Đi & Ở

Đi LX xem WC (bài 1): Tiếng Tác đánh tiếng tộ 27. 03. 19 - 1:01 pm

Đặng Thái

Thân tặng các bác Dilletant, Lex, Thành Lê, Ba Toác, Le nhaque, Đinh Rậu và Ở Gậm Cầu

Khi bàn nhau về du lịch tự túc, nói đến hai bác hay bỏ phiếu chống ở Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, ai cũng có chút ngài ngại. Không phải vì hai nước này có KGB hay Hoa Nam Cục mà đơn giản là vì tiếng Anh không phải là ngôn ngữ phổ biến ở đây, nếu không biết tiếng thì tự đi tương đối khó. Đấy là người ta nghĩ thế, kháo nhau thế. Sự thực thì với người thích khám phá, ở đâu và nói tiếng gì cũng đi được hết, và như vậy mới thú vị, mới còn cái cảm giác nguyên sơ trước buổi bình minh của ngành công nghiệp du lịch.

Gần đây người Việt Nam bùng nổ việc đi du lịch, lướt facebook ngày thường hay ngày lễ thì cũng thấy người ta đi du lịch nước ngoài nước trong như vũ bão. Mình đặc biệt khó chịu khi thấy những người, kể cả một số đi nhiểu trên diễn đàn Phượt, kêu than và dè bỉu về việc ở nước này nước nọ người ta không nói tiếng Anh. Họ mặc nhiên nghĩ rằng cả thế giới phải nói tiếng Anh để phục vụ khách du lịch như họ. Mình chưa bao giờ có ý muốn đi Venice, và sau khi đọc những thông tin về overtourism (du lịch “tràn lan”) ở Venice với những dòng chữ người dân viết trên tường như “Fuck Airbnb” hay “Tourist go home” thì lại càng không bao giờ muốn chen chân đến đấy. Nước Pháp có hơn 65 triệu dân mà mỗi năm gồng gánh hơn 86 triệu khách quốc tế thì khách hỏi tiếng Anh, dân Paris cố tình trả lời tiếng Pháp cũng là dễ hiểu. Càng đi nhiều, càng thấy về cơ bản người địa phương bình thường ở đâu cũng dễ mến cả, nhưng với nhiều người Việt, trả tiền cắt cổ đi tour đến một đất nước bắt buộc người ta phải đi tour và hạ cánh xuống một sân bay nguy hiểm nhất thế giới ở Bhutan thì mới có số má chứ đi Trung Quốc chẳng hạn thì nhìn cái gì cũng ghét (mà vẫn đi). Đúng là:

Yêu nhau yêu cả đường đi
Ghét nhau ghét cả quốc kì quốc ca

Tương tự với nước Nga, khi nghe thấy mình lên kế hoạch đi Nga, đồng nghiệp, bạn bè ở Úc đều lắc đầu lè lưỡi, mà người Úc đã là dạng đi nhiều, đầu óc cởi mở, dĩ nhiên đi Mỹ đi Anh đi Bali là chủ yếu. Sở dĩ có nhiều định kiến như thế, không chỉ vì báo chí phương Tây vẽ vời mà còn bởi Nga và Trung Quốc vẫn còn đóng cửa với thế giới. Còn khép kín thì dân còn ít nói tiếng Anh chứ không phải vì “Trung Quốc nó không thèm nói tiếng Anh” như người ta vẫn truyền miệng.

Chuyến đi Nga lần này khá đặc biệt, một phần nhằm hiện thực ước mơ của bố mình từ thời trẻ. Một chuyến đi mà giải quyết được mấy ước ao suốt mấy mươi năm: đi thăm Liên Xô vĩ đại này, đi xem một lần World Cup này, và thăm cô em gái “định cư” ở Nga đã mấy chục năm.

Bố mình học tiếng Nga bậm bõm ở đại học, học xong, sách kỹ thuật vẫn chả đọc được. Mẹ mình suốt những năm phổ thông học tiếng Pháp, là thứ tiếng không ai quan tâm. Vẫn còn may hơn ông chú học tiếng Anh, cái thứ tiếng gì mà nước nào nói cũng theo tư bản cả, thời ấy không ai muốn cho con học. Rồi khi mình lớn lên thì các cô giáo dạy tiếng Nga lại quay sang học bổ túc tiếng Anh hết cả. Vì thế nên khi còn bé mình đọc toàn Balzac, Alphonse Daudet, cha con Dumas, học lớp 3 đã đọc Viên Mỡ Bò của Maupassant mới chết. Lớn lên thì dĩ nhiên có đọc Chekhov, Tolstoi, Turgenev nhưng nói vậy để thấy rằng nền tảng văn học Nga với mình không được sâu sắc như nhiều người khác, bù lại mình được cảm nhận nước Nga bằng cái nhìn khách quan hơn, đón nhận tất cả một cách tự nhiên nhất không định kiến.

*

Phong bì thư gửi FanID (thẻ vào sân vận động kiêm giấy miễn thị thực) từ Nga đến nơi, trên phong bì chỉ có tiếng Nga và mấy dòng tiếng Pháp. Giống như hộ chiếu Liên Xô và hộ chiếu Việt Nam trước năm 90, chỉ có tiếng Pháp. Một thế giới nói không tiếng Anh (và cả tiếng Pháp) dần hiện ra.

Phong thư từ nước Nga. Ảnh: Đặng Thái

Vậy đi Nga mà không biết tiếng Nga thì thế nào? Dĩ nhiên là vẫn đi được nhưng bất tiện. Chuyến đi sẽ chỉ qua nhà cô ruột có mấy ngày là có “hướng dẫn viên địa phương” nên còn lại là phải tự chiến đấu. Bây giờ ai cũng có điện thoại thông minh, Google Translate thì tiện lợi rồi nhưng không phải lúc nào cũng hữu ích, vì có khi điện thoại hết pin hoặc muốn dịch từ tiếng Nga thì… chịu! Vậy nên mình quyết định mày mò học bảng chữ cái Nga, đặt mục tiêu biết đọc biết viết những chữ đơn giản. Và biết chữ Nga nhanh chóng trở thành một lợi thế không ngờ.

Fan ID của tôi với tên viết bằng hai thứ chữ. Fan ID cũng là một món quà lưu niệm độc đáo khi đi Nga dịp này. Ảnh: Đặng Thái

Ông nào làm ra bảng chữ cái Nga rõ ràng là bị say rượu vodka! Ai đang viết chữ la-tinh mà chuyển sang chữ ki-rin của Nga chắc đều nói thế. Tiếng Nga đại khái cũng đọc sao viết vậy, nhưng rất dễ nhầm, nhất là với nước mình đã quen đọc sao viết vậy kiểu la-tinh, bản thân mình học tiếng Nga qua tiếng Anh lại càng chết. Chữ H là chữ N, chữ П là chữ P, chữ P là chữ R, chữ C lại là chữ S. Nên muốn học nhanh thì phải có mẹo, chia các chữ thành 4 loại:

– Viết giống La-tinh, đọc giống La-tinh
– Viết giống La-tinh, đọc khác La-tinh
– Viết khác La-tinh, đọc giống La-tinh
– Viết khác La-tinh, đọc khác La-tinh

Cũng mướt mồ hôi các bác ạ, nhưng một khi đã thuộc rồi thì đi tàu xe, xem thực đơn, đọc tên phố, đặt taxi qua app không thành vấn đề nữa.

Bảng chữ cái tiếng Nga. Học thuộc chữ in hoa đã mắc mệt, chữ in thường mới càng gian truân. Chữ T mà viết thường là chữ m thì cũng đến lạy ông nào nghĩ ra bộ chữ này.

Du lịch thời công nghệ nó cũng khác trước. Ở các thành phố Nga bây giờ không thể nào gọi được taxi bằng cách đứng bên đường vẫy nữa. Xe dừng lù lù trước mặt mà lái xe không chở, họ chỉ nhăm nhăm nhìn vào cái điện thoại, nên muốn đi taxi thì phải gọi tổng đài hoặc dùng app điện thoại. Gọi tổng đài thì rất bí vì không biết nói, nhờ được ai gọi thì tốt, nên cách dùng app là thuận tiện nhất. Dùng app vừa đến được chính xác địa điểm, taxi biết chính xác chỗ mình đứng và lại có báo giá rõ ràng trước khi đi không lo lừa đảo. Có điều dùng những app tiếng Anh như Uber thì nhiều khi không tìm được điểm đến bằng tiếng Anh, xe thì ít và giá thì… dành cho người nước ngoài. Kể cả app Yandex của Nga cũng vẫn đắt. Mình dùng app Ru taxi có tiếng Anh nhưng điểm đến thì phải nhập bằng tiếng Nga, chỉ cần chọn bàn phím điện thoại tiếng Nga và đánh địa điểm hoặc dò thủ công địa điểm trên bản đồ là được, giá rẻ hơn rất nhiều. Đi từ trung tâm Saint Peterburg ra đến Cung điện mùa hè Peterhof hơn 35km có 800 rúp (300k VND).

Giao diện app gọi xe nó nửa nạc nửa mỡ thế này nhưng xe tương đối nhiều. Ảnh chụp màn hình: Đặng Thái

Biết chữ rồi thì đọc được kha khá, rất nhiều từ mượn của tiếng Anh, chỉ khác mặt chữ thôi và càng học càng nhanh, vì nhìn mãi rồi cũng quen mặt các chữ lối ra, lối vào, thang máy, hiệu thuốc, quán ăn, toa lét, cấm đái bậy v..v.. dù không hề học trước. Nói đến công nghệ thì từ điển trên smartphone cũng là một công cụ tuyệt vời nữa của thời đại mới. Chỉ có điều các app từ điển Việt-Nga thì chất lượng quá tồi tàn nên tốt nhất là trang bị từ điển Anh-Nga, muốn từ gì có từ nấy, chính xác.

Các bạn Tây đi Nga thì sợ nhất là dân Nga lạnh lùng, hỏi không trả lời. Thực tế là có hiểu gì đâu mà nói. Mình chỉ giắt túi một câu, ngày nào cũng phải tụng đi tụng lại không quên là Bы понимаете по английский? (Vưi pa-nhi-mai-i-ti pa Ăng-lít-sờ-ki?) nghĩa là các bác có hiểu tiếng Anh không. Đằng nào thì câu trả lời cũng là “Niết” (Không) hoặc “Chút chút” nhưng mà như câu thần chú, người ta thay đổi thái độ hẳn, tìm mọi cách giúp mình. Nghệ thuật hỏi đường nằm ở chỗ ấy.

Nước Nga là một nước đa chủng tộc, có rất nhiều dân tộc và ngôn ngữ khác nhau nhưng may mắn là tiếng Nga ở đâu người ta cũng hiểu. Người ta thường nói học một ngoại ngữ đã chết nói gì hai. Đấy là quan điểm rất sai lầm, vì tôi đã được gặp rất nhiều nhân chứng, không chỉ riêng cậu em họ của tôi. Em họ tôi sinh ra ở Kazan, thủ đô của nước Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga, ở đây tiếng Nga và tiếng Tatar (người Việt gọi là tiếng Tác) được sử dụng đồng thời trong văn bản hành chính nên trẻ con đều phải học cả hai thứ tiếng. Nước Nga bước sang thời kì Đổi mới, các trường có môn tiếng Anh. Và cậu em tôi còn phải cố gắng hơn các bạn cùng trang lứa là phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Thế là thời thế làm thằng bé tự nhiên biết bốn thứ tiếng. Các bạn người Nga, người Tác của nó cũng tằng tằng ba thứ tiếng. Người Tác theo đạo Hồi, ai muốn đọc kinh Quran nguyên bản thì biết cả tiếng Ả Rập là bốn. Dĩ nhiên tiếng Nga là dễ học nhất nên ai cũng thạo hơn các tiếng còn lại. Cậu em tôi dịch con lật đật tiếng Nga là “con không thể ngã” vẫn còn hơn khối đứa bạn học. Cô tôi đi họp phụ huynh, mấy bà người Tác gật gù bảo: “Người Việt Nam giỏi thật, con chị tiếng Tác được 5 điểm, con nhà chúng em được có 3!”. Vậy nên mình rút ra được một bài học, với trẻ con, bao nhiêu thứ tiếng chúng nó cũng học được hết, không cần phải là thần đồng. Quan trọng là bố mẹ có quyết tâm cho con học không, có quyết tâm dạy tiếng Việt không.

Cảnh báo bằng hai thứ tiếng trên metro ở Kazan. Tiếng Nga ở trên, tiếng Tác ở dưới (dòng chữ nghĩa là “không được dựa lưng vào cửa kính”)

Còn mình thì học không đến đầu đến đũa, nên tí nữa thì mất buổi xem hát. Số là xem bản đồ thấy Nhà hát Lớn Bolshoi ở gần ga tàu điện ngầm nên còn lang thang mãi. Gần đến giờ biểu diễn, chui lên khỏi ga thì cơ man là người, hàng quán dã chiến dựng lên phục vụ World Cup chặn hết các ngả không rõ đi hướng nào. Rất may là do World Cup nên có đội ngũ tình nguyện viên đông đảo đến từ các trường đại học biết nói tiếng Anh. Nhưng hỏi đến người thứ ba vẫn không ai biết cái Nhà hát Bôn-sôi, Buôn-xôi là cái gì. Hóa ra cái chữ “o” khi có trọng âm thì mới đọc là “o”, còn không thì phải đọc là “a” như Moskva đọc là Mát (xcơ-va). May quá đến em tình nguyện viên xinh đẹp (và thông minh) thứ tư thì em ấy đã hiểu ra vấn đề và chỉ cho cái Nhà hát Ban-sôi, Bán-xôi to như cái đình ở sau lưng. Chỉ tại mấy bác dịch giả, phiên sang tiếng Anh, chữ o nào cũng giống chữ o nào!

(Còn tiếp bài 2)

*

ĐI LX xem WC:

- Đi LX xem WC (bài 1): Tiếng Tác đánh tiếng tộ

- Đi LX xem WC (bài 2): Đêm trắng, xem Pushkin và nghe Tchaikovsky

- Đi LX xem WC (bài 3): Viếng lăng Lê Tiên Hoàng

- Đi LX xem WC (bài 4): Cuộc săn tìm lật đật Nevalyashka

- Đi LX xem WC (bài 5): Xem trứng Sa hoàng, vàng son lộng lẫy

- Đi LX xem WC (bài 6): Bữa sáng mang tâm hồn ăn uống Nga

- Đi LX xem WC (bài 7): Cơm hàng cháo chợ vẫn tâm hồn Nga

- Đi LX xem WC (bài 8): Nhớ mùa hè Kazan

- Đi LX xem WC (bài 9): Cung điện của nhân dân dưới lòng đất

- Đi LX xem WC (bài 10): Đến Tretyakov gặp nhiều cao thủ

- Đi LX xem WC (bài 11): Một ngày không thể “đen” hơn

- Đi LX xem WC (bài 12): Ở nơi hòm thư cũng có máy sưởi

- Đi LX xem WC (bài 13): Chưa thỉnh được kinh, đã chia hành lý

- Đi LX xem WC (bài 14): “Nhà quê” đi chuyến tàu Nga

- Đi LX xem WC (bài 15): Tôi đã lao động bất hợp pháp ở Kazan như thế nào?

- Đi LX xem WC (bài 16): Tiến về Cung điện Mùa đông

Ý kiến - Thảo luận

17:47 Monday,8.4.2019 Đăng bởi:  candid
@Đặng Thái: Mê nhiều lắm mà chưa có người đẹp nào mê. Mình đi học tiếng Ba Lan, bạn học đứa nào cũng có bạn gái người địa phương, mình bảo chúng nó là tao nghe nói muốn học nhanh nhất là có bạn gái. Chúng nó bảo là đừng tin bọn tao có bạn gái 4-5 năm nay rồi còn chưa nói được :D
...xem tiếp
17:47 Monday,8.4.2019 Đăng bởi:  candid
@Đặng Thái: Mê nhiều lắm mà chưa có người đẹp nào mê. Mình đi học tiếng Ba Lan, bạn học đứa nào cũng có bạn gái người địa phương, mình bảo chúng nó là tao nghe nói muốn học nhanh nhất là có bạn gái. Chúng nó bảo là đừng tin bọn tao có bạn gái 4-5 năm nay rồi còn chưa nói được :D 
14:43 Monday,8.4.2019 Đăng bởi:  SA
Thời Sa hoàng, tiếng Pháp ở Nga là ngôn ngữ của quí tộc và trí thức, cũng như ở Ba Lan hay Romania...

Nói chung thì người dân các nước "lớn" rất ít chịu học tiếng Anh và những bảng chỉ dẫn bằng tiếng Anh buồn cười là tại phi trường Nhật bản chẳng hạn chứ không phải ở Lào. Hàn quốc cũng thế, chẳng có ma nào lắp bắp Anh ngữ nhưng điều đó không cấm họ ph
...xem tiếp
14:43 Monday,8.4.2019 Đăng bởi:  SA
Thời Sa hoàng, tiếng Pháp ở Nga là ngôn ngữ của quí tộc và trí thức, cũng như ở Ba Lan hay Romania...

Nói chung thì người dân các nước "lớn" rất ít chịu học tiếng Anh và những bảng chỉ dẫn bằng tiếng Anh buồn cười là tại phi trường Nhật bản chẳng hạn chứ không phải ở Lào. Hàn quốc cũng thế, chẳng có ma nào lắp bắp Anh ngữ nhưng điều đó không cấm họ phát triển rất nhanh trong khi Philippines bà già bán thuốc lá lẻ cũng nói tiếng Anh nhưng không khỏi lụt đụt (Manila vào cuối thế kỷ 19 hơn Hong Kong, chuyện thật chứ không hoang đường như Singapore từng kém Sàigòn).

Ở cương vị khách du lịch, mình thấy nếu muốn học tiếng địa phương thì sang Nga là tốt nhất. Từ 10 giờ sáng trở đi, chỗ nào có bán rượu, bạn vào là có người bắt chuyện. Bạn không hiểu họ sẽ kiên nhẫn ngồi lập đi lập lại cho đến khi bạn hiểu mới thôi và sẽ ôm bạn không rời. Mà không hiểu cũng chẳng sao, nâng ly là hiểu nhau rồi! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả