Bưu thiếp Trung Đông: Có sao nói vậy
16. 12. 14 - 11:45 am
Sáng Ánh
Ảnh minh họa, Bodo là một quán thời thượng ở khu Hamra, dùng tên của một thị trấn tại Na Uy (thế mới là thời thượng) và như Beirut, mở cửa 24 giờ 7 ngày trong tuần. Ảnh: Sáng Ánh
Trong quán bar của một trung tâm văn hóa đang bắt mắt thiên hạ, hai cô hỏi tôi sau khi được giới thiệu, “Anh sang đây lần đầu?”
Tôi nói, cái tội thành thật, tôi sang đây lần đầu từ khi các bạn chưa sinh ra, năm 1978. Tôi lại thành khẩn, vợ tôi người nước này, các con tôi từng theo học AUB trước đây và đã ra trường rồi. Thế là các cô lơ là tôi luôn, cầm chai bia lạnh nhạt.
Lần sau, tôi sẽ nói, vâng, tôi sang đây lần đầu, tôi bơ vơ mà, và tôi sinh năm… 1978. Vợ còn chưa có hỏi chi con, tóc tôi sớm bạc vì cuộc đời giông bão, đặt chân đến nước này bỗng nhiên thấy an bình và con tim bồi hồi trở lại vì phụ nữ ở đây mắt rất đẹp như chiều buông Địa Trung Hải lả lơi.
Nhưng an ủi, chuyện này có hậu, khi ra quày gọi thêm nước, cô phục vụ nghiêng về tôi bảo tên em là Moad, có nghĩa là “hứa hẹn” bằng tiếng Ả Rạp, và chiều thì đang buông Địa Trung Hải chứ sao. Phục vụ hay là sinh viên nhà giàu, chiều ở đây buông không phân biệt thấp cao.
* Tái bút:
Nếu dừng lại ở đây thì lại không hoàn toàn thành thật, hé cho người đọc mập mờ một khung trời viễn mộng trong khi thực tế phũ phàng hơn.
Khi đang lấy danh thiếp biên số điện của tôi ở địa phương cho “hứa hẹn” ở trên thì cô bạn đi cùng với tôi hỏi, “Anh biên cho ai vậy?”. Tôi với cô này chẳng là gì, tôi muốn biên cho ai thì tôi biên và tôi mới vừa biên cho hai cô lơ là mới đây. Nhưng nếu bảo là đưa cho cô phục vụ thì cũng kỳ, tôi bèn “Chẳng cho ai hết, biên trước để đó sẵn, lỡ có ai hỏi thì đưa”. Nói thế, tôi biên luôn ba tấm liền và cất vào túi. Khi đi ra khỏi bar và nhìn lại, thì Moad đã ra giếng trời ngồi hút thuốc, sơn khê vời vợi, chẳng lẽ tôi băng bàn băng ghế để đến dúi vào tay. Nếu có ai xuôi vạn lý, ngang Dawawine ở khu Gemmayze, nhờ vào quán nước hỏi Moad và xin hộ tôi số điện thoại.
*
Nhưng mục đích chính của bưu thiếp này là tôi muốn nói về Trung tâm văn hóa này, do tư nhân thành lập mới đây với mục tiêu kinh tế và thương mại, tại nơi phồn hoa này lượt là người đi kẻ đến nhưng phỏng theo một mô hình quen thuộc ở Pháp hay là trước đây ở… Liên Xô!
Tại Pháp đây được gọi là Maison de la Culture et des Jeunes (MJC) thuộc hai hệ thống công đoàn độc lập nhưng được trợ cấp của chính quyền từ Trung ươngđến địa phương. Ở Liên Xô cũ được gọi là Cung Thiếu nhi hay Thiếu niên gì đó, hoàn toàn do nhà nước kiểm soát.
Tại đây (cũng như tại Pháp), có quán nước, rạp chiếu và thư viện, phòng hội, sinh hoạt của các tổ chức này kia. Điều đáng để ý là nó hoạt động rất tốt tại “Thụy Sĩ của Trung đông” là Lebanon trong khuôn khổ bát nháo mà lại quyến rũ được trai thanh gái lịch thuộc thành phần rủng rỉnh xu hào của giai cấp trung lưu bản địa đến đây xem những phim chết tiệt và sinh hoạt nói cười rất đỗi có duyên.
Vậy đó, chẳng phải cái gì hơi hướm tổ chức đoàn đảng XHCN cũng là xấu hết, điều kiện tốt thì nó tồn tại được, và trong kinh tế thị trường còn có thể trở thành thời thượng.
.
*
(Những bưu thiếp từ Trung đông này gửi đến bạn đọc nhân chuyến đi mươi ngày sang Lebanon và Jordan vào đầu tháng 11. 2014 để giới thiệu tiểu thuyết “Saigon Samedi” của Sáng Ánh, tức Đỗ Kh. tham gia Hội chợ sách Pháp ngữ tại Beirut
Đây là một thành phố quen thuộc với tác giả, nhưng không gần gũi quá mức đến độ chán ngấy, và vừa ghét lại vừa thương. Bưu thiếp thì vài dòng, và phần ảnh cũng quan trọng, tuy là vớ vẩn cũng chẳng kém phần thư.)