Hồi ký binh nhì tuột xích Yết Kiêu Kỳ 2: Rơi vào tay hai nhà phê bình
21. 03. 13 - 8:22 am
Linh Cao
Có chàng cử nhân hội họa Yết Kiêu kia, sinh ra và lớn lên ở một phố to, nhưng ngõ nhỏ vì là cả một tòa biệt thự hoành tráng từ thời thuộc địa, đã bị cơi nới thêm thắt, chia chác cho hơn 30 gia đình sinh sống, mà khu vườn trúc ngày xưa đẹp nổi tiếng cùng với phong đình và dãy nhà ngang của con sen con ở nay đã biến thành một tiểu Hắc-lem vô cùng phong phú về vật liệu xây dựng, quần cư lủng củng những máy nước và hố xí tập thể quanh một lối đi chung gọi là ngõ – uốn lượn đánh võng do xây cất chỗ thùi chỗ thụt cộng với đám chậu cây cố cứu vãn chút thiên nhiên kiêm chỗ ỉa chó mèo.
Cha mẹ chàng mất đi để lại cho đứa con duy nhất căn nhà lầu xinh xắn nằm tận cuối ngõ mà tầng hai vừa đủ kê cái giường gãy chân ngổn ngang sách vở và khoảnh bếp cơi nới ngoài ban công nhìn xuống ngõ. Còn tầng một vừa đủ chỗ cất xe Wave Tàu cạnh giá vẽ với mớ họa phẩm hôi mùi – chất bên đùm quần áo cũ của khổ chủ được tận dụng làm giẻ lau bút, lau nhà và có lẽ là cả lau mồm…
Bấy nhiêu khổ cực đâu có làm chàng phân tâm khỏi hội họa – mục đích sống, tình yêu và ước vọng của đời chàng. Ngoài giờ đi học, đi làm bồi bàn tự nuôi thân, và tuần hai lần đi tắm nóng lạnh ngõ bên cạnh… thì đêm đêm chàng bần thần sắng sở bên một bức tranh, tác phẩm kinh khủng cả về ý tưởng lẫn kích thước (tranh to đúng bằng đường chéo cái vuông sàn nhà chàng). Nội dung thì đa nghĩa, cấu tứ lồng lộng, màu sắc đủ cả sơn Nhật lẫn sơn Anh, bức tranh để đời mà! Lần đặt cược to nhất cho canh bạc số phận mà!!! Chàng ôm ấp mộng đẹp, được ra mắt, được biết đến, nổi tiếng, thay đổi, xuất ngoại…vân vân… Thế nhưng thực tế như cái bóng đè cả khi ngủ lẫn khi thức, tranh vẽ đã mỹ mãn rồi đấy, ký xong và sửa cả chữ ký ba lần rồi đấy, chàng cũng không chào bán được cho ma nào, các gallery thì vừa nghe nói một bức đã xua chàng ra vì họ muốn cả sê-ri na ná nhau cơ. Kể cả đem đi triển lãm cũng chẳng Hội nào nhận vì tranh to thế biết nhét vào đâu? Đồng nghiệp đàn anh và bạn bè cùng lứa thì khen đứt lưỡi, thực ra xem chẳng hiểu gì, nhưng vì thương chàng thảo lảo, cứ khen động viên! Cuối cùng cũng có cô bạn cùng lớp vừa xấu vừa dở hơi, thốt ra được một câu gỡ bí “Anh nên mời một nhà phê bình nghệ thuật, chuyên gia viết thì xã hội mới yêu!” Chà chà, mấy nếp nhăn nơi khóe miệng già trước tuổi của chàng như giãn thẳng tưng ra, kỳ diệu quá, thế mà không nghĩ ra.
Đêm trước cái buổi sáng nhà phê bình đến, chàng thức trắng. Bao nhiêu hồi hộp, lo âu, buồn rầu và hy vọng trộn vào nhau quần nhau mệt lử, đến gần sáng chàng ngủ thiếp đi…
Cộc…cộc…cộc… tiếng gõ cửa quyền uy lôi tuột chàng dậy, ngài A đã đến. Ba hồn bảy vía lên mây, trai nhào dậy quên rằng vẫn đánh nguyên đùi hoa và may ô cháo lòng, xuống mở cửa. Xầm vào nhà là thân hình thẳng đừ xơ-vin chặt chẽ thơm phức mùi Vim cùng khuôn mặt khoằm khoặm lạnh lẽo của ngài A. Ngài tốc thẳng đến trước bức tranh, cách đôi bước ngắm tổng thể trong mươi phút, không thốt ra một từ nào, rồi hạ cái ca-táp đen bóng xách theo nãy giờ xuống, lấy ra một túm các loại thước có đủ hình thù cong thẳng lạ kỳ, một cuộn dây, cuốn sổ có kẹp sẵn cái bút kim, và cái kính lúp.
Công cuộc tác nghiệp dài lê thê bắt đầu…
Chàng họa sĩ nhà ta nín thở nhẹ nhàng dắt cái xe Wave ra để ngoài ngõ cho rộng. Rồi rón rén quay vào lên gác đun nước, cái ấm điện kêu rõ to làm những giọt mồ hôi tự nhiên túa ra ướt đẫm đũng quần. Chàng vội vàng thay bộ củ nghiêm chỉnh nhất có thể, vừa bưng nước xuống vừa ho hắng để mào đầu. Nhà phê bình chẳng hề ngẩng lên, ngài lấy thêm trong cặp ra tiếp những quyển dày cộm như từ điển, có rất nhiều ảnh tranh, tra tra xét xét, và lúi húi ghi chép vào cuốn sổ. Làm việc chuyên nghiệp có thế chứ!
Mãi chẳng thấy ngài hỏi mình câu nào, chỉ toàn lẩm bẩm đọc, đo đạc, soi kính lúp vào tranh rồi lại vào sách, ghi chép vào cuốn sổ, rồi lại đánh dấu trang bằng sticker trong mấy quyển từ điển… say mê và chăm chú quá… chàng họa sĩ vận hết sức khẽ khàng hỏi “Thưa ông, tranh cháu vẽ có ra gì không ạ?!” Ngài A giật bắn mình, thốt ra mấy tiếng hừm hừm nghiêm trọng, rồi trả lời bằng giọng khê đặc thuốc lào “Siêu hình, giả thiết, pha vị lai!” Trai chớp mắt mấy cái, ngạc nhiên tiếp “Dạ cháu vẽ thật thà đấy ạ!” thì nhận được câu gắt “Biết rồi, ngây thơ nhưng có tí Dã thú”. Sợ quá, chủ nhà đành im, lập cập lấy ra cái ghế đẩu kê khay trà, rót nước ra cung kính để gần về phía tầm tay khách. Chừng 10 phút sau, ngài A thở “hà” một tiếng to ra điều đã xong, thu cất các thứ vào cặp, quay ra húp suỵt chén trà, rồi lệnh “Tôi sẽ viết và suy nghĩ thêm, một tuần nữa anh cầm 5 triệu đến địa chỉ X nhận bài. Nhá?” Chàng chỉ còn nước cúi gập mình “Dà” dài một tiếng, rồi cum cúp lùi ra cửa trước nhường đường cho khách về.
Ngài phê bình không quên ấn cho chàng trai của chúng ta cái card visit vào tay. Và thế là từ đó đến tối, chàng mất toi đôi thẻ 100 nghìn để hỏi han khắp nơi về ngài A. Chính thầy giáo dạy vẽ của chàng ở Yết Kiêu vốn là bạn học cấp 3 với ngài A đã bật mí rằng: nhà phê bình đích thị dân chuyên Lý, sau thi đỗ học Bách Khoa về bom nguyên tử… Ngài đi Tây học tiếp thì tuột xích vì yêu phải một cô họa sỹ Nga, uống lắm rượu quá nên bỗng nảy ra nghề viết lách. Đầu tiên là viết báo, phê phán thói hư tật xấu lớp thanh niên đương thời, rồi nhân một bài viết cho nhóm họa sỹ Bất cần đời nào đó, ngài được tung hô nhiệt liệt vì đã cân đong đo đếm được hết ngóc ngách tài năng, chỉ rõ mảng nào nét nào là đặc sản, màu nào phệt nào là bản năng vân vân… Văn ngài A này cứng đờ và nặng mùi kỹ thuật, nghĩa là toàn chú giải phân tích theo các lý thuyết cũng như chủ nghĩa đã có sẵn trong sách, có kèm cả số trang số dòng cẩn thận làm minh chứng. Trích ngang trích dọc thế nên đi đâu cũng cắp theo cái cặp bự tổ chảng để đối sánh. Cứ thế thành nổi tiếng! Thầy chàng khuyên nên thoái, vả lại chàng cũng không móc đâu ra tiền thế mà trả công viết. Thế là đến 9h tối cùng ngày, chàng mạnh dạn soạn một cái tin thế này: “Thưa ông, thứ lỗi vì cháu đã nghĩ lại, cháu chưa xứng đáng để ông viết bài. Xin hãy quên cháu đi. Ký tên” rồi nhắn vào số mobile in to đùng trong cái card visit. Nhắn xong chàng nhẹ cả người. Đi ngủ.
Hai tuần sau, vẫn cô bạn cùng lớp lại tỉ tê mách “Anh phải gặp chị B, cả văn lẫn người đều dạt dào cảm xúc, mới viết hay lay động chúng mình!! (chắc nàng cũng có tí tình riêng đây). Nể gái, chàng gật đầu chấp thuận, không quên hỏi giá cả và CV. Nàng tâu: “Chị B là nhà thơ kiêm họa sỹ, rất hiểu về nghệ thuật. Mấy ni sư vẽ tranh đều nhờ chị viết, văn thoát tục lắm. Anh đưa bao nhiêu thì tùy tâm”. Được quá, chàng yên chí về nhà dọn dẹp sạch sẽ, tiếp phụ nữ phải lịch sự chứ?
Đúng giờ G, chàng xịt nốt chỗ nước hoa Mr. Sài Gòn ra khắp nhà, rồi sơ mi trứng sáo quần kẻ ca rô tóc tai cắt trụi từ hôm trước, ra cửa ngóng. Trời xanh mây trắng, gió nhẹ hây hây, mấy con chim trong lồng hàng xóm hót riu riu êm đềm, chàng ngửa cổ nhắm mắt hít căng lồng ngực. Bỗng vụt vụt, một mùi ngầy ngậy khen khét kèm theo cái bóng người dặt dẹo gầy nhẳng lướt qua cửa vào nhà, lôi chàng khỏi cơn mơ màng. Chị B xộc vào đứng trước bức tranh rồi quay ngoắt lại đối mặt với chàng, mở to đôi mắt tròn như đồng xu mờ đục mà con ngươi màu chì cứ lung liêng như sắp rơi ra, chị thốt lên “Ô, yêu vãi!?” rồi ré lên cười khanh khách, khoe hàm răng vẩu có cái nanh bọc kim loại sáng loáng như inox. Chàng lóa mắt lắp bắp “Vâng, em vẽ mất năm rưỡi tranh này đấy ạ… chị xem rồi viết bài giới thiệu em”.
“Ây! Chuyện nhỏ như con thỏ”. Lấy hai cái móng tay sơn tím ngắt đắp hoa kim tuyến, đẩy cằm thằng bé lên còn tay kia vỗ vỗ vào má khổ chủ, nữ phê bình gia phán “Nốt ruồi đón lệ là cả một đời khổ vì yêu rồi em ơi! Mới đọc lớp tuyết sương thứ nhất đã nặng màu vàng chanh, kiếp cô đơn đường tình bạc bẽo. Nhà có nhang không cho tôi một nắm?”. Chàng ta vội với về phía ban thờ, rút lấy thẻ hương châm lửa rồi đưa vào tay chị B. Chị trầm ngâm nhắm mắt đưa đốt tay lên bấm và khấn lầm rầm rồi cắm tất chỗ hương vào chân giá vẽ đang bày bức tranh, kéo ghế ngồi giữa nhà, chị bảo “Tranh với người là một, tôi không giống những nhà phê bình khác, chỉ đọc tranh mà không cảm người… Mà người thì lăm-bờ-oăn vẫn là tướng mạo! Cậu có tướng nghệ sỹ đấy, đảm bảo tranh này có giá trị”. Được lời như cởi tấm lòng, chàng nhỏ nhẹ “Vâng, em côi cút nên chỉ thích vẽ thôi”. Chị gật gù, rồi bắt chéo đôi chân đi hài nhung trong ống quần lụa đen tong teo nhàu nát, lục tay nải lấy ra cái hộp đựng thuốc, đưa cho chàng một điếu cong queo, rồi cả hai cùng hút làm khói um căn phòng vốn ẩm thấp chật chội. Chị lấy thêm ra cái cát xét rất nhỏ, ấn nút xoạch một cái, rồi ào ào như cô đồng nhập hồn, chị thao thao bất tuyệt nói về tranh và người vẽ tranh bằng thứ văn lằng nhằng có xen cả hò vè lục bát, văn tế, điển tích ca trù, tập Kiều và thơ của chính chị phóng tác dựa trên những gì chị cảm thấy từ tranh và từ khổ chủ đang đứng dựa cửa, nước mắt dàn dụa không biết vì khói nhang hay khói thuốc? Mỗi góc tranh chị lại gọi là một “phương”, mỗi màu sắc chị lại kèm theo một giá nào đó, tựa như giá đồng, mà chị kêu cầu tất cả các Thánh Mẫu, ông Hoàng Bơ Hoàng Bảy phù hộ cho thí chủ họa sỹ ăn nên làm ra, đánh đâu thắng đó, năm nay đi Pháp năm sau lên tận sao Chổi thăm và trả lễ các Ngài!
Cuối cùng cái băng ghi âm cũng hết, kêu xoạch một tiếng, chị B cũng hết hơi im bặt, gục đầu xuống ngực, tóc tai ướt đẫm mồ hôi xõa xượi và má thì đỏ rực lên, thành ra trông lại xinh. Chàng vội bật quạt, luống cuống bứt một đoạn giấy toa-lét đưa cho nữ phê bình gia lau mặt. Chị B nói rất nhỏ “Lời Thánh cho quý lắm, cậu ghi ra là thành bài, gửi báo thì chụp ảnh tranh kèm theo, nhớ ghi rõ tên tôi là được”. Rồi thoăn thoắt thu vén các thứ, bỏ đi nhanh cũng như lúc đến, để lại thằng bé đần độn say điếu thuốc bù-đà và say cả show “lời hay ý đẹp” vừa hạ màn.
Rồi đến nửa ngày nôn ọe vật vã, chàng đắp chăn nằm rên hừ hừ mệt lử. Thầm chua xót cái thân trai phố nhà lành mà sao khổ thế? Và quyết định không bon chen không đam mê nữa, học xong đại học không theo sáng tác mà thi tiếp Cao học để đi dạy học cho êm. Còn bức tranh, chàng quay nó vào trong, coi như cái vách ngăn phòng, không nghĩ đến khen chê giới thiệu lăng xê làm gì nữa.
Văn chị Linh hay quá! Nếu không đọc bài trước, em không nghĩ giọng văn hóm hỉnh nhưng mạnh mẽ này lại là của một người con gái.
Thật là các nghệ nước nhà đang chịu kiếp nạn loạn phê bình, bình phê loạn, bình loạn, loạn bình! Thương thay chàng họa sỹ với bức tranh để đời... ...xem tiếp
13:18Tuesday,8.10.2013Đăng bởi: Mèo
Văn chị Linh hay quá! Nếu không đọc bài trước, em không nghĩ giọng văn hóm hỉnh nhưng mạnh mẽ này lại là của một người con gái.
Thật là các nghệ nước nhà đang chịu kiếp nạn loạn phê bình, bình phê loạn, bình loạn, loạn bình! Thương thay chàng họa sỹ với bức tranh để đời...
...xem tiếp