Đi & Ở

Trẻ con đi Sapa (bài 1): những bài học về thực vật15. 01. 17 - 8:22 am

Lê Hà

Cuối năm, cả nhà biểu quyết đi Sapa. Lý do là đọc báo, xem mạng thấy ai cũng nói Sapa sắp mất rồi, thành đại công trường rồi; nay phải cho trẻ con đi để làm một bộ ảnh trước khi Sapa thay đổi hẳn.

Đoạn đường từ Hà Nội lên Lào Cai rồi đến Sapa thôi khỏi nhắc lại, chừng nào có phương tiện gì khác ngoài đi tàu, đi xe thì mới cần nói nhỉ, chỉ biết là đi tối hôm trước thì 9h sáng hôm sau đã có thể bắt đầu tour căn bản, xuất phát từ trung tâm Sapa.

Việc đầu tiên, chú hướng dẫn tên Bằng đã bẻ sẵn cho vài cái gậy leo núi. Bạn trẻ nhất đoàn lại có vẻ thích dùng gậy nhất, trong khi người lớn chân yếu và một bạn “cậy sức” thì lại cương quyết không dùng.

 

Đường đi qua một cái hồ trung tâm xinh đẹp.

 

Vị trí cái hồ trong thị trấn Sapa là thế này đây

 

Vì ba thành viên chính của đoàn đều đang tuổi tiểu học, nên chú Bằng dẫn qua trường tiểu học Sapa để biết các bạn Sapa học ở đâu.

 

Có lẽ là giờ ra chơi, một số bạn đang trèo lên bờ tường chắc để mua bánh kẹo từ một cô bán hàng từ bên ngoài. Đối với “đoàn”, đây là một chi tiết thú vị và đáng thèm muốn.

 

Tất cả lại chống gậy đi tiếp, ngang qua một công viên có rất nhiều gà. Một nét nữa khác Hà Nội!

 

Rồi rẽ vào một ngõ hẻm lên núi, bắt đầu chương trình “vừa đi vừa học”. Chú Bằng hướng dẫn viên bắt đầu giới thiệu về cây lanh.

 

Chú bảo tước vỏ cây này ra sẽ dệt thành vài. “Dệt thế nào?” một thành viên tò mò. Chú nói hôm sau mới đi thăm bản làm lanh.

 

Giờ đi thăm tiếp hai ông bà trồng và chế biến atisô, loại cây dùng để làm trà mà bà nội hay uống ở nhà.

 

Lá atiso được cắt riêng khỏi thân để khi phơi sẽ khô đồng đều. Atisô này nấu cao cũng được. Ở đây hai ông bà nấu cao và bán.

 

Tiếp theo là cây chè. Cây rất cao. Các thành viên có vẻ thờ ơ vì chưa đến tuổi uống chè chén. Nếu đó là một cây làm ra kẹo thì các bạn có lẽ sẽ quan tâm hơn.

 

Trên đường đi, đoàn gặp một đàn lợn mán nuôi thả.

 

Thành viên đoàn có vẻ rất ưu tư trước sự tự do và hoang dã của động vật nơi đây…

 

… và cũng khá sốc khi biết người ta có trồng hẳn một loại cây chuyên lấy lá để ăn thịt lợn luộc, gọi là cây lá nhội

 

Đi qua rừng, chú Bằng chỉ cho bụi cây thảo quả dưới những gốc cây to. Đến cây này thì cũng lần đầu người lớn trong đoàn mới thấy, mặc dù vẫn dùng quả khô của nó để nấu phở.

 

Rồi đến cây sim mua, nếu có hoa sẽ là hoa tím, nếu có quả thì quả cũng màu tím, và ăn vào miệng cũng sẽ tím. Tiếc rằng mùa này không có quả để chứng minh cho các bạn nhỏ xem. Mùa này, người ta chỉ bẻ lõi cây mà ăn như ăn rau sống.

 

Chú Bằng biết rất nhiều cây, cứ đi một đoạn lại giảng về một loại cây.

 

Thí dụ như cây dương xỉ này, ở thành phố thì toàn thấy để cắm hoa, ở đây người ta hái ngọn ăn sống hoặc nấu canh.

 

Hoa dương xỉ thì không thể gọi là đẹp được, hơi giống hoa cây xấu hổ. (Riêng chi tiết dương xỉ có hoa là người viết về sau được biết mình đã… sai. Đây là hoa cứt lợn mọc chen vào, trông cứ tưởng mọc thẳng ra từ cây :-). Các bạn đọc thêm ở các cmt nhé)

 

Đường càng đi càng ít nhà xây, cây càng nhiều. Trên đường vắng không xe cộ. Đi theo đoàn có một bác người dân tộc gùi giúp đồ đạc…

 

Bứt một nhành cây bên đường, bác kết một vòng lá tặng thành viên bé nhất đoàn.

 

Nhìn lại chính là cành dương xỉ, kết thành hình quả tim như trong các đám cưới.

 

Chương trình hôm nay, như chú Bằng nói, sẽ chỉ đi hai bản Má Tra và Tả Phìn

 

Đến được Má Tra thì trong đám đã có kẻ mỏi chân. Lại chính là thành viên không chịu chống gậy.

 

Đến đây, chú Bằng vẫn không “buông tha”, tiếp tục giảng về cách phơi vải lanh. Chỉ còn anh lớn chăm chú nghe…

 

… trong khi em nhỏ thì thăm thú nhà của người trong bản

 

Nhà trong vùng thường lơp tôn và gỗ

 

Phần mái gỗ trông như đã mục, nhưng nghe nói là gỗ pơ mu nên thế mà vẫn dùng tốt

 

Đến khi nghe chú Bằng thông báo sắp đi qua bản Tả Phìn, cả bọn có chống gậy cũng đã mệt phờ

 

Tất cả quyết định không vào thăm động Tả Phìn, “lên đường về nước”

 

Lại băng qua những con đường mòn…

 

Những con đường đất nện…

 

Men theo những dòng suối

 

Băng băng trờ về khách sạn, ăn một bữa no chưa từng thấy rồi ngủ say bí tỉ, trong mơ lại thấy mình tiếp tục chống gậy, trèo dốc…, kết thúc ngày đầu tiên của chương trình vừa chơi vừa học.


 (Còn tiếp ngày 2: Những bài học đơn sơ về nghề dệt

Ý kiến - Thảo luận

10:38 Sunday,8.4.2018 Đăng bởi:  Cường Nghiêm
Bài viết rất chi tiết và đầy đủ về kinh nghiệm du lịch sapa. Cảm ơn chú Bằng nhé
...xem tiếp
10:38 Sunday,8.4.2018 Đăng bởi:  Cường Nghiêm
Bài viết rất chi tiết và đầy đủ về kinh nghiệm du lịch sapa. Cảm ơn chú Bằng nhé 
10:56 Friday,20.1.2017 Đăng bởi:  Xuanai
Ôi các bạn nhỏ thích thế! Em chờ phần 2 ạ. Với lại bác có thể cho em xin contact của chú Bằng biết nhiều loại cây này được không ạ? Cám ơn bác!
...xem tiếp
10:56 Friday,20.1.2017 Đăng bởi:  Xuanai
Ôi các bạn nhỏ thích thế! Em chờ phần 2 ạ. Với lại bác có thể cho em xin contact của chú Bằng biết nhiều loại cây này được không ạ? Cám ơn bác! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

THẾ HỆ MỚI của Anh Tuấn

Thông tin từ triển lãm

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp