Đi & Ở

Đi LX xem WC (bài 15): Tôi đã lao động bất hợp pháp ở Kazan như thế nào? 15. 09. 20 - 10:35 am

Đặng Thái

 

Thành phố Kazan quy mô vừa phải, hiền hòa và xanh khiến cho những cảm giác về nước Nga giờ mới thực sự hiện rõ. Cô chú tôi sống ở ngoại ô, cách ga trung tâm khoảng 12 km. Tòa chung cư là một trong vài trăm tòa nhà tương tự nhau ở khu này, tuy thế, mật độ xây dựng khá hợp lý, các mảng xanh rất lớn, không tệ hại như Trung Hòa Nhân Chính dù mức độ xuống cấp thì khá giống nhau.

Phía xa là ngoại ô hẳn, rất nhiều nhà dân kiểu truyền thống. Các chung cư đều kiểu cũ, không có sân đỗ xe mà cũng không có hầm để xe, có lẽ xây từ lúc chưa nhiều ôtô cá nhân. Ảnh: Đặng Thái

Chung cư xây năm 2001 mà trông đã khá cũ, nhưng những mảng xanh và sân chơi trẻ em to hơn bãi đỗ xe thì tuyệt vời. Ảnh: Đặng Thái

Việc đầu tiên là đi tắm và phì cười với quả vòi hai trong một của các ông kỹ sư Liên Xô. Nhà trên Mát mình ở cũng có cái vòi xoay này. Ảnh: Đặng Thái

Vừa ngủ trưa dậy mắt nhắm mắt mở đã có lệnh triệu tập đi ăn cỗ. Có cả chả mực, cá thu một nắng, chả rươi, bánh cuốn. Ảnh: Đặng Thái

Người Việt ở Kazan không quá đông, các cô chú hầu như sang khoảng giữa những năm 80 theo diện Hợp tác lao động. Cô mình đi đợt đầu, khi sang các chị em còn ôm nhau khóc tu tu vì nhớ nhà và quyết rằng hết hạn hợp đồng 4 năm thì sẽ về. Nhưng mà bụp một cái bong bóng Liên Xô bị vỡ. Cả một thời đại loạn. Giờ thì mọi người đều đã ổn định, thế hệ thứ hai đã bắt đầu vào đại học. nói chuyện với nhau bằng tiếng Nga. Cộng đồng nhỏ nên mọi người rất đoàn kết và các gia đình đều biết nhau hết cả. Đội du học sinh sang sau này các cô chú cũng đều biết hết và các bạn này kiếm được việc làm thêm là dạy Toán và tiếng Việt cho các em.

Thời tiết khá dễ chịu. Ban ngày nắng gay gắt nhưng buổi tối trời mát như miền Nam Việt Nam ngày Tết, không bị nóng hầm hập cả ngày đêm như miền Bắc hay mùa hè bên Úc. Nga đã bỏ giờ mùa hè từ năm 2010, nên mùa hè không còn chỉnh đồng hồ nữa. Các bác người Tác đạo Hồi ở đây thì khổ nhất là tháng Ramadan, nó thường rơi vào đầu hè, phải nhịn ăn từ khi mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Khổ cái mùa hè nó mọc rất sớm mà lặn thì muộn. Có ông người Tác kêu đói, mấy ông Việt Nam thì bố láo, bảo: “Mày chui tạm vào chỗ tối mà ăn, chả ai biết đâu”, thế là tí nữa đánh nhau dù mấy ông người Tác ngày thường rất hiền. Nên người Tác ở đây họ nghĩ ra phương án đối phó là ăn theo giờ ở Mecca: “Lạy các cụ đại xá cho chúng con sống ở xứ mặt trời (gần như) không bao giờ lặn (mùa hè) nên phải ăn mai còn đi làm, bọn Nga trắng nó có nghỉ Ramadan đâu”.

Buổi tối trời mát mẻ trở lại. Có thể thấy mặt trời mọc lúc 3h sáng trong lịch. Ảnh chụp màn hình: Đặng Thái

Cả nhà ra bờ sông, đi dọc theo tường thành Kremlin và phố đi bộ hóng gió. Riêng mình, ma mới nên bị các anh các chú quây cho một trận, bình thường uống bia lạnh mãi chả sao, hôm đó uống xong, ra bờ sông gió vù vù tốc váy, thế là về bị viêm họng.

Ở bờ sông có luôn cả kiểu ghế này cho ai thích nằm ườn ra. Ghế này mà đem về đặt ở mấy công viên tối mò mò ở Hà Nội thì đông khách phải biết. Ảnh: Đặng Thái

Các thành phố ở Úc vẫn được cơ bản coi là giống Âu Mỹ về kiến trúc, lối sống nhưng có một điểm khác biệt là trên các đường phố bến tàu bến xe của Úc không có cướp giật, lừa đảo, xin đểu, móc túi như châu Âu, có chăng thì có ăn xin, nhưng rất ít và họ chỉ ngồi yên chứ không bám theo để xin bao giờ. Vì vậy mà hằng ngày đi ra đường, mình chưa bao giờ phải lo ngại chuyện bảo vệ túi tắm, tiền bạc. Lần này đi qua Trung Quốc và Nga là hai địa phương mới, chưa biết lành dữ thế nào, lại dịp hội hè đông đúc nên phải quán triệt tinh thần nâng cao cảnh giác. Trước khi đi, đã mua hai cái túi nhỏ:
– Một cái đeo vào cổ, cất trong áo, đựng giấy tờ
– Một cái đeo trước bụng đựng tiền (vì ở Nga chủ yếu tiêu tiền mặt)
– Trong túi quần còn một cái ví đựng mỗi tờ 100 rúp và mẩu giấy “Chúc bạn may mắn lần sau” để đánh lạc hướng

Qua xuất nhập cảnh sân bay, thấy họ săm soi hộ chiếu kĩ như thế nên biết rằng hộ chiếu lại càng có giá trị ở đây. Ai đi nước ngoài cũng biết khổ nhất là mất hộ chiếu, thủ tục nhiêu khê, chưa kể đến các chú sứ ở Nga và Đông Âu thì nổi tiếng hách dịch và chặt chém. Nên đi đâu em cũng khư khư đeo cái hộ chiếu ở cổ, không những sợ mất mà còn vì ở Nga, cảnh sát rất hay kiểm tra giấy tờ tùy thân của người nước ngoài, nhất là người châu Á. Cái phiếu nhập cảnh ở sân bay công an họ phát cho, thấy Việt kiều và các bác đi trước ai cũng dặn là phải giữ thật cẩn thận, nếu không không xuất cảnh được nên mình kẹp luôn vào hộ chiếu rồi giữ như vật bất ly thân.

Thế nhưng thật bất ngờ khi an ninh mùa World Cup này cực kỳ tốt. Kết thúc cả chuyến đi về mà mình không bị móc mất cái gì cả. Chắc do cảnh sát ra quân thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu bóng đá thế giới. Đọc báo Tây thấy bảo các em gái đợt này còn nhận được tối hậu thư phải ra khỏi thành phố hết, không có làm ăn gì, phát hiện em nào đứng đường là cảnh sát bắn bỏ. Làm gắt thế cho nên anh em khắp thế giới đổ về đây than phiền rất nhiều là rất khó để biết mùi vị gà Nga ra sao, đành phải chén lẫn nhau. Trên tàu điện ngầm ở Mát cũng có ghi cảnh giác với móc túi, mình có chú ý quan sát nhưng không thấy vấn đề gì, người đi tàu ai cũng xem điện thoại, xem báo hoặc xem tivi trên tàu, không thấy bọn gian mặt mũi lấm lét. Lâu dần cũng mất cảnh giác, nhiều đoạn phố xá đông đúc, sân vận động đông người chen vai thích cánh mình cũng chả để ý nhưng đến hôm lên máy bay, cái ví giả trong túi quần vẫn còn nguyên. Có lúc thấy thiếu cả nắm tiền, nghĩ ngay “Thôi, chúng nó móc mất lúc nào rồi”, xong tìm kĩ lại thì hóa ra lắm túi quá, nhét vào chỗ khác rồi quên luôn! Khác với Moskva, cả Kazan và Sankt-Peterburg đều cho khách du lịch cảm giác rất an toàn, không cần nhìn trước ngó sau. Vả lại người Hồi giáo rất ít khi ăn cắp, mất tay chứ chả chơi. Thế nên tàu điện ở Kazan không thấy ghi cảnh giác móc túi, đợi xe buýt lúc 12h đêm ở bến vắng tanh không lo gì và trên xe chen chật kín người lúc nửa đêm ấy cũng vấn đề gì.

Hôm sau nhiệt độ ngoài trời lên đến 38 độ. Thấy mình đòi đi chợ các cô chú ngạc nhiên lắm, bảo sao không đi chơi chứ đi chợ có gì mà chơi. Mình đáp rằng đi dưới nắng này thì say chứ tham quan gì nổi, nên chọn đi chợ cho có… điều hòa mát. Chú mình sang Nga cùng thời với các tỷ phú đô la của Việt Nam hiện nay, thậm chí cũng có lần đi buôn xanh (buôn đô-la Mỹ) cùng với Vịn Vương thuở hàn vi, nhưng đâu phải ai gặp thời thế cũng thành anh hùng. Cô chú có gian hàng quần áo ở chợ như nhiều người Việt khác, triệu phú đô la còn chưa với tới, mơ gì tiền tỷ.

Một đặc sản của người Việt Nam mà lúc trước mình tưởng chỉ ở Nga, sau mới biết là ở khắp các nước, bao gồm cả Úc là cháy chợ. Đặc sản này thể hiện hai điều: một là người Việt rất hay tập trung kinh doanh ở chợ, hai là cứ cháy chợ là coi như bà con mất trắng. Nguyên nhân cháy thì lúc nào cũng do chập điện, chập điện nhiều một cách bất thường trong khi chợ của người Hoa, người Ấn, người Thổ… thì chả bao giờ cháy, nên nguyên nhân cháy chợ là một điều-mà-ai-cũng-biết-là-vì-sao-đấy, dù nguyên nhân “chính thức” được đưa ra của nhà chức trách các nước từ Berlin đến California luôn là không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy. Một điều kì cục nữa là dù cháy chợ rất nhiều nhưng người Việt Nam không bao giờ mua bảo hiểm tài sản vì sợ tốn tiền. Có những vụ cháy to như chợ Sapa bên Tiệp, hàng trăm tiểu thương đi ăn mày nhưng rồi đâu lại vào đó. Ở Kazan này cũng cháy chợ không dưới 3 lần, qua mấy lần “binh lửa” cô mình cũng phải đi tong cả trăm ngàn đô nhưng mà cháy mãi cũng quen nên tiền bảo hiểm vẫn là đắt (!?).

Sau vụ cháy sạch sẽ cả chợ gần đây nhất, giờ các cô chú chuyển ra chợ này ở khá xa trung tâm, đi xe phải mất gần tiếng. Ở Mỹ và Úc, xe ôtô nhiều như lợn con, chỉ tổ tắc đường, tốn xăng và khói bụi nên nói về tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp lẫn bảo vệ môi trường người ta đều khuyến khích đi làm thì đi chung xe với những ai làm cùng hoặc đi cùng hướng để tốt cả nhiều đường. Thế nhưng chuyện đấy chả bao giờ xảy ra vì tự do cá nhân và xăng rẻ như nước lã, mình đi làm hằng ngày vẫn thấy cả nghìn cái xe có một người ngồi. Cho đến những năm khủng hoảng tài chính toàn cầu thì việc đi chung xe bắt đầu manh nha, và Uber ra đời với một mục tiêu rất cao cả là giảm thiểu ô nhiễm, ùn tắc, bảo vệ môi trường nhưng rồi cuối cùng nó lại trở thành taxi chuyên nghiệp như ngày nay.

Phương tiện giao thông công cộng ở Nga khá tốt, có lẽ do tư duy vĩ mô hướng đến dùng chung phương tiện tập thể nên hệ thống xe tram, xe buýt khá dày đặc và nhiều chuyến. Ảnh: Đặng Thái

Vậy nhưng bên Nga do điều kiện khó khăn và nhiều cô cũng không biết lái xe thế là việc bảo vệ môi trường của các cô diễn ra một cách tự nhiên không cần tuyên truyền giáo dục. Đi chợ là đi cả một xe 7 chỗ, sáng là một chú đi đón một vòng, vừa vui vừa chia nhau tiền xăng, thế là cái khó ló cái khôn, hơi bị văn minh luôn. Về Úc mình liền áp dụng với bạn Tàu ở chỗ làm, cốt là có người nói chuyện lúc tắc đường cho đỡ buồn, lúc đầu nó còn chối đây đẩy, sau ngồi xe đi làm không phải lái, nó nghiện luôn đuổi không đi, căn bản là đàn ông Tàu rất sợ lái xe, camera gắn chi chít quanh xe.

Trong chợ vẫn có những xe đẩy đi bán hàng rong như thế này. Ảnh: Đặng Thái

Chợ này của một tay người Do Thái, lập rất quy củ, trông ngăn nắp và cơ sở hạ tầng rất chuyên nghiệp. Người Do Thái thì nổi tiếng bủn xỉn, không phải là tiết kiệm mà là keo kiệt ạ. Do đặc trưng của người Do Thái ở châu Âu từ xa xưa là dân nhập cư, không được sở hữu đất nên họ không làm nông nghiệp mà luôn tập trung sống ở thành thị. Việc sống ở thành thị dẫn đến hệ quả là người Do Thái thường làm các nghề tiểu thủ công nghiệp và buôn bán, đặc biệt đạo Do Thái không cấm cho vay nặng lãi nên người Do Thái nổi tiếng với nghề buôn tiền. Khi gia đình có điều kiện, giống như người Hoa ở Việt Nam, con cái được đầu tư cho học những kỹ năng cao cấp và làm những nghề chuyên môn cao của tầng lớp trung lưu như bác sĩ, kỹ sư, luật sư. Đạo Do Thái có nhiều quy định khác biệt và “bất thường” như cắt bao quy đầu chẳng hạn, nên mặc dù nó cùng một gốc với đạo Thiên Chúa nhưng thường bị người châu Âu dè bỉu và phân biệt đối xử rất ghê gớm. Sau Cách mạng tháng Mười, tầng lớp thượng lưu tức là quý tộc và địa chủ Nga bị tiêu diệt thì lấy đâu ra trí thức mà sản xuất và nghiên cứu nữa. Thế là người Do Thái được trọng dụng như một lực lượng trí thức quý báu, trung thành với Nhà nước Xã hội chủ nghĩa do trước nay bị đàn áp bất công, nay được đặt lên ngang hàng với người Nga chỉ với một điều kiện là không được thực hành đạo Do Thái. Đạo nào thì cũng giống nhau dưới Xô triều, mà đã làm khoa học thì quan trọng gì đạo, thế nên một lực lượng hùng hậu các nhà khoa học Xô Viết là người Do Thái. Những năm Liên Xô đói kém và Israel kêu gọi người Do Thái trở về “miền đất hứa”, các nhà khoa học lũ lượt xin visa xuất cảnh ra đi, càng gần đến những năm 90, người Do Thái đi càng nhiều, kể cả cây cột điện, à quên kể cả người dân thường có dính dáng một tí Do Thái dù cả đời chẳng thực hành đạo cũng xin đi, đến mức mà ngày nay tiếng Nga là thứ tiếng phổ biến thứ hai ở Israel. Đây là một tổn thất rất lớn cho Liên Xô và nước Nga sau này, những người được đào tạo với trình độ rất cao ào ạt đi định cư nước ngoài, và với Liên Xô thì một khi đã đi là không được trở lại. Thế nên thành phần Do Thái nào vẫn còn bám trụ lại ở Nga ngày nay đương nhiên không có xuất thân đàng hoàng, dù họ cũng kinh doanh rất phát đạt.

Quay lại với khu chợ, tay chủ Do Thái này tận thu mọi thường, ngoài giá bán ki-ốt cao, phí điều hành bảo trì cao, toa-lét thu phí… đến internet khi vào trong chợ cũng phải dùng của họ. Vào đến chợ là điện thoại mất sóng, không thể dùng 3G được, quay ra thì thấy cô mình vào mạng bình thường, hỏi thì cô bảo là ở đây nó lắp máy phá sóng, sóng điện thoại rất yếu, nghe gọi thì tậm tịt còn 3G không dùng được, nhưng trả tiền cho ban quản lý chợ để dùng mạng của nó thì lại ok.

Gian hàng váy và quần áo phụ nữ mỏng mùa hè. Ảnh: Đặng Thái

Chợ này cũng giống như những khu chợ ở Việt Nam, có điều bán sỉ quần áo là chủ yếu. Tiểu thương là người đến từ khắp nơi chủ yếu là người Thổ, người Trung Á và Việt Nam, cũng có cả người Trung Quốc mới sang độ hơn chục năm trở lại đây. Người mua hàng là những phụ nữ trung niên, tiểu thương ở những chợ nhỏ rải rác khắp các vùng nông thôn lên đây nhập hàng về bán. Người mua rất dễ chịu và mua bán rất buồn cười, hỏi giá-báo giá-mua thì lấy – không mua thì đi, không mặc cả, không nhăn mày, không chao chát như chợ búa ở Việt Nam. Thế nên giờ mới hiểu một người hiền lành như cô mình làm sao mà cũng buôn bán suốt mấy chục năm ở đây được và khi về Việt Nam thì bảo: “Kiểu này về đây thất nghiệp, cô không ra chợ bán được!”.

Quần áo trong chợ đều là những hàng thông thường, chất lượng thấp. Có hàng nhập ở Trung Quốc, hàng Thổ và cả hàng may ở các xưởng đen/trắng của người Việt bên này. Nghĩ cũng thấy tủi, người Thổ cũng đi xuất khẩu lao động Tây Đức cùng lúc với người Việt Nam mình đi Đông Đức, đi Nga, mẹ mình ngày trẻ làm giao tế rồi quản lý khách sạn ở ta khinh bọn Thổ ra mặt vì bẩn tính, thế mà giờ nước Thổ Nhĩ Kỳ nó cũng chen chân vào hàng những nước giàu nhất thế giới. Cái áo hàng Thổ cầm lên vẫn thấy chất lượng hơn hàng Trung Quốc.

Bà con bên này thì cũng định cư nhưng nó khác với định cư bên Úc. Định cư ở Nga là có một quyển hộ khẩu, cứ 5 năm gia hạn một lần và giấy tờ tùy thân thì cũng nào cũng phải kè kè quyển hộ chiếu với hộ khẩu bên người. Gần như không có cách nào để lấy quốc tịch Nga ngoài kết hôn nên hầu hết bà con đều mang hộ chiếu Việt Nam và hộ khẩu Nga dù ở đây đã khá lâu rồi. Bọn trẻ con đẻ ở Nga thì đến năm 18 tuổi được đi phỏng vấn để lấy quốc tịch, nhưng mà cán bộ quốc tịch hỏi lắt léo, trẻ con 18 tuổi thì biết gì mà trả lời nên cũng trượt quốc tịch kha khá. Hộ chiếu các nước Trung Á và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ được miễn visa vào Nga du lịch nên tỉ lệ trốn ở lại khá cao và cảnh sát suốt ngày phải đi lùng sục kiểm tra visa và hộ chiếu.

Úc và Anh khác với nhiều nước châu Âu, đầu vào thì rất khó nhưng một khi đã qua cửa nhập cảnh thì bạn thành người tự do, đi đâu cũng được, trốn ở lại cũng được, rất ít khi kiểm tra giấy tờ, và nếu thỉnh thoảng có Công an xuất nhập cảnh đi kiểm tra bất ngờ thì họ cũng có toàn bộ thông tin visa trên máy tính, kiểm tra cái là ra, như Anh còn không có cửa xuất cảnh, mở cho một đường tự về nước với những ai ở lậu sau khi đã chán ngán cuộc sống chui lủi. Ở Úc, mình có bằng lái xe nên không bao giờ mang hộ chiếu theo người, đi Nga thì có mang đề phòng kiểm tra nhưng đi với người nhà đâm mất cảnh giác, chẳng mang theo làm gì nhỡ rơi mà đeo lại nặng cổ.

Lúc ấy mình đang vừa huýt sáo, vừa đứng là quần áo bằng hơi nước, phụ cô thay quần áo cho man-nơ-canh, thì bỗng thấy tiếng người lao xao, đột nhiên có một cô chạy xồng xộc vào dãy hàng, kêu thất thanh: “Ômôn, có ômôn đến”. Mình đứng sững người ra một giây thì nghĩ ra OMON là bọn Cảnh sát cơ động của Nga, bọn này đánh người thẳng tay, chuyên đi càn quét dân nhập cư, lôi thôi là nó gô cổ về đồn. Mình vẫn bình chân như vại, thản nhiên là quần áo tiếp. Cô bật dậy hỏi ngay: “Cháu có mang hộ chiếu không?”. Mình sực nhớ ra không mang, nhưng vẫn nói:

– Cô cứ bình tĩnh, cháu có thẻ FAN ID bản online trong điện thoại sẵn đây rồi.
– Không được, cứ phải có hộ chiếu cơ
– Nhìn cháu là họ biết ngay khách du lịch chứ cô lo gì
– Không lằng nhằng, hôm nọ cô vừa bị nó bắt về đồn, buổi chiều chú mày mang hộ chiếu đến mới được về đấy, cô ở đây bao nhiêu năm còn thế, mày giờ bị lôi đi thì mệt lắm. Mày lại còn đang đứng là quần áo nữa.

Lần đầu tiên trong đời, mình bị một quả tình ngay lý gian như thế này. Đúng là mình đang là quần áo thật, chẳng được trả công đồng nào nhưng nhìn vào thì thấy ngay là lao động bất hợp pháp, giấy tờ không có, mà có mang FAN ID thì cũng chỉ là visa du lịch, không được làm việc. Thế là cô mở đường máu cho mình thoát thân bằng cách mở trần nhà, đủn đít cho leo lên gác xép tối om nằm đợi đám giày đinh rầm rập quét qua. Mình nằm cười rinh rích, ở dưới nhà cô vẫn nói vọng lên: “Chưa được đâu nhá, nằm đấy ngủ một giấc cũng được”. Lần đầu trải nghiệm cảm giác trốn quân địch đi càn và lao động bất hợp pháp nó là thế nào.

Lúc sau nóng quá trèo xuống thì có một cô xách làn đi qua bán chè. Lâu lắm mới được ăn cốc chè đỗ vị Bắc đỡ hẳn khát. Ảnh: Đặng Thái.

Hôm nay tan chợ sớm vì chợ khá vắng. Thời tiết nóng lên đột ngột trên 30 độ nhưng có lẽ chỉ được độ một tuần nên hàng mỏng mùa hè cũng không nhập quá nhiều. Trước khi về nhà thì có rẽ qua chợ Việt Nam gần trung tâm để xem. Chợ này là chợ lâu đời nhất, gọi là chợ Bà Côi, vào trong thấy hàng trăm ki-ốt y hệt như các chợ mới xây ở Việt Nam, có lịch sự hơn tí. Ở đây có nhiều gian hàng thuê người Nga bán, là các bà già, phụ nữ trung niên, do đợt trước triều đình xuống chiếu phải thuê người Nga đứng bán, nhằm xoa dịu tình hình kinh tế ảm đạm, thất nghiệp tràn lan, người nước ngoài (tức những người Việt “định cư” ở đây) không được đứng bán hàng.

Nhìn dòng chữ Vietnamski trên mái chợ Bà Côi cũng thấy chút tự hào. Ảnh: Đặng Thái

*

ĐI LX xem WC:

- Đi LX xem WC (bài 1): Tiếng Tác đánh tiếng tộ

- Đi LX xem WC (bài 2): Đêm trắng, xem Pushkin và nghe Tchaikovsky

- Đi LX xem WC (bài 3): Viếng lăng Lê Tiên Hoàng

- Đi LX xem WC (bài 4): Cuộc săn tìm lật đật Nevalyashka

- Đi LX xem WC (bài 5): Xem trứng Sa hoàng, vàng son lộng lẫy

- Đi LX xem WC (bài 6): Bữa sáng mang tâm hồn ăn uống Nga

- Đi LX xem WC (bài 7): Cơm hàng cháo chợ vẫn tâm hồn Nga

- Đi LX xem WC (bài 8): Nhớ mùa hè Kazan

- Đi LX xem WC (bài 9): Cung điện của nhân dân dưới lòng đất

- Đi LX xem WC (bài 10): Đến Tretyakov gặp nhiều cao thủ

- Đi LX xem WC (bài 11): Một ngày không thể “đen” hơn

- Đi LX xem WC (bài 12): Ở nơi hòm thư cũng có máy sưởi

- Đi LX xem WC (bài 13): Chưa thỉnh được kinh, đã chia hành lý

- Đi LX xem WC (bài 14): “Nhà quê” đi chuyến tàu Nga

- Đi LX xem WC (bài 15): Tôi đã lao động bất hợp pháp ở Kazan như thế nào?

- Đi LX xem WC (bài 16): Tiến về Cung điện Mùa đông

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả