Kiến trúc

Đi LX xem WC (bài 16): Tiến về Cung điện Mùa đông25. 03. 21 - 1:10 pm

Đặng Thái

(Tiếp theo bài trước)

Nhìn qua cửa sổ máy bay, thành phố Xanh Pê-téc-bua xinh đẹp (chưa thấy đâu) chào đón mình bằng màn mưa lâm thâm và nhiệt độ ngoài trời được tiếp viên thông báo là… 9 độ C. Lúc đang chờ đèn hiệu cài dây an toàn tắt, mình vẫn nghĩ chắc là tiếp viên đọc nhầm, đang giữa mùa hè, hôm qua ở Mát-xcơ-va là 29 độ cơ mà. Bước ra khỏi máy bay, gió thổi suýt nữa bay mũ.

Trời mưa tầm tã, đợi đến quá trưa mà mưa vẫn không ngớt, mình ngồi trên taxi với tài xế là một cô gái trẻ. Thực ra thời tiết này, cứ ngồi xe đi lòng vòng ngắm thành phố qua những cây cầu kiều diễm và những dòng sông, kênh đào cũng đủ lãng mạn rồi. Tuy nhiên mình quyết định vào Cung điện Mùa Đông tham quan cho… ấm. Đây là điểm “phải đến” ở Sankt-Peterburg nói riêng và Nga nói chung theo cách diễn đạt của dân du lịch. Nhưng với mình thì chẳng có điểm nào là phải đến cả, đi chơi chứ ai ép mà cứ phải xem chỗ này, phải check-in chỗ nọ, cứ chỗ nào đẹp, sạch mà “ấm áp” thì ta đi.

 

Trước đây Cung điện sơn màu vàng rơm, từ thời Nicholas I thì sơn đỏ nâu, đến sau cách mạng vẫn giữ nguyên màu đỏ. Chỉ sau Chiến tranh vệ quốc, thì mới cho sơn lại màu xanh lá cây với cột và cửa trắng, theo quy định dành cho tất cả các tòa nhà theo phong cách Baroque. Ảnh: Đặng Thái

Cung điện Mùa Đông, cái tên nghe mới hay và độc đáo làm sao. Nó phản ánh một truyền thống của Hoàng gia Nga và giới quý tộc Nga vẫn còn đến ngày nay ở mọi tầng lớp người dân thuộc các nước Bắc Âu và Nga: mùa hè sẽ di chuyển đến một nơi khác để nghỉ dưỡng và làm việc. Đồng nghiệp với mình có cô người Estonia. Cô ấy kể với mọi người ở cơ quan là: bố mẹ tôi bên Estonia chỉ là công chức nhưng cũng có hai cái nhà, một nhà mùa hè và một nhà mùa đông. Mọi người mới hỏi thế chắc hai nhà của ông bà ở cách xa nhau (có lẽ phải đi tàu hỏa hoặc máy bay?). Cô này bảo: “Xa lắm, cách những 30 km cơ ạ”. Cả hội cười bò. Ở một đất nước rộng lớn, đường xá tốt và nhiều xe ôtô như ở Úc thì 30 km chỉ là khoảng cách người ta đi chợ, vả lại 30 km thì khí hậu cũng không có gì khác biệt. Thế nhưng ngay cả Hoàng đế Nga cũng đi nghỉ mùa hè chỉ cách có khoảng 30 km từ Cung điện Mùa đông, tức là chỗ Peterhof hay người Việt ta quen gọi là Cung điện Mùa hè và Làng Sa hoàng thường gọi là Cung điện Mùa thu. Truyền thống này được duy trì dưới thời Xô Viết, dù có là Nguyên thủ nước ngoài đến thăm chính thức Liên Xô mà Lãnh tụ đang đi nghỉ hè thì cũng không tiếp ở Mát, mà tiếp ở nơi nghỉ hè. Phong tục này được các đàn em học tập, như Trung Triều thì có Bắc Đới Hà, Thánh triều ta thì có Tuần Châu và Tam Đảo.

Vấn đề là không phải muốn mà được tham quan Cung điện Mùa đông một cách dễ dàng. Cung điện Mùa đông ngày nay trở thành một phần của Bảo tàng Hermitage. Bảo tàng Hermitage bao gồm một quần thể cung điện gồm 6 tòa nhà chính nằm ngay bên bờ sông Neva và hướng ra Quảng trường Cung điện, là nơi tập trung cơ quan đầu não của Đế quốc Nga. Đây là một bảo tàng khổng lồ, lớn thứ hai trên thế giới về cả diện tích và hiện vật chỉ sau Bảo tàng Louvre ở Paris. Câu chuyện muôn thuở của thời đại công nghiệp hóa du lịch là, khi muốn thăm một Bảo tàng nổi tiếng nào thì cũng phải xếp hàng. Bảo tàng họ mở cửa chỉ từ 10h30 đến 18h mà xếp hàng đã mất 1 tiếng rưỡi. Các tượng thần thánh trên nóc cung điện cũng dầm mưa cùng dòng người chầu chực trong sân rồng.

Sau khi đi qua Hành lang sứ thần (Ambassadors’ entrance) thì nơi đầu tiên chúng ta bước vào cung điện là Cầu thang Jordan (Jordan staircase). Cầu thang được đặt tên như vậy vì vào Lễ Ba vua, Sa hoàng sẽ bước xuống từ cầu thang này để làm nghi thức “ban phước” cho nước sông Neva trở thành “thánh thủy”, mô phỏng việc Chúa được rửa tội ở sông Jordan. Cầu thang này cũng là lối lên Đại Sảnh chính của cung điện, là nơi đầu tiên đón tiếp khách đến chơi nhà, nên nó lộng lẫy và gây ấn tượng vô cùng. Cầu thang kiểu này gọi là Cầu thang Hoàng đế (Imperial staircase), là dạng cầu thang sang trọng nhất ở các cung điện châu Âu, thường chỉ dành cho cung vua phủ chúa, Nó chạy từ tầng 1 lên chiếu nghỉ ở giữa tầng rồi chia làm hai nhánh hai bên. Trong trường hợp cầu thang Jordan này là dạng cầu kì nhất, hai nhánh hai bên lại có chiếu nghỉ và vòng ngược lại để lên tầng hai.

Cầu thang Jordan chụp năm 1981. Ảnh: P. Manushin (RIA Novosti)

Nhà hát lớn Hà Nội cũng có cầu thang dạng này nhưng khá đơn giản, sau chiếu nghỉ đầu là lên đến tầng trên luôn. Qua đó có thể thấy dạng cầu thang này về sau được áp dụng cho các nhà hát, công trình công cộng mà thường xuyên có hai dòng người đi lên và đi xuống. Cũng để phục vụ hai dòng người thì có dạng Cầu thang đôi (Double staircase) gồm hai cầu thang hai bên nhập vào giữa tuy cũng đẹp nhưng kém sang hơn, là dạng cầu thang ở Thương xá Tax.

Các đại gia ở ta cũng muốn học theo nên thường làm cầu thang kiểu này chính giữa nhà của các Château de Hai Hau, Château de Phu Ly, Château de Van Quan v..v.. Những “lâu đài” này nhìn đã thấy lợm giọng, nhưng nhìn vào cái cầu thang giữa nhà lại càng buồn cười vì diện tích đất thường quá bé, nhà lại cao tầng, diện tích cho cầu thang tiết kiệm nên hậu quả là cầu thang chật và dốc dựng đứng, trong khi nhu cầu chỉ phục vụ vài người trong gia đình. Tội nghiệp hơn là về phong thủy cũng chẳng ra làm sao khi tương ngay cái cầu thang dựng ngược ấy chính giữa nhà. Diện tích cho cầu thang Jordan này to bằng cả một phòng lớn, dùng đến hai tầng chiếu nghỉ nên bậc thang mới không dốc, đồng thời cầu thang nằm về bên tay phải tòa nhà nên không hề chướng mắt. (Các bác đại gia nước ta chắc chắn không thiếu tiền, chỉ là các bác không gặp được kiến trúc sư có học thôi, những tay kiến trúc sư làm ra những lâu đài (nát) có chóp kia thật đáng giận, chẳng đáng thương chút nào vì chỉ sao chép ăn cắp một cách cẩu thả để sản xuất hàng loạt những lâu đài dị dạng trải dài khắp nơi từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, ngày một nhiều, và ngày một quái gở với những trang trí diêm dúa không khác nào ghẻ lở trên những bức tường đá hoa cương đắt đỏ vô tội (vạ) kia.)

Tại Cung điện Mùa đông, cầu thang này còn đẹp ở chỗ 2/3 mặt tường có những ô cửa sổ lớn lấy sáng tự nhiên. Mặt còn lại cũng làm hình các ô cửa sổ nhưng lắp gương, ban ngày thì sáng sủa mà ban đêm thì chắc hẳn các bóng đèn bật sáng, phản chiếu lên các chi tiết dát vàng sẽ lộng lẫy lắm. Sau lưng là hai bức tượng Nữ thần Công Lý (cầm cân) và Nữ thần Trí Tuệ (cầm vòng nguyệt quế). Có tất cả tám bức tượng thần bằng đá thạch cao alabaster trên tám cột (tập hợp từ thần thoại Hy Lạp và La Mã), trên trần nhà là cảnh các vị thần Hy Lạp ngồi trên đỉnh Olympus đàm đạo.

Trần nhà khu vực cầu thang Jordan. Ảnh: Hajotthu

Nói về xa xỉ và cầu kì thì tầng lớp phong kiến Nga không thua nước nào ở châu Âu. Giới quý tộc Anh vốn sống trong những lâu đài không quá cầu kì nên khi sang Nga đều choáng váng trước những cung điện của Sa hoàng và Quý tộc. Có rất nhiều ghi chép của giới quý tộc Anh kể về những lần sang Nga chơi và tìm chồng/ tìm vợ, vì lấy được một ông/ bà quý tộc Nga, nói tiếng Pháp thì coi như trúng số, sống an nhàn đến hết đời (dĩ nhiên là tại lúc đó không ai biết sau này có Cách mạng).

Sau cầu thang Jordan là đến Sảnh Nguyên soái, phòng lớn đầu tiên trong một loạt các Đại sảnh của Cung điện. Phòng này toàn đá cẩm thạch trắng, trên tường treo tranh vẽ các đồng chí Tổng tư lệnh – Nguyên soái của Đế quốc Nga. Ý rằng có lẽ đây là những thanh kiếm và lá chắn bảo vệ chế độ nên đặt làm phòng đầu tiên. Do kĩ thuật xây dựng tiên tiến hơn và khác biệt về quan niệm, nên ở phương Tây các cung điện thường là một tòa nhà rất rộng và nhiều phòng, khác với các cung điện ở phương Đông thường gồm một Điện riêng lẻ hoặc mỗi cung chỉ gồm vài phòng nhỏ.

Tiếp đến là Sảnh Ngai vàng của Peter Đại đế. Sảnh này gọi là sảnh nhỏ để phân biệt với Chính điện to hơn phía sau. Sảnh này dành để tôn vinh Peter, người đã không quản rét mướt, ngập lụt để chuyển kinh đô về đây, và cho xây dựng cung điện này. Dù Cung điện xây lúc đó đã không còn nữa nhưng ngai vàng thì vẫn còn một phiên bản khá giá trị: Ngai làm bằng bạc mạ vàng năm 1731 tại Anh để chuẩn bị cho việc dời thủ đô từ Moskva (một năm sau khi Peter Đại đế chết, quần thần đã ép vua mới chuyển ngay kinh đô về Moskva). Sảnh này sau thời Peter Đại đế là nơi để các Sa hoàng, Nữ hoàng mở tiệc mừng năm mới, mời các phái đoàn ngoại giao nước ngoài.

Tường phòng bọc nhung đỏ thẫm, sau nhiều năm các hoa văn đã xỉn màu và mục nát dần. Riêng phòng này có chăng dây không cho khách lại gần, có lẽ sợ mấy ông Nga nặng hàng tạ ngồi lên thử ghế. Ngai vua này cũng bé như ngai triều Nguyễn ở ta thôi, người Tây ngày trước không phải là quá to như ta vẫn tưởng, giờ cứ ai ăn uống đủ là to cao hết, không phải do gien. Ảnh: Đặng Thái

Tiếp đến là Sảnh Khánh tiết rất rộng, tất cả các cột đều mạ vàng nguy nga dùng để khiêu vũ, có hai tầng, tầng trên chắc để đứng… soi gái. Đây là đoạn phim nói về phục chế đèn trong Sảnh Khánh Tiết để bạn đọc dễ hình dung. Mỗi một phòng trong cung điện có một kiểu sàn gỗ khác nhau, ghép bằng các thanh gỗ thịt thành vô vàn hình dạng. Kĩ thuật làm sàn gỗ này gọi là parquet, khá cầu kì, rất may là khách tham quan không phải đeo túi bóng vào chân, được đi lại thoải mái, trừ giày cao gót.

Cạnh sảnh này là Hành lang quân đội, treo chân dung mấy trăm vị Tướng Nga trong Chiến tranh chống quân xâm lược bành trướng Paris, cầm đầu bởi Napoleon Đệ Nhất. Cuối hành lang là tranh Sa hoàng Alexander Đệ Nhất cưỡi ngựa oai phong, dù có đốt cháy cả Moskva cũng quyết tâm đánh bại Napoleon.

Hành lang Quân đội. Ảnh: Đặng Thái

Phòng tiếp theo và cũng lớn nhất trong Cung điện, gọi là Điện Thánh George. Đây là nơi diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng nhất của đất nước: lễ đăng quang, lễ trình quốc thư, lễ quốc tang, các buổi đại triều. Ngày cắt băng khánh thành Điện này là 26. 11. 1795, nhằm vào ngày Thánh George nên đặt tên như vậy. Điện này hết cháy lại hỏng kết cấu kha khá lần và mỗi lần sửa rất tốn kém vì cần rất nhiều đá ốp. Sau năm 1930 thì Ngai vàng bị đưa ra khỏi cung điện và thay vào đó là một bản đồ bằng đá của Liên bang Xô viết. Điện bị bỏ hoang và xuống cấp cho đến năm 2000 người ta mới bắt đầu khôi phục lại vẻ hào quang vốn có của nó.

Điện Thánh George với ngai vàng của Sa hoàng. Ảnh: Đặng Thái

Ngôi cửu trùng của nước Nga chỉ có bảy bậc. Nếu tính một bậc mím mím ở trên cùng và cái ghế đặt chân nữa thì cũng chín bậc. Ảnh: Đặng Thái

Trong Điện có rất nhiều chiếc bình rất tinh xảo bằng đá malachite (xanh ngọc lam) và lapis lazuli (xanh tím than) là đặc trưng của Cung điện Mùa đông. Các cung điện khác ở Nga hay ngay cả Tòa thánh Vatican có những bình này cũng đều là quà của Sa hoàng tặng cả.

Bình đá trang trí đặc trưng của Cung điện. Ảnh: Đặng Thái

Căn phòng này cũng là nơi Sa hoàng Nicholas II đã làm lễ khai mạc Duma Quốc gia Nga, tức là Hạ viện do dân bầu ra vào ngày 27. 04. 1906 (Lịch Nga). Sau Cách mạng Nga 1905, Nicholas Đệ Nhị miễn cưỡng phải thành lập Duma Quốc gia nhằm xoa dịu dân chúng đang phẫn uất vì sự cai trị hà khắc của giới Quý tộc Nga và ngăn chặn giai cấp tư sản, đang bị kìm kẹp, làm cách mạng. Lần đầu tiên trong lịch sử, những người dân thường, đại biểu của nhân dân, là những nông dân công dân được bước vào căn phòng này. Nhìn thấy cảnh nguy nga tráng lệ ở đây chỉ càng làm tăng thêm sự thù hận của công nông; những người đứng bên phía quý tộc ghi lại rằng những đại biểu công nông biểu lộ vẻ mặt cực kỳ tức giận và thù hằn. Sa hoàng tưởng như cứu vãn được chế độ với việc đưa ra Hiến pháp 1906 và thành lập Duma Quốc gia nhưng thật sự vẫn muốn nắm quyền lực tuyệt đối, coi Duma là bù nhìn, và giới quý tộc thì vẫn nắm Thượng viện. Vì vậy buổi lễ này cũng khởi đầu cho sự kết thúc chế độ phong kiến tập quyền ở Nga với hai cuộc cách mạng tiếp theo sẽ diễn ra sau mười năm nữa cùng bởi những người thuộc Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga.

Buổi lễ lịch sử khai mạc Duma Quốc gia lần thứ nhất. Giới quý tộc đứng bên trái, giới bình dân bên phải đang lắng nghe Sa hoàng đọc diễn văn.

Từ ngày 10-25. 04. 1906 (lịch Nga), hai ngày trước khi Khai mạc Duma, Đại hội lần thứ 4 của Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga ở Stockholm, phe Melshevik, đứng đầu là Julius Martov tìm cách hạn chế phe Bolshevik, dù vẫn bầu ra 3 người vào Trung ương Đảng. Martov và phe Melshevik giành được 18 ghế trong Duma đầu tiên, xếp hạng cuối cùng.

Căn phòng đáng chú ý cuối cùng là Phòng Malachite ở góc tòa nhà. Đây vốn là phòng tiếp khách của Sa hậu Alexandra Fiodorovna. Nguyên văn đoạn giới thiệu trên tấm bảng trong phòng:

Phòng Malachite được trang trí theo thiết kế của A. Briullov vào năm 1839. Các cột tròn, cột vuông và bệ lò sưởi được ốp đá malachite theo kỹ thuật gọi là ‘mosaic kiểu Nga’. Căn phòng gắn liền với sự kiện lịch sử: vào đêm ngày 7 tháng 11 năm 1917, cuộc họp cuối cùng của Chính phủ Lâm thời phản cách mạng diễn ra tại đây. Các bộ trưởng sau đó bị bắt giữ tại phòng ăn nhỏ bên cạnh phòng này.

Nội thất phòng Malachite, tranh của Konstantin Andreyevich Ukhtomsky năm 1885

Đúng là một cung điện khá lạ vì có view như kiểu khách sạn trong phố, không quá cách biệt với nhân dân. Thế mà vẫn chả biết nhân dân đói khổ ra sao. Sở dĩ cung điện này nằm ngay trong phố là vì giờ có mấy cái cầu, chứ trước đây Peter Đại Đế cấm bắc cầu qua sông Neva nên Cung điện này nằm hoàn toàn trên một hòn đảo. Vì thế một trong những việc lãng mạn cần làm ở Xanh là đôi nào yêu nhau thì đi chơi đêm trên đảo này, đợi cầu cất lên lúc một giờ đêm, thế là coi như bị mắc kẹt với nhau ở một nơi giữa chơi vơi sóng nước!

Từ cửa sổ cung điện nhìn ra sông và thành phố. Ảnh: Đặng Thái

(còn tiếp)

*

ĐI LX xem WC:

- Đi LX xem WC (bài 1): Tiếng Tác đánh tiếng tộ

- Đi LX xem WC (bài 2): Đêm trắng, xem Pushkin và nghe Tchaikovsky

- Đi LX xem WC (bài 3): Viếng lăng Lê Tiên Hoàng

- Đi LX xem WC (bài 4): Cuộc săn tìm lật đật Nevalyashka

- Đi LX xem WC (bài 5): Xem trứng Sa hoàng, vàng son lộng lẫy

- Đi LX xem WC (bài 6): Bữa sáng mang tâm hồn ăn uống Nga

- Đi LX xem WC (bài 7): Cơm hàng cháo chợ vẫn tâm hồn Nga

- Đi LX xem WC (bài 8): Nhớ mùa hè Kazan

- Đi LX xem WC (bài 9): Cung điện của nhân dân dưới lòng đất

- Đi LX xem WC (bài 10): Đến Tretyakov gặp nhiều cao thủ

- Đi LX xem WC (bài 11): Một ngày không thể “đen” hơn

- Đi LX xem WC (bài 12): Ở nơi hòm thư cũng có máy sưởi

- Đi LX xem WC (bài 13): Chưa thỉnh được kinh, đã chia hành lý

- Đi LX xem WC (bài 14): “Nhà quê” đi chuyến tàu Nga

- Đi LX xem WC (bài 15): Tôi đã lao động bất hợp pháp ở Kazan như thế nào?

- Đi LX xem WC (bài 16): Tiến về Cung điện Mùa đông

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ăn kem – xem show

Mr Thứ Hai – Chu Minh Vũ | Việt Nam Ngày Mới

Về một cách nhìn nghệ thuật!

Một thành viên của Khoan Cắt Bê Tông

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp