các nước khác họ đều đọc theo đúng tiếng Hàn: Hyundai – Hiên-đề, Daewoo – Đê-u, Samsung – Xam-xoong.

*

SOI: Bài đã đăng trên Nhân Dân Hằng Tháng, số tháng 12. 2015. Do khuôn khổ của báo giấy nên việc dùng hình và chú thích có ít hơn một chút. Đây là bản đầy đủ hình ảnh.

 

 

*

Xã hội Hàn Quốc:

- Xã hội Hàn Quốc (bài 1): Ngắm Hangang, nghĩ về kỳ tích sông Hán

- Xã hội Hàn Quốc (bài 2): Chuyện ở bác vật quán và thư quán

- Xã hội Hàn Quốc (bài 3): Đừng chết ở hagwon

- Đồ uống Hàn Quốc: Su là thủy, bul là hỏa, su cộng bul bằng sul là tửu

- Đồ ăn Hàn Quốc (bài 2): Em ơi đừng tin nó lừa đấy, nó bảo là không có bột ngọt!

- Đồ ăn Hàn Quốc (bài 1): Ăn cơm bát không được bưng, uống rượu nhớ đừng tự rót

- Xã hội Hàn Quốc (bài 4): Người Hàn Quốc hăng hái làm gì nhất? Đàn ông thì biểu tình…

- Xã hội Hàn Quốc (bài 5): Người Hàn Quốc hăng hái làm gì nhất? Đàn bà thì trang điểm…

- Xã hội Hàn Quốc (bài 6): Giặc Oa hai lần đại phá Cảnh Phúc Cung

- Xã hội Hàn Quốc (bài 7): Ủy An Phụ và Quang Phục Tiết

- Xã hội Hàn Quốc (bài 8): Kiều bào hay đồng bào?

- Xã hội Hàn Quốc (bài 9): Nỗi buồn được giải quyết ra sao?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 1): Thối quá nhưng mà chặt hay không chặt?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 2):
Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị
Tiện giang sơn hướng bối chi nghi

- Đặc biệt thị Seoul (bài 3):
Quyền lực nằm ở đâu?
Cung, Phủ hay Đài, Đường?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 4): Cổ thì ít còn kính thì nhiều

Ý kiến - Thảo luận

16:30 Sunday,12.3.2017 Đăng bởi:  Đại Ngu
AI THÍCH THÌ CỨ THÍCH, RIÊNG TUI DỊ ỨNG VỚI NHỮNG ĐÔ THỊ KIỂU ẤY. LẠNH LẼO VÀ MÁY MÓC, NGỘT NGẠT! TÔI DÂN NHÀ QUÊ, THÍCH CÁI GÌ GẦN THIÊN NHIÊN. BỚT SIÊU THỊ, BỚT XE HƠI, BỚT NHÀ HÀNG ĐI ĐỂ CÓ CHỖ CHO CÂY XANH, MẶT NƯỚC. CAO ỐC CHỈ ĐIỂM XUYẾT THÔI CHỨ KHÔNG KEN DÀY ĐẶC UY HIẾP THIÊN NHIÊN VÀ CON NGƯỜI. NÓI UY HIẾP LÀ CÒN NHẸ, THỰC TẾ NHỮNG ĐÔ THỊ KIỂU NÀ
...xem tiếp
16:30 Sunday,12.3.2017 Đăng bởi:  Đại Ngu
AI THÍCH THÌ CỨ THÍCH, RIÊNG TUI DỊ ỨNG VỚI NHỮNG ĐÔ THỊ KIỂU ẤY. LẠNH LẼO VÀ MÁY MÓC, NGỘT NGẠT! TÔI DÂN NHÀ QUÊ, THÍCH CÁI GÌ GẦN THIÊN NHIÊN. BỚT SIÊU THỊ, BỚT XE HƠI, BỚT NHÀ HÀNG ĐI ĐỂ CÓ CHỖ CHO CÂY XANH, MẶT NƯỚC. CAO ỐC CHỈ ĐIỂM XUYẾT THÔI CHỨ KHÔNG KEN DÀY ĐẶC UY HIẾP THIÊN NHIÊN VÀ CON NGƯỜI. NÓI UY HIẾP LÀ CÒN NHẸ, THỰC TẾ NHỮNG ĐÔ THỊ KIỂU NÀY ĐANG RAPED THE EARTH!!! 
22:19 Friday,13.5.2016 Đăng bởi:  Phan Minh
Mỗ thật sự không rõ Pun có đi Seoul chưa, dân Melbourne nhà mỗ sang Seoul vẫn lạc vào cái bát quái trận đồ như thường. Paris hay London mỗ không dám nói, nhưng Seoul hơn Melbourne nhà mỗ là cái chắc. Nhà mỗ có mỗi 4 ga ngầm, xe trễ 10 phút là chuyện thường ngày ở huyện. Tokyo mỗ cũng đi rồi, nó bát quái thật, Seoul họ copy quy hoạch hệ th
...xem tiếp
22:19 Friday,13.5.2016 Đăng bởi:  Phan Minh
Mỗ thật sự không rõ Pun có đi Seoul chưa, dân Melbourne nhà mỗ sang Seoul vẫn lạc vào cái bát quái trận đồ như thường. Paris hay London mỗ không dám nói, nhưng Seoul hơn Melbourne nhà mỗ là cái chắc. Nhà mỗ có mỗi 4 ga ngầm, xe trễ 10 phút là chuyện thường ngày ở huyện. Tokyo mỗ cũng đi rồi, nó bát quái thật, Seoul họ copy quy hoạch hệ thống của Toei về để làm y xì vậy, dù họ không lộn xộn như Tokyo. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả