Trường phái

Tranh cổ Nhật Bản: tích Benkei trộm chuông chùa Mii 17. 03. 17 - 11:59 pm

Hieniemic

Đây là bài thứ hai về chiếc chuông chùa Mii trong tranh cổ. Bài trước đã nói về sự tích chiếc chuông. Bài này xin nói về một sự kiện trong tích cũ của Nhật cũng liên quan tới quả chuông: tích Benkei trộm chuông.

Chùa Mii nằm dưới chân núi Tỉ Duệ (Hiei), thuộc phái Tự Môn. Chùa Enryaku (Diên Lịch) nằm trên núi Tỉ Duệ, thuộc phái Tam Môn. Hai chùa này đều lớn, đều là chùa Thiên Thai Tông, và đã tị nạnh, đánh nhau suốt mấy trăm năm để tranh giành ảnh hưởng.

Benkei là một tăng binh của chùa Diên Lịch núi Tỉ Duệ. Ông nổi tiếng sau này vì theo hầu Minamoto no Yoshitsune, vị tướng của nhà Minamoto trong cuộc chiến tranh Genpei vào thế kỷ 12 giữa hai nhà Minamoto và Taira. Nhưng tích sắp kể dưới đây là khi ông còn là một tăng binh ở chùa Enryaku. Người ta đồn ông là con rơi của thần Sấm, và từ khi sinh ra đã có sức khỏe hơn người.

Tranh vẽ Benkei của Kikuchi-Yosai

Trong một đợt gây lộn giữa tăng binh hai chùa, vì quá tức tối, Benkei đến chùa Mii vác chiếc chuông về. Một mình ông kéo chiếc chuông nặng cả ngàn cân này về chùa Enryaku trên núi Tỉ Duệ.

Utagawa Kuniyoshi, Benkei kéo chuông chùa Mii lên núi Hiei

Ta có thể thấy Benkei được vẽ trong tranh khi còn trẻ, đầu không cạo tóc, cơ bắp cuồn cuộn.

Chi tiết bàn tay Benkei và móc chuông hình rồng

Hai người đứng ở đằng xa nhìn là Yoshitsune (ở đây ghi theo tên thuở nhỏ là Ushiwakamaru) và người tùy tùng lúc đó là Yoshioka Kisanta. Theo tích thì Benkei sẽ về hầu dưới trướng Yoshitsune sau này, sau khi bị Yoshitsune đánh bại trên cầu.

Chi tiết tranh

Chi tiết cành thông rủ xuống ở góc trái tranh

Sau khi bị mang về chùa Enryaku, quả chuông không còn kêu hay như ở chùa Mii nữa. Mỗi khi đánh vào, chuông chỉ kêu lên tiếng nghe giống như “Trả ta về chùa Mii”. Tức mình, Benkei đá chiếc chuông lăn xuống núi trở về chùa Mii.

Còn đây là một bức khác, cùng chủ đề, của Toyohara Chikanobu, họa sĩ ukiyo-e thời Minh Trị:

Chùa Mii và quả chuông hiện nay vẫn còn. Còn tăng binh chùa Enryaku về sau bị Oda Nobunaga thảm sát và đốt chùa trong đợt tấn công núi Tỉ Duệ. Nhưng đó là câu chuyện khác.

*

Tranh cổ Nhật Bản:

- Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige với “Đồng lúa ở Asakusa và hội Torinomachi”

- Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi với “Tào Tháo ngắm trăng lên sau núi Nam Bình”

- Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige với “Pháo hoa ở Ryōgoku”

- Tranh cổ Nhật Bản: Bắt cá trê bằng quả bầu, và kỹ nữ đánh đập cá trê

- Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi và ba bức tranh trăng

- Tranh cổ Nhật Bản: cảnh công viên Ueno trong tranh sắc đỏ aka-e và tranh sắc xanh aizuri-e

- Tranh cổ Nhật Bản: Tsukioka Yoshitoshi với “Trăng ở phố đèn đỏ”

- Tranh cổ Nhật Bản: Utagawa Hiroshige và “Anh đào đêm ở Phố giữa của Yoshiwara”

- Tranh cổ Nhật Bản: hai bức về anh đào đêm và chút phụ lục về Geisha

- Tranh cổ Nhật Bản: Tawara Tōda mang ba món quà từ Long cung thành trở về

- Tranh cổ Nhật Bản: tích Benkei trộm chuông chùa Mii

- Tranh “cổ” Nhật Bản: “tân bản họa” với mỹ nhân của Itō Shinsui

- Tranh “cổ” Nhật Bản: Mỹ nhân “cũ” và mỹ nhân “mới”

- Tranh cổ Nhật Bản: “Sóng lừng” của Hokusai

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 1): Vẽ samurai gặp quỷ

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 2): 14 tuổi vẽ trận hải chiến

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 3): Vẽ dũng tướng để nhớ một thời đại

- Tsukioka Yoshitoshi (bài 4): Người tài máu me và sa đọa

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả