Soi học

Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào? 01. 11. 11 - 11:48 pm

GiGi và MM tổng hợp, bình tranh

 

.

Tóm tắt lại một chút:

Achilles đi đánh thành Troy. Mất mát đầu tiên là bị đồng đội Agamemnon cướp người tình. Mất mát thứ hai là bị Hector, con vua Priam thành Troy, giết mất “bồ trai kiêm bạn thân” Patroclus.

Giận dữ, Achilles đi giết Hector rồi buộc xác Hector vào xe ngựa, kéo lê quanh thành.

Vua Priam phải đến xin xác con về.

*

Vua Priam chất đầy lễ vật lên xe rồi một thân một mình sang doanh trại của Achilles bên phía Hy Lạp.

Thần Zeus đã sai thần Hermes biến thành một chàng thanh niên đứng bên cổng doanh trại của Achilles đợi sẵn, đóng giả làm một lính hầu của Achilles.

Trước đó thần Hermes đã dùng chiếc đũa thần hóa phép khiến cho lính canh Hy Lạp ngủ mê mệt, rồi đưa vị vua già vào trong doanh trại.

Vào đến nơi, vị vua già tiến đến trước mặt Achilles – kẻ chỉ bằng tuổi con mình – quỳ xuống ôm lấy đầu gối chàng rồi nói trong nước mắt: “Hỡi người anh hùng Hy Lạp! Xin ngài hãy nhớ tới người cha của ngài, bởi ông ấy già cả như ta nhưng hạnh phúc hơn ta, vì ông ấy vẫn còn có ngài. Còn ta đã mất đi đứa con yêu quý, Hector. Ta đến đây, khẩn cầu ngài hãy kính trọng thần linh, nhận số lễ vật để trao trả thi hài của nó cho người cha già bất hạnh này. Ta là kẻ đáng thương, vì đã làm một việc mà không ai trên cõi đời này dám làm, đó là hôn bàn tay kẻ đã giết con mình!

Lời nói của vị vua già thành Troy khiến Achilles vô cùng xúc động. Chàng đồng ý trao trả thi hài của Hector, đồng thời tuyên bố trong 10 ngày thành Troy làm lễ tang cho Hector, quân Hy Lạp sẽ đình chiến, không tấn công Troy.

Xác của Hector được đưa về Troy và được hỏa thiêu trong một lễ tang trọng thể. Di cốt của chàng được chôn dưới một nấm mồ đá. Hector chết, nhưng cuộc chiến Troy vẫn chưa kết thúc (còn con ngựa thành Troy nữa, bạn nhớ không?).

“Priam trong lều của Achilles”, 1695, của Francesco Solimena (1657- 1747), là một họa sĩ Ý vẽ rất nhiều, rất thành công, có rất nhiều đơn đặt hàng tranh tường, tranh cho nhà thờ; lại có một xưởng họa phình to thành như một học viện, với rất nhiều học trò đi theo trường phái Baroque La Mã mà ông theo đuổi. Tranh của Solimena có đặc điểm là ít những chi tiết cột, kèo, bậc thang…, mà tập trung vào các nhân vật và… vải vóc. Bức tranh nhỏ này (49 x 100cm) là một phác thảo bằng sơn dầu (còn gọi là bozzetto) cho một bức tranh lớn hơn (tuy nhiên bức tranh này về sau đã thất lạc!). Trong tranh, vua Priam (áo khoác đỏ) đang được một người dìu vào gặp Achilles. Bàn tay Achilles đưa ra lễ độ, không như ở một số bức của một số họa sĩ khác, thái độ Achilles rất…. đáng ghét. Nếu không được biết về kích cỡ thật của bức phác thảo này thì chắc không tài nào tưởng tượng được rằng nó lại khiêm tốn đến thế. Người ta có đầy đủ cảm giác khi đứng trước một bức tranh rất to Francesco Solimena thường được ca ngợi như một người vận dụng rất khéo léo màu sắc của bóng tốii. Đối với lịch sử mỹ thuật, đó là một bước tiến.

 

“Vua Priam xin Achilles trả lại xác Hector” do họa sĩ Tân cổ điển Nga Alexander Ivanov vẽ năm 1824. Ivanov nổi tiếng nhất với kiệt tác “Chúa hiện ra trước dân chúng” mà ông phải mất 20 năm mới hoàn tất, nhưng tất cả các phác thảo cho bức tranh này cũng được liệt vào hàng… kiệt tác luôn. Trong bức “Vua Priam…” này, vẻ mặt của các nhân vật rất hay, từ sự lạnh lẽo, kiêu kỳ của Achilles, tới sự nén mình chịu nhún của vua Priam, rồi vẻ mặt dửng dưng bàn chuyện khác của những người đi theo Achilles…. Hãy để ý đến dải khăn trắng vắt trên cái bình đồng – một chi tiết rất nhỏ, tưởng như vô tình nhưng không thể thiếu: nó giống như một điểm chuẩn để cân bằng toàn bộ ánh sáng, bố cục và màu sắc trong bức tranh.

 

“Achilles và Priam”, vẽ năm 1876 của Jules Bastien-Lepage – họa sĩ người Pháp theo chủ nghĩa tự nhiên, sống vào thế kỷ 19. Mượn tích xưa để phô bày vẻ đẹp cơ thể là khuynh hướng của các họa sĩ theo trường phái này (?), nên Lepage vẫn cho Achilles khỏa thân trong một tình huống rất nên mặc quần áo. Bức này của Jules Bastien-Lepage không phải là một bức điển hình của ông. Có lẽ những bức thú vị hơn của ông là những bức vẽ các cô thôn nữ trên những cánh đồng cỏ. Bức này trông giống một bài học cơ bản. Dù thế nào, nó vẫn cho thấy tài nghệ của họa sĩ. Cái mà ông vẽ đạt nhất có lẽ là đám hòa sắc trắng, vàng với khuôn mặt của Priam. Còn nhân vật Achilles thì hơi nhựa, nhất là có cái đầu về tỉ lệ là hơi nhỏ so với thân. Hay là các anh hùng không cần nhiều óc, nhỉ?

 

“Achilles và Priam”, tranh không rõ của họa sĩ nào. Trông tranh như một bài tập để họa sĩ tập vẽ tư thế của thân thể. Phần hòa sắc trong bóng tối bị dính tịt vào nhau, trong khi đó ánh sáng của nền trời đằng sau lại quá mạnh, làm ảnh hưởng tới sự tập trung vào kịch tính trên khuôn mặt Priam. Cả mảng bụng tiếp giáp sườn Achilles là một sự thất bại, trông bè bè ra, dẹp lép. Hay bàn chân trái cũng thế, như teo tóp do phân bổ ánh sáng không tốt. Tuy nhiên vẻ mặt khó xử của Achilles lại rất hay.

 

“Achilles và Priam” của Alessandro Varotari (1588 –1649), thường hay được gọi là il Padovanino, là một họa sĩ Ý cuối trào của trường phái kiểu cách (manerism) và đầu trường phái Baroque. Ông bị ảnh hưởng nặng của Titian, về sau làm thêm nghề copy tranh của các danh họa Phục hưng. Trong tranh này có quá nhiều vải, mà họa sĩ lại không phải là người giỏi về vẽ vải. Trong nghệ thuật điêu khắc Hi Lap, các nếp vải được bố cục rất khéo để tôn lên cơ bắp và sự hoạt động của con người… Còn ở tác phẩm này, những nếp vải quá nặng nề, về màu sắc thì rời rạc, thiếu tự nhiên, hòa sắc không hoạt; ví dụ phần tối của áo choàng màu vàng vua Priam mặc chỉ là màu vàng được pha thêm chút tối để thành vàng đậm hơn, trong khi trên thực tế, một màu vàng khuất trong tối có thể biến thành một màu khác. Nhiều vải thế này thì rất có thể Varotari đã vẽ tranh này theo đơn đặt hàng của một… ông chủ tiệm vải.

 

Một bức tranh không rõ tác giả, có tên “Achilles trưng xác Hector ra trước vua Priam và xác Patroclus”, vẽ vào đầu thế kỷ 19, tại Pháp, hiện trưng bày tại bảo tàng Mỹ thuật Boston. Trong tranh, Patroclus vẫn nằm trên giường (vô lý dễ sợ, nếu tính ngày tháng phân hủy xác). Xác Hector dù bị ngựa kéo nhưng vẫn phẳng phiu (đó là nhờ thần Apollo che chở). Dáng điệu của vua Priam rất đẹp, với lưng còng xuống trong đau buồn của một người cha. Cũng thú vị khi được xem một phiên bản đen trắng như thế này. Nhờ đó ta có thể loại bỏ sự hấp dẫn về màu sắc mà tập trung nhìn vào sắc thái đậm nhạt trong tranh. Các họa sỹ xưa khi xây dựng tác phẩm thường hoàn thiện nó trước bằng đen và trắng rồi sau đó mới phủ màu lên. Tác giả ở đây không còn phụ thộc vào một nguồn sáng cố định mà khá chủ động rọi sáng vào từng nhóm nhân vật và cho chìm đi những gì không quan trọng. Điểm sáng của ngọn nến trở thành điểm để cân bằng lại ánh sáng được rọi vào Hector khi nhân vật này được đặt quá gần mép tranh phía dưới. Tuy nhiên phần hậu cảnh của tranh với những đám mây và cây cọ chỉ làm rối tranh, đồng thời trông như một phông sân khấu. Tính sân khấu càng rõ khi cái xác của Hector như được rọi đèn.

 

“Vua Priam cầu xin Achilles trả xác Hector” của họa sĩ Tân cổ điển chuyên vẽ tích sử người Scotland, Gavin Hamilton, thế kỷ 18. Gần như cả đời sống tại Rome, Hamilton theo đuổi các tích La Mã và Hy Lạp. Ông còn là một nhà khảo cổ học và buôn đồ cổ, nổi tiếng là lương thiện. Trong tranh này, Hamilton không cho thấy trực diện mặt vua Piram, chỉ có dáng quỳ làm người xem thắt cả ruột, phụ trợ bằng những điệu bộ và gương mặt áy náy của những người xung quanh.

 

“Những cảnh đời Achilles”, phù điêu La Mã, làm tại Attica, Hy Lạp, A.D. 180-220, diễn tả cảnh vua Piram đến xin mang xác con về. Theo sau là hai người mang lễ vật. Một bức phù điêu tuyệt vời, nhip điệu thật cân đối và uyển chuyển; cân bằng đến mức khó có thể thêm bất cứ gì vào đó mà không gây hỏng bức phù điêu. Vốn rất giỏi khi ken nhiều lớp nhân vật để tạo chiều sâu, với bức phù điêu này, nghệ sỹ Hi Lạp đã để một khoảng trống lớn trên lưng của vua Priam. Rồi bằng một cây gậy rất mảnh được đặt vào đó, toàn bộ chiều sâu của bức phù điêu nhờ một chi tiết nhỏ vậy thôi đã tạo cho ta cảm giác sự việc diễn ra trong một cung điện lớn. Hãy để ý tới các nếp vải: nó được tạo ra để bổ sung đắc lực cho cơ thể người. Để vải chạy vào, chạy ra và cuốn lấy cơ thể nhân vật là một thủ pháp tuyệt vời để tao chiều sâu không gian cho bức phù điêu.

 

Trong toàn vụ Achilles-Hector, xét theo quan điểm “quân tử” của châu Á thì Achilles hành xử như vậy rất mất điểm. Nhưng xét theo quan điểm tình yêu thì không nói được: Hector đã cướp mất người mà Achilles yêu nhất – chàng Patroclus, thì nay có phanh thây “y” làm 4, 8, 16, hay 32 mảnh cũng không hả giận được. Vả lại, mới sinh ra đã được nhúng trong sông Âm phủ, biết đâu đó cũng là yếu tố khiến Achilles dữ dằn?

Tuy nhiên, quyết định trả xác và ngưng chiến 10 ngày để cho thành Troy làm tang Hector có lẽ là quyết định của… người sáng tác ra thần thoại Hy Lạp. Mà cũng phải để Achilles có chút nhân đạo chứ, sau này đóng phim Con ngựa thành Troy Brad Pitt vào vai Achilles còn có đất để người ta thương!

 

*

Bài liên quan:

– Bài học Chủ nhật: THẦN VỆ NỮ – Gái không mẹ hay kẻ lăng loàn?
– Bài học Chủ nhật: Zeus và cây phả hệ rối ren

– Bài học Chủ nhật: ZEUS – Kẻ cưỡng bức dưới lốt thiên nga và đại bàng

– Bài học Chủ nhật: Hylas – Người tình của Herakles hay của đám tiên sông?

– Bài học Chủ nhật: Venus – một người yêu tốt và một bà vợ tồi (phần 1)

– Bài học Chủ nhật: Vụ đánh ghen của ông chồng Venus

– Bài học Chủ nhật: Ares (Mars) – vị thần không mấy ai thờ

– Bài học Chủ nhật: Hephaestos – Nạn nhân của Zeus hay của Hera?

– Bài học Chủ nhật: Hera: Có phải là Hoạn Thư của tích Hy Lạp cổ?

– Bài học thứ Tư: Cuộc thi hoa hậu đầu tiên và sự nhanh trí của thần Zeus

– Bài học thứ Tư: Paris chấm thi, hay vụ mua giải lớn nhất thế gian

– Bài học Chủ nhật: Athena thông minh nhờ chui từ đầu cha ra?

– Bài học Chủ nhật: Athena đọ sức Poseidon – Khi biển cả thua cây ô-liu

– Bài học thứ Tư: Râu ria quanh thành Troy – trước khi đánh nhau vỡ đầu

– Bài học Chủ nhật: Helen – Thảm họa chân dài

– Bài học thứ Tư: Gót chân Achilles hay sai lầm của một bà mẹ đoảng

– Bài học Chủ nhật: Poseidon – Nổi tiếng vì có vợ đẹp

– Bài học thứ Tư: Odysseus giả điên, Achilles giả gái

– Bài học Chủ nhật: Mars, Phryne, và vụ cởi truồng trước tòa án

– Bài học thứ Tư: Achilles rút lui hay anh hùng (thì luôn) giận nhau vì gái

– Bài học Chủ nhật: Iphigenia: Một vụ tế (hụt?) dẫn tới nhiều vụ giết người

– Bài học thứ Tư: Achilles ra trận – Khi con quyết đánh nhau thì mẹ phải làm gì?

– Bài học Chủ nhật: Artemis: Trinh nữ hay cũng mê gái giống bố?

– Bài học thứ Tư: Khi Achilles yêu quá hóa ác

– Bài học Chủ nhật: Artemis – Giới tính gì thì cũng gây nhiều đau khổ

– Bài học thứ Tư: Vua Priam xin xác con như thế nào?

– Bài học Chủ nhật: Apollo – Thần của lắm thứ, kể cả bệnh đau tim

– Bài học Chủ nhật: Vòng nguyệt quế của Apollo – Tại ghét đàn ông hay tại “thằng” Cupid?
– Bài học Chủ nhật: Chín nàng thơ – Biểu tượng của văn minh, nghệ thuật, nhưng hay bị vẽ sai

– Bài học Chủ nhật: Hestia – Trinh nữ xịn thì hay ở trong nhà

– Bài học thứ Tư: Đám con lai các thần giết nhau, để cậu con nhà trần kết thúc

– Bài học Chủ nhật: Ariadne – Vớ được chồng tốt nhờ bị bồ bỏ

– Bài học Chủ nhật: Hades – Cai quản địa ngục, nhưng quậy phá mặt đất

– Bài học Chủ nhật: Dionysus – Bợm nhậu chính hiệu

– Bài học Chủ nhật: Demeter cứu con gái khỏi địa ngục – hay sự tích xuân hạ thu đông

– Bài học thứ Tư: Odysseus – Kẻ có lắm mẹo vặt chết người
– Bài học thứ Tư: Chết lãng xẹt chỉ vì bộ giáp!

– Bài học thứ Tư: Anh hùng chớ lấy vợ ghen

– Bài học thứ Tư: Nọc rắn, nọc phụ nữ, nọc nào cũng chết

Ý kiến - Thảo luận

23:04 Monday,23.2.2015 Đăng bởi:  Nguyễn Đức Lân
Vụ xác của Patroclus không bị phân hủy thì mình đọc được là nữ thần Thetis mẹ Achilles đã sử dụng một thứ dược phẩm nào đó để giữ cho thi thể của anh ta nguyên vẹn mãi mãi, chứ không phải họa sĩ vô ý đâu
...xem tiếp
23:04 Monday,23.2.2015 Đăng bởi:  Nguyễn Đức Lân
Vụ xác của Patroclus không bị phân hủy thì mình đọc được là nữ thần Thetis mẹ Achilles đã sử dụng một thứ dược phẩm nào đó để giữ cho thi thể của anh ta nguyên vẹn mãi mãi, chứ không phải họa sĩ vô ý đâu 
13:51 Sunday,24.8.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Hạnh Quyên
Không biết Soi có chú ý đến 3 chị em tiên nữ Hesperides - người bảo vệ cây táo vàng do thần đất mẹ Gaia tặng vợ chồng thần Zeus và Hera nhân ngày cưới của họ không ? Có bản Hy Lạp bảo "bộ ba nguyên tử" Hesperides là con của nữ thần bóng đêm Nyx và thần chốn tối tăm vĩnh cửu Erebus. Bản lại bảo Hesperides là con của nữ thần Nyx và thần Titan tên là Aslas. Liveakute ch
...xem tiếp
13:51 Sunday,24.8.2014 Đăng bởi:  Nguyễn Hạnh Quyên
Không biết Soi có chú ý đến 3 chị em tiên nữ Hesperides - người bảo vệ cây táo vàng do thần đất mẹ Gaia tặng vợ chồng thần Zeus và Hera nhân ngày cưới của họ không ? Có bản Hy Lạp bảo "bộ ba nguyên tử" Hesperides là con của nữ thần bóng đêm Nyx và thần chốn tối tăm vĩnh cửu Erebus. Bản lại bảo Hesperides là con của nữ thần Nyx và thần Titan tên là Aslas. Liveakute chỉ tin vào bản thứ hai : Hesperides là con của Aslas thôi. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả