Đi & Ở

Xã hội Hàn Quốc (bài 9): Nỗi buồn được giải quyết ra sao? 07. 09. 15 - 7:18 am

Đặng Thái

Lời mở đầu: Điều gì làm khiến bạn nhanh chóng nhận ra rằng mình vừa đặt chân xuống một nước phát triển? Với mình, thứ hiển hiện rõ nhất chính là sự sạch sẽ. Hàn Quốc là một đất nước sạch như lau như li. Trong bài này chúng ta cùng xem qua vấn đề vệ sinh và môi trường ở Hàn Quốc cũng như một vài sự đối chiếu khác.

Không một ai từng đến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản mà không phải ngạc nhiên trước sự sạch sẽ trên phạm vi cả nước của hai quốc gia này. Theo như lời bọn Tây: “Dân Nhật, Hàn sạch sẽ đến mức bệnh hoạn”, nhiều người sinh ra và lớn lên ở những nước phương Tây giàu có và văn minh nhưng vẫn luôn phải gật gù trước những góc phố, ngõ ngách sạch bong, đặc biệt phải thán phục hệ thống nhà vệ sinh công cộng. Bước xuống đến sân bay, quá nửa số hành khách đều muốn tìm nhà vệ sinh để giải quyết nỗi buồn. Ấn tượng về một đất nước của nhiều người thường bắt đầu từ cái nhà vệ sinh và trải nghiệm này song hành cùng họ trong suốt cả chuyến đi, đến tận khi ra khỏi cửa khẩu.

Người Việt Nam thường cho rằng việc tiểu tiện là vấn đề tế nhị, nói ra thì mất lịch sự nhưng chính suy nghĩ đó và cách chúng ta đối xử với nhà vệ sinh chỉ khiến cho chúng ta trở thành một trong những dân tộc kém văn minh nhất mà thôi. Người Hàn Quốc thì nghĩ khác, họ biết rằng đó là nhu cầu quá cơ bản của con người giống như cơm ăn nước uống, vì vậy họ cực kỳ quan tâm đến vấn đề nhà vệ sinh. Trải nghiệm của mình về nhà vệ sinh ở Hàn Quốc có thể nói là tuyệt vời. (Không gì thoải mái bằng *a **i kịp thời mà).
 

Ảnh chụp tại Nhà vệ sinh của Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc. Nhà vệ sinh này đoạt giải “Nhà xí tốt nhất Seoul” chứng tỏ đã diễn ra một cuộc thi giữa các nhà vệ sinh công cộng trên phạm vi cả Seoul.

Nước ta có một vấn đề nan giải ở phạm vi toàn quốc, nhưng đặc biệt nghiêm trọng ở đô thị, đấy là bệnh “đái đường”. Thói quen xấu xí này có thể đổ tại phong tục lâu đời, nhưng sự tiếp xúc với văn minh phương Tây lẽ nào không làm chúng ta thay đổi? Hai nền văn hóa phương Tây rất có ảnh hưởng ở Việt Nam là Pháp và Nga. 70 năm cai trị của người Pháp đã thay đổi được gì? Bà mẹ đẻ ra chú rể tôi, sinh ra và lớn lên ở phố Henri Rivière, giờ là phố Ngô Quyền, vẫn hay ngồi nhớ tiếc những ngày xưa yêu dấu: “Ngày xưa, lúc còn Tây ấy mà, phố xá sạch sẽ lắm cơ, nhà nào mà vứt rác Tây nó đến dán giấy phạt trước cửa nhà”. Tiếc thay, lớp hậu sinh chúng cháu không có cơ may được chứng kiến những cảnh tượng đẹp đẽ ấy mà chỉ nhìn thấy một Hà Nội bẩn thỉu và luộm thuộm.

Hà Nội rất quyến rũ, rất thơ mộng, làm xiêu lòng biết bao văn nhân nghệ sĩ, chỉ cần đi dạo bước phố phường bạn cũng cảm nhận được điều ấy. Nhưng cứ mỗi khi mình bắt đầu cảm thấy “tức bụng”, cho đến khi sắp ra quần mà vẫn không tìm được cái chỗ giải quyết thì tình yêu Hà Nội ấy bỗng tan theo gió heo may. Ba mươi sáu phố phường không có nổi ba phẩy sáu cái nhà vệ sinh công cộng, chưa kể đến những vỉa hè ngập rác, cống rãnh bốc mùi, tất cả sông hồ trong phố đều ô nhiễm … Hà Nội giống như một cô gái xinh đẹp, yêu kiều mới nhìn đã muốn yêu ngay nhưng rồi chợt phát hiện ra cô ấy bị hôi nách và thối chân, lại “tiểu đường” nên đành chọn phương án ngồi ngắm từ xa mà không thể yêu nổi là vì thế.
 

Xí xổm trong phòng giam nhà tù Hỏa Lò

Thế nhưng sau khi được nhìn thấy một Paris hoa lệ với những con phố bốc mùi khai nồng nặc và những vỉa hè đầy phân chó thì cũng hiểu được phần nào cái di sản của người Pháp để lại ở ta. Dù có cố gắng biện minh đến đâu, thì những người đi nhiều ắt hẳn phải thừa nhận cái bẩn bựa của người Pháp nói riêng và dân Nam Âu nói chung. Người Bắc Âu (bao gồm cả Anh và Đức) rõ ràng vệ sinh hơn rất nhiều. Họ không cần khoe khoang mà tự chúng ta nhận thấy những thành phố sạch sẽ nhất thế giới, một là từ Thụy Sĩ trở ngược lên, hai là những thuộc địa của người Anh khi trước (trừ Ấn Độ).

Người Anh có chuyện vui về mấy nước Nam Âu thế này: Portugese là người Bồ Đào Nha, Italian là người Ý, Greek là người Hy Lạp và Spainish là người Tây Ban Nha, bốn chữ cái đầu ghép lại thành chữ PIGS. Khổ nỗi sạch như dân bắc Âu thì ẩm thực lại không ra gì, có bao giờ được thấy nhà hàng Hà Lan với nhà hàng Na Uy, còn nhà hàng Pháp, Ý với Hy Lạp thì đâu đâu cũng có. Có khi cứ phải bẩn bẩn nấu mới ngon, các hàng quán vỉa hè ở ta cũng cứ vin mãi vào cái cớ ấy. Người Bỉ có câu: “Nhà vệ sinh sạch thì bếp mới sạch”. Mình rất tin vào câu này, nên nhiều khi đi ăn, thấy cái toilet sạch, ăn lại… ngon miệng hơn.

Sau khi Pháp rút, Mỹ chạy thì chúng ta lại được gặp người Nga.“Nga lợn” là cụm từ mà các Việt kiều Liên Xô dùng nhiều thứ hai sau “Nga ngố”. Thế nên cũng không có gì nhiều cần phải bàn cãi nữa…
 

Ngó nghiêng vào nhà bếp của hàng cháo gà ăn ở bài trước. Được cái hàng quán nào bên Hàn Quốc cũng có toilet sạch sẽ nên cũng tin tưởng hơn vào vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong bếp họ dùng toàn đồ inox, trông rất yên tâm, không mất cảm tình như ở ta chuyên dùng rổ rá chậu lọ nhựa. Gà được chất đống trong một chậu inox to, không bị vứt trên sàn nhà là được rồi.

Không biết có phải do nước mình thiếu nhà vệ sinh hay không nhưng chỉ biết thói quen đái bậy nó theo dân ta ra tận nước ngoài. Ông chú trong đoàn, làm ở nhà văn hóa quận, bức bách quá bèn chui vào bụi cỏ ven đường, đang kéo khóa quần thì đột nhiên giật mình nhìn thấy… không phải cảnh sát, không phải camera, càng không phải mấy em gái xấu hổ che mặt, mắt ti hí nhìn qua kẽ tay, mà là cái biển có mũi tên chỉ hướng nhà vệ sinh cách đấy mấy bước chân. Gần như không thể tè bậy được ở Hàn Quốc, đơn giản vì nhà vệ sinh có mặt ở khắp mọi nơi, nhiều hơn cả số cửa hàng Lotteria với McDonald’s cộng lại, có nhà vệ sinh đấy tội gì không vào, đứng ngoài cho lạnh.

Hàn Quốc dùng tiếng Anh Mỹ nên hay viết Restroom chứ không dùng Toilet. Mà đúng là Restroom theo nghĩa đen “phòng nghỉ ngơi thư giãn” của nó thật. Nhà vệ sinh công cộng ở Hàn Quốc luôn luôn sạch, sáng sủa và không hôi mà thơm. Nhiều nhà vệ sinh được thiết kế, theo mình, có thể xếp vào hàng tác phẩm nghệ thuật. Tác giả lại có cái thú vui tao nhã là đam mê thiết kế nhà vệ sinh nên đi Hàn Quốc chuyến này quả như gặp hội Long Vân.
 

Nhà vệ sinh trên tầng cao nhất tòa nhà 63 chọc trời ở Seoul. Lá phong dán trên tường là tác phẩm của nghệ sĩ nổi tiếng hẳn hoi. Có bác nghệ nào nhà ta chịu chơi để tác phẩm của mình trong toilet không?

 

Nhà vệ sinh trên đỉnh tòa tháp N’Seoul, mấy anh em hỉ hả vì đã được “xả nước” trên điểm cao nhất đất Seoul.

Nhà vệ sinh ở Bảo tàng phía trên được xếp hạng tốt nhất không chỉ vì nó có đầy đủ tiện nghi, trang bị cho người khuyết tật mà vì người thiết kế còn quan tâm đến trẻ em. Trẻ con lùn thì làm sao với được đến những cái tiểu đứng của người lớn nên mọi thứ, bao gồm cả vòi nước họ đều làm một cái thấp hơn. Ở nhiều nơi khác, luôn luôn có một cái bục gỗ trong nhà vệ sinh để trẻ con tự bắc lên đứng và tự xử lý được không cần bố mẹ. Nhà xí của các trường học công lậpở  Việt Nam luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng với nhiều thế hệ học sinh và vẫn còn tiếp diễn. Ờ Hàn Quốc, nhà vệ sinh trường công rất sạch. Có một số trường thì sợ học sinh nghịch làm bẩn giấy vệ sinh nên mỗi lớp có một cuộn, đứa nào đi thì mới xé, mà có lấy giấy đi vệ sinh thì cũng không phải giấu giấu giếm giếm như ở Việt Nam, vì không ai trêu chuyện ấy cả. Người Hàn Quốc luôn luôn có giấy vệ sinh trong hành lý tư trang để đề phòng mọi trường hợp, nhất là trong túi xách của phụ nữ.

Không chỉ sạch sẽ, thiết kế đẹp, nhà vệ sinh ở Hàn Quốc còn áp dụng rất nhiều công nghệ cao. Dễ thấy nhất là xí bệt rửa, sấy tự động. Phát minh này của người Nhật được Hàn Quốc hưởng ứng nhiệt liệt và tìm cách chế tạo ngay lập tức. Ở Hàn Quốc thì bệt tự động này không nhiều như ở Nhật (toilet của quán rượu trong ngõ ở Tokyo cũng có) nhưng ở những nơi lịch sự hầu như đều được lắp đặt loại này. Rất nhiều người Trung Quốc (và cả người Việt Nam) đi Nhật, đi Hàn đều vác theo một cái bệ này về. Loại bệ có nút bấm thì mình đã từng thấy ở Việt Nam, nhưng còn có vô vàn loại khác nữa. 

Nhiều nhà vệ sinh công cộng đã áp dụng loại vòi mở bằng cách ấn đầu gối này để giảm thiếu tối đa sự mất vệ sinh ở núm xoay vòi nước do tay nhiều người khác nhau cầm vào.

Người Hàn Quốc rất thích nói chuyện hài về việc đi ị, không ngại ngùng hay thấy kinh tởm như người Việt. Ở quảng trường Quang Hóa Môn có tượng vua Thế Tông. Ông là người phát minh ra chữ viết Hangul (kiểu chữ dưới bệ tượng) để ký âm tiếng Triều Tiên dùng phổ biến cho toàn dân, thay thế cho chữ Hán rắc rối khó học, mà ngày nay Triều Tiên với Hàn Quốc vẫn đang dùng. Bác Phạm Huy Thông có lần hỏi, nhưng em không biết tiếng Hàn, hiểu biết cũng có hạn nên không dám bàn nhiều, đành cáo lỗi với bác vậy. Tuy nhiên, có một chuyện em biết, đấy là chữ Hangul tiện lợi, khoa học, dễ hiểu thì rõ rồi nhưng hiện nay vẫn không ai hiểu vì sao từ thế kỷ 15, nhà vua lại nghĩ được ra những kí tự vuông tròn kì lạ như thế. Người Hàn Quốc thì vẫn đồn rằng: nhà vua nghĩ ra bảng chữ cái này lúc đang đi đại tiện, ngồi xổm, nhìn lên cửa số thấy những chấn song mà nảy ra ý tưởng vĩ đại này!

Tượng vua Thế Tông ở quảng trường Quang Hóa Môn

Người Hàn Quốc sạch sẽ từ xưa chứ không phải mới đây. Nhà truyền thống của họ có nhà xí xây tách biệt khỏi gian chính, không giống như các cụ nhà ta có cái phát minh khủng khiếp tên là cầu tõm. Có truyền thống coi trọng việc đi vệ sinh là tốt, tuy nhiên để được một Hàn Quốc văn minh như hôm nay còn cần rất nhiều sự nỗ lực của chính quyền. Một công chức của chính phủ Hàn Quốc dành cả cuộc đời cho công cuộc nâng cấp nhà vệ sinh ở Hàn Quốc là ông Sim Jea Duck, đến nỗi người ta gọi ông là Mr. Toilet. Ông là người sáng lập Hiệp hội nhà vệ sinh quốc tế (World Toilet Association). Hiệp hội này do Hàn Quốc tài trợ tiền, nhằm giúp đỡ các quốc gia còn thiếu trầm trọng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn như Việt Nam và một số nước châu Phi.  
 

Nếu ai đến Suwon thì nên ghé qua bảo tàng – công viên hình bồn cầu này. Nó là tên là Mr. Toilet House, được xây để tôn vinh ông Sim Jae Duck – thị trưởng thành phố Suwon, người đi tiên phong trong công cuộc hiện đại hóa nhà vệ sinh và văn hóa đi vệ sinh của người Hàn. Các bạn cứ search Google sẽ thấy rất nhiều hình ảnh thú vị về công viên duy nhất trên thế giới có chủ đề về… phân này.

*

Sạch sẽ là biểu hiện của giàu có. Không phải nói đâu xa, người hàng xóm của chúng ta là Trung Quốc đã thay da đổi thịt về vấn để vệ sinh ở cả thành thị và nông thôn. Không thể phủ nhận sự sạch sẽ của các đô thị Trung Quốc đặc biệt là ở miền Nam: “Trên có thiên đàng, dưới có Tô, Hàng”. Dĩ nhiên là Trung Quốc vẫn đang gặp những vấn đề môi trường nghiêm trọng, trong đó có ô nhiễm không khí. Khói bụi không chỉ bức tử các thành phố công nghiệp nặng miền Bắc Trung Quốc mà nó còn bay sang cả Hàn Quốc mỗi độ xuân về.

Hai người ngồi bên bờ sông Hán trong điều kiện không khí bụi mù mịt. Hằng năm cát ở các sa mạc trên đất Trung Quốc và Mông Cổ bị bão cát khuấy lên, theo gió bay sang bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Hiện tượng tự nhiên này đã diễn ra suốt hàng nghìn năm, cho đến khi không khí ô nhiễm, ở các thành phố mới bùng nổ công nghiệp của Trung Quốc, hòa cũng cát tạo thành một thứ chất độc khủng khiếp. Rải rác nhiều lần trong năm, những khói độc này cũng theo làn gió bay đi khắp trời Hàn Quốc. Ảnh:Ed Jones/AFP/Getty Images

Vì vậy cây xanh càng trở thành một yếu tố quan trọng bức thiết để đảm bảo môi trường sống lành mạnh cho người dân Hàn Quốc. Ta cùng tiếp tục tìm hiểu ở bài sau nhé!

*

Xã hội Hàn Quốc:

- Xã hội Hàn Quốc (bài 1): Ngắm Hangang, nghĩ về kỳ tích sông Hán

- Xã hội Hàn Quốc (bài 2): Chuyện ở bác vật quán và thư quán

- Xã hội Hàn Quốc (bài 3): Đừng chết ở hagwon

- Đồ uống Hàn Quốc: Su là thủy, bul là hỏa, su cộng bul bằng sul là tửu

- Đồ ăn Hàn Quốc (bài 2): Em ơi đừng tin nó lừa đấy, nó bảo là không có bột ngọt!

- Đồ ăn Hàn Quốc (bài 1): Ăn cơm bát không được bưng, uống rượu nhớ đừng tự rót

- Xã hội Hàn Quốc (bài 4): Người Hàn Quốc hăng hái làm gì nhất? Đàn ông thì biểu tình…

- Xã hội Hàn Quốc (bài 5): Người Hàn Quốc hăng hái làm gì nhất? Đàn bà thì trang điểm…

- Xã hội Hàn Quốc (bài 6): Giặc Oa hai lần đại phá Cảnh Phúc Cung

- Xã hội Hàn Quốc (bài 7): Ủy An Phụ và Quang Phục Tiết

- Xã hội Hàn Quốc (bài 8): Kiều bào hay đồng bào?

- Xã hội Hàn Quốc (bài 9): Nỗi buồn được giải quyết ra sao?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 1): Thối quá nhưng mà chặt hay không chặt?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 2):
Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị
Tiện giang sơn hướng bối chi nghi

- Đặc biệt thị Seoul (bài 3):
Quyền lực nằm ở đâu?
Cung, Phủ hay Đài, Đường?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 4): Cổ thì ít còn kính thì nhiều

Ý kiến - Thảo luận

0:32 Tuesday,27.12.2016 Đăng bởi:  quang khoa

Bài viết hay và sâu sắc (cười nhẹ nhõm). Xin chân thành cảm ơn tác giả. 함 사 합 니 다


...xem tiếp
0:32 Tuesday,27.12.2016 Đăng bởi:  quang khoa

Bài viết hay và sâu sắc (cười nhẹ nhõm). Xin chân thành cảm ơn tác giả. 함 사 합 니 다

 
14:54 Tuesday,29.9.2015 Đăng bởi:  Liên Xô kiều
Nhiều Việt kiều Liên Xô chỉ xài đồ Nga xịn (sâm banh, trứng cá, và...) mà ít để ý văn hóa Nga. Thời trung cổ trong họ của người Nga có Svi'nin và Svin'nin (tùy trọng âm rơi vào đâu), svinia - lợn. Các họ này xuất hiện từ thế kỷ thứ 10.
Có thể từ đây mà người Đức (Phổ) gọi Nga như vậy (đặc biệt trong văn học CT Thế giới thứ II).Hiện tại các họ này không c
...xem tiếp
14:54 Tuesday,29.9.2015 Đăng bởi:  Liên Xô kiều
Nhiều Việt kiều Liên Xô chỉ xài đồ Nga xịn (sâm banh, trứng cá, và...) mà ít để ý văn hóa Nga. Thời trung cổ trong họ của người Nga có Svi'nin và Svin'nin (tùy trọng âm rơi vào đâu), svinia - lợn. Các họ này xuất hiện từ thế kỷ thứ 10.
Có thể từ đây mà người Đức (Phổ) gọi Nga như vậy (đặc biệt trong văn học CT Thế giới thứ II).Hiện tại các họ này không còn thông dụng. Ngay cả Kabanov (Kaban - lợn rừng) cũng hiếm dần.
Về chuyện có người Nga bẩn, có thể do một tên "con" của Ivan là Vaniusha (vaniat' - bốc mùi). Ông Putin từng dùng chữ này (vaniat') trong ngôn từ chính thức, khiến có trí thức Nga phải cau mày. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ăn kem – xem show

Mr Thứ Hai – Chu Minh Vũ | Việt Nam Ngày Mới

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả