Tạp hóa - Xã hội

Trâm anh thế phiệt 26. 04. 17 - 7:40 am

Trịnh Bách

Một đêm trăng tròn cuối Xuân năm Tân Dậu (1921), mọi tâm ý trong gia trang của cụ Đông Các trí sỹ Vũ Quang Nhạ ở Trung Lao, Nam Định đều dồn về việc chào đón người con của quan Tri phủ Vũ Ngọc Thúy, con trai cụ Đông Các, sắp chào đời.

Cụ Đông các Vũ Quang Nhạ

Đông Các Đại học sỹ Vũ Quang Nhạ là một trong số rất ít các quan lại Công giáo Bắc Hà đạt đến địa vị tứ trụ triều đình thời cuối triều Nguyễn. Sau khi đã kinh qua nhiều chức, tước, cụ về trí sỹ ở cố quận. Tại đây cụ giúp việc xây dựng ngôi nhà thờ Trung Lao nổi tiếng cho đến ngày nay.

Nhà thờ Trung Lao, Nam Định

Đứa trẻ đã ra đời. Một tiểu thư. Đấy là em họ con cô của mẹ tôi. Hai bà thân nhau hơn chị em ruột, và suốt đời chuyện gì cũng có nhau. Thật ra tôi phải gọi cô bằng dì, nhưng các nhà thế gia ngoài Bắc thời ấy có thói quen gọi em gái của mẹ là cô. Mẹ tôi kể rằng cô Vũ Thị Hòa Vân, vị tiểu thư mới chào đời đó, từ khi lọt lòng đã mặt hoa da phấn, mắt phụng mày ngài. Nhiều người tưởng tiểu thư tiền đồ có khi phải đến bậc phi, hậu.

Cô Hòa Vân

Tiểu thư thừa hưởng nhan sắc quý phái từ thân mẫu của mình. Phu nhân ông Phủ Thúy nguyên là tiểu thư Nguyễn Thị Ngọc Tú, con gái thứ 6 của Binh Bộ Thượng thư Nguyễn Hữu Toản, hiệu Tây Đình. Bà Ngọc Tú cũng một thời nổi tiếng sắc nước hương trời.

Song thân cô Hòa Vân

Giòng Nguyễn Hữu (nguyên là Nguyễn Hựu thời Vua Gia Long) là một nhánh cổ của Hoàng gia Nguyễn ở Huế. Đây là hậu duệ các con cháu của Chúa Nguyễn Hoàng ở lại Bắc Hà để làm tin với nhà Lê, Trịnh ngày xưa.

Trong một khoảng thời gian ngắn, sau khi người Pháp đã chiếm thành Hà Nội, phần đất còn lại phía Tây của tỉnh Hà Nội cũ được gọi là tỉnh Hà An. Cụ Thượng thư Tây Đình được triều đình cử làm tổng đốc tỉnh mới. Năm 1896 triều đình Huế đổi tên tỉnh này thành Hà Đông, và cụ là tổng đốc đầu tiên của tỉnh mới. Mãi đến năm 1905 người Pháp mới công nhận hành chính tỉnh Hà Đông.

Vì bị liên lụy đến phong trào Cần Vương của cụ Đề Thám, cụ Thượng Tây Đình từ chức năm 1898 và xây ngôi chùa Hồng Liên ở xã Tây Mỗ, Hà Đông. Rồi cụ sống ở đó đến cuối đời.

Cụ Thượng thư Tây Đình ngồi giữa (1895)

Các tiểu thư khuê các ngày xưa bị trui rèn công, dung, ngôn, hạnh rất khắt khe. Mẹ tôi kể rằng nhiều khi các tiểu thư bị thử thách bằng cách phải mặc 3 lớp áo dài khi ngủ mà sáng dậy áo không được nhăn. Chuyện bếp núc, cỗ bàn thì là lẽ đương nhiên và bắt buộc trong các nhà thế gia ngày xưa. Đấy cũng là một hình thức khoa trương. Vì chỉ có họ mới có đủ điều kiện để học hỏi cách nấu nướng, cũng như sắm sửa các thực phẩm đắt hiếm, cho các món cỗ bàn trân quý. Cô Hòa Vân không ra khỏi lệ đó. Chẳng thế mà cô Tuyết Vân, em gái cô, cũng một thời quốc sắc thiên hương, từ bao thập kỷ nay vẫn là hiệu trưởng của một trường nữ công tư thục nổi tiếng trên đường Bà Triệu, Hà Nội.

Mộ cụ thượng Tây Đình và chùa Hồng Liên ở làng Tây Mỗ, Hà Đông

Từ khi chập chững biết đi, cô Hòa Vân lúc nào cũng tươi cười như hoa hàm tiếu. Khi cô cười mắt cô cũng cười. Người ta bấy giờ lại cho là cô hay cười tươi thế thì không đủ trang nghiêm để làm bậc mẫu nghi được. Nhưng cô sẽ hưởng số ung dung, dù đời người sinh vào tuổi có can Tân thường lắm gian truân.

Người vui tươi khoáng đạt như cô tôi không bao giờ có thể cho phép mình bị ràng buộc bởi các cổ lệ của giới trâm anh. Cô Hòa Vân sống rất mới so với các tiểu thư đương thời. Cô không bao giờ nhuộm răng đen, và cô uốn tóc từ khi rất trẻ. Quần áo, trang sức thì cái gì thời thượng và có thẩm mỹ cao là cô chấp nhận ngay. Chỉ trước khi thành hôn, cô mới cố gắng khoác lên cái nếp cũ một tí, gọi là để chiều nhà chồng. Cô không uốn tóc nữa, nhưng cũng chỉ vấn tóc trần lưỡi trai thôi chứ chưa bao giờ đụng đến cái khăn. Một thời gian sau buồn cười quá, cô lại thôi.

Khoảng cuối năm 1938, ngay trước Thế chiến, ông họa sỹ có tiếng tên là Nguyễn Cát Tường ở Phố Hàng Da, Hà Nội, có sáng kiến muốn cải tiến cái áo dài năm thân cổ truyền đi, cho hợp với nền văn hóa Tây Phương đang tràn ngập lúc đó. Ông đặt tên cho kiểu áo mới của ông là Lemur, do tên Tường của ông dịch ra tiếng Pháp. Áo dài Lemur lúc đầu bị xem là táo bạo vì dám để hở cổ, có khi hở tay và để lộ lưng, cho nên chỉ có các cô tân tiến lắm mới dám mặc. Ông Cát Tường phải thuyết phục cô Hòa Vân mặc tác phẩm mới của ông, vì ông biết nếu Hòa Tiểu thư khoác cái gì lên người, cái ấy sẽ thành thời trang.

Luôn có ý tưởng cách tân, cô Hòa Vân nhiệt tình chấp nhận, và quả nhiên áo dài Lemur được phổ biến nhanh chóng.

Cô Hòa Vân trong áo dài Lemur (1938)

Dĩ nhiên các vương tôn, công tử trong triều, ngoài quận lượn lờ ngày đêm quanh nhà Hòa Tiểu thư. Nhưng cô phớt lờ tất cả. Mãi đến khi mẹ tôi giới thiệu cậu em con cậu của mình là công tử Vũ Thiện Đản, cô chấp nhận.

Cậu Vũ Thiện Đản (1940)

Chỉ là một kỹ sư giản dị, nhưng cậu hào hoa, quân tử. Cậu là cháu nội của cụ Vũ Cẩn, Tuần phủ Bắc Ninh. Cụ Vũ Cẩn thường được người đương thời gọi là cụ Tuần Đồng Lạc hay cụ Tuần Hàng Đào.

Cụ Tuần Hàng Đào Vũ Cẩn

Một bà tổ năm đời của cụ Tuần Hàng Đào là Nữ soái Vũ Thị Liên, thứ thất của vị Đô đốc Tây Sơn Trần Quang Diệu. Bà đã chỉ huy một đội quân, bên chồng và chính thất Bùi Thị Xuân xông pha chiến trận. Sau bà bị Vua Gia Long cho thiêu sống giữa chợ ở Thăng Long để thị chúng. Nhà cũ của cụ Tuần nay là tiệm vàng Bảo Tín ở địa chỉ 54 Hàng Đào, Hà Nội.

Thật ra cậu Vũ Thiện Đản cũng chinh phục được cô Hoà Vân nhờ khiếu văn chương thơ phú của mình. Cậu là em con chú của ông Vũ Ngọc Phan, tác giả quyển Nhà Văn Hiện Đại.

Xuất thân từ một gia đình theo Công giáo gốc, với mấy người em gái vào giòng tu kín bên Vatican, cô Hòa Vân đã vì tình yêu mà tình nguyện quy y lấy pháp danh theo về đạo Phật của nhà chồng.

Rồi thế sự thăng trầm. Thế gia vọng tộc cũ không còn phong lưu nữa từ Cách Mạng tháng Tám. Với đồng lương công chức khiêm tốn của chồng, cô Hòa Vân vẫn ung dung, tự tại nhờ tài vén khéo và nữ công. Và cô vẫn luôn giữ nụ hàm tiếu đó trong mọi hoàn cảnh. Một hôm trong lúc chiến tranh loạn lạc hồi cuối thập niên 1960, cô tươi cười kể với mẹ tôi, “tối ấy đạn và mảnh đạn đại bác vào đầy phòng khách nhà em. Mà có sao đâu…” Cô Hòa Vân là như thế đó.

Vợ chồng cô Hòa Vân trong ngày hôn lễ của con gái út

Gia đình cô Hòa Vân lúc nào cũng ấm êm hạnh phúc. Cậu luôn hòa nhã, bảo bọc. Cô thì vui buồn cũng một nụ cười. Ngay cả khi cậu rời cô và cõi đời ở tuổi bát tuần, dù ruột cắt bên trong, cô vẫn trấn an, yên ủi con cháu bằng nụ cười hiền dịu ấy. Nhà sử học Mai Khắc Ứng, trong những năm tháng cuối của cô, đã than rằng, “thật là đáng tiếc nếu giới trẻ bây giờ không biết được cụ Hòa Vân, và gia phong hiếm có của gia đình cụ, để học phong cách sống.”

Cô Hòa Vân 2007

Và cô Hòa Vân lúc nào cũng tươi vui, ung dung như thế cho đến khi cô từ giã cõi tạm này ngày 11 tháng 08 năm 2008 ở Montreal, Canada.

*

Các bài tương tự của cùng tác giả:

- Nguồn gốc các mũ Phật giáo phổ thông ở Việt Nam

- Tết Trung thu

- Lễ phục Việt Nam, bài 1: Âu phục?

- Lễ phục Việt Nam một thời: Áo dài

- Tết người Bắc ở Sài Gòn xưa

- Áo dài Việt: từ năm thân tới hai thân

- Vẽ lại chân dung các vua triều Nguyễn: cần kỹ lưỡng, không nên tùy tiện

- Ăn vặt đơn giản: mía ướp hoa bưởi

- Cháo Huế

- Về nền văn hóa Hán Nôm

- Trâm anh thế phiệt

- Áo dài Cát Tường

- Những điều thất truyền: từ “con đĩ đánh bồng” tới chiếc đèn lồng màu đỏ

- Phuở ê! Phuở ê!

- Hủ tiếu và Tả pín lù

- Bát chiết yêu

- Khôi phục đồ chơi Trung Thu cổ truyền

Ý kiến - Thảo luận

21:15 Monday,13.6.2022 Đăng bởi:  Luong Le Huy
cô Hòa Vân di cư vào Nam, có  con gái là Luật sư và vượt biên sang Canada sau 75, rồii bảo lãnh cô Hòa Vân
...xem tiếp
21:15 Monday,13.6.2022 Đăng bởi:  Luong Le Huy
cô Hòa Vân di cư vào Nam, có  con gái là Luật sư và vượt biên sang Canada sau 75, rồii bảo lãnh cô Hòa Vân 
0:52 Tuesday,25.2.2020 Đăng bởi:  Lương Phước hậu
Xin cho biết về hành trạng và năm sinh mất Thượng thư Nguyễn Hữu Toản trên ,,,,cảm ơn
...xem tiếp
0:52 Tuesday,25.2.2020 Đăng bởi:  Lương Phước hậu
Xin cho biết về hành trạng và năm sinh mất Thượng thư Nguyễn Hữu Toản trên ,,,,cảm ơn 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả