Đi & Ở

Chợ hoa Hàng Lược – cái lúm đồng tiền duyên của phố cổ 10. 02. 16 - 10:30 pm

Linh Cao

 

Ảnh từ trang này

Năm nảo năm nào mình cũng đi chợ hoa Hàng Lược, mua thì ít mà dong nhan thì nhiều. Nhan cũng đâu còn mấy sắc, chả ai ngắm mình, toàn mình ngắm người xe nhộn nhịp hàng quán xôn xao, muốn tận hưởng không khí phố thị đậm đặc nhất, trong một thời điểm quý giá lúc vào xuân.

Năm nay Bính Thân, có cảm giác do đại hội Đảng nên mọi người chuẩn bị Tết muộn và bận rộn hơn những năm trước. Hay tại cái tâm thế nó cuống cuồng hơn, nên dòng xe cộ cũng nhanh hơn và lời nói cũng không còn chậm rãi như Hà Nội cần phải thế. Vội vã trở về rồi vật vã ra đi, cùng làm tròn một bổn phận chung hay cùng vất vả chia nhau một ẩn số của thói thường?

Ai cũng nghe mang máng câu hỏi ấy, và rồi cũng làm đúng làm đủ từng ấy việc. Nên khi mình đi chợ hoa hàng Lược lần đầu hôm 21 âm, thì hầu như chưa có ai mua hoa, và cả chợ chỉ có hai hàng bán đào. Ngang dọc cần mẫn là những người đi mua hàng ở chợ Đồng Xuân về bán Tết, tiện lối hàng Khoai hàng Mã chưa cấm xe và vẫn còn chưa đông, thì đi tắt qua, mắt nhìn nghiêng nhưng tốc độ không giảm, ai cũng nghĩ là còn phải kiếm tiền để tiêu Tết, chỉ mấy cụ già trong phố và bọn nửa nghệ nửa gừng như mình mới tiêu Tết bằng thì giờ dùng dằng nhìn ngắm.

Chợ hoa Hàng Lược 2015. Ảnh từ trang này

Mà ngắm cũng rất mệt, vì cái đẹp thì ít mà hàng rởm hàng Tầu thì tràn lan chóe lọe, phả ra cái mùi kitsch độc hại của plastic trang kim và phẩm nhũ. Những hàng hoa lụa hoa giả phấp phới vây quanh một nhà bán quất chỗ ngã ba Hàng Chai, bầy ngay đám chậu sành Phù Lãng giữa lòng đường, chậu cao vút lên mà cây thì bé, trông lạ kiểu, mấy anh chủ shop mạn hàng Bông xúm lại xem, ừ thì nhà chật bầy thế thôi.

Hấp dẫn nhất là những hàng đồ cổ mạn Nghi Tàm xuống, trải chiếu ra bán thượng vàng hạ cám từ xu đồng đến điếu bát. Nhưng thoái hóa đến nay thì toàn là gốm sứ và đồ đồng Tầu, bán đắt mà hàng loạt giống nhau.

Chợ đồ cũ đồ cổ ở Hàng Lược. Ảnh từ trang này

Thành ra có một nhóm mấy người hay bán đồ cũ trên Hoàng Hoa Thám chợ phiên, thì bầy ra nom hấp dẫn nhất, cả bi đông và quả đạn B40, lọ vẽ rồng cạnh đám ngựa gốm đều là Biên Hòa cổ, giá rẻ hơn Lê Công Kiều, chắc tại có nguồn bán cả bộ sưu tập. Cạnh đó là một anh bán bát đĩa và đồ trần thiết châu Âu cũ, ông anh trai thì bán đủ thứ từ bật lửa Zippo đến băng cát-xét Sơn Ca 7! Đến lần thứ 3 mình quay lại vào chiều 29 Tết (tức còn khoảng 10 tiếng nữa thì giao thừa), thấy mỗi bác thuê một xe lam chất đồ lên đường về nước, không khác gì chạy giặc ngày xưa, nể lắm. Bác bán bát đĩa tặng mình cái tô đựng xa lát này:

Chi tiết cái tô đựng xa lát. Ảnh: LC

… còn anh sưu tập thì để cho mình đôi ngựa gốm Biên Hòa này (vào lần đi chợ thứ hai, ngày 25 Tết). Có cái đèn dầu bọng pha lê xanh nước biển khá ổn, thì cái chân nhôm lai lắp ghép quá tệ, nên mình nhất quyết không mua.

… anh sưu tập thì để cho mình đôi ngựa gốm Biên Hòa này. Ảnh: LC

Thôi kể thế cũng là hơi khoe khoang lố bịch rồi! Ngày 29, phố cổ và Hà Nội trở về đúng với mật độ tự nhiên, do bao nhiêu người đã hồi hương tự nguyện. Có lẽ Tết là khoảng thở của cái đồng hồ vĩ đại đã kèn kẹt chạy đúng cả 360 ngày, sai đi chậm đi nhằm dưỡng sức cho một chu kỳ mới. Các cửa hiệu đóng cửa, nhà nhà nghỉ công việc vẫn làm đều đặn cả năm, hoa đào hay thủy tiên, quất hay violet chỉ là tín hiệu cho cái Holiday hoành tráng ấy thôi. Không mấy ngày trong năm được thoải mái đi giữa lòng đường, vai vác cành đào còn tay cầm cái bát! Cũng chẳng có xe ôm, xích lô hay taxi mà đi, mình cứ đi bộ từ hàng Trống xuyên qua Thuốc Bắc, vào chợ hoa chơi chán rồi theo Hàng Cân qua Lương Văn Can về lại Hàng Đào mới được một bác cho đi nhờ xe về Tràng Tiền. Nhưng đi bộ qua phố cổ băm sáu phố phường là một trải nghiệm rung động, từ mùi hương bài lẫn trong mùi thuốc bắc ngang phố Lãn Ông, đến cánh cửa gỗ nhà chả cá Lã vọng nửa khép nửa mở muốn nghỉ mà chưa được nghỉ.

Cành đào về đến nhà. Ảnh: LC

Ngang qua đền Hàng Cân chợt nhận ra có bình lay ơn nở bung ngoài thềm. Ngang qua một nếp nhà cổ kính bán giấy mình hay đến mua trăm tờ nến về gói tranh, cô con dâu đang kiểm lại hàng bên một chậu lan trong cửa tiệm. Bên ngã tư với Hàng Cá, mái hiên thấp tè đủ chỗ ngồi hai ông bạn già thì thầm khúc khích, chắc hai bà vợ đảm đã lo đủ thứ ở nhà trong. Trình tự thời gian như bị đảo trộn, ở trong lòng rộn ràng một niềm hân hưởng an nhiên. Và không thể gọi tên gì khác, tiếng reo “Tết thật rồi”…

Nếu bạn công tác ở Hà Nội, nghỉ Tết ở Hà Nội hay sống ở Hà Nội, cứ tin mình nhé, đừng bỏ lỡ một dịp đi chợ hoa Hàng Lược, cái lúm đồng tiền duyên của phố cổ. Và nhớ là phải đi bộ, đi chậm, đi nhiều lần. Hà Nội không vội được đâu…

*

Cùng một người viết:

- Vẫn mấy khuôn mặt cũ mèm nổi tiếng ấy…

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yết Kiêu
Kỳ 1: Lính mới

- Việc ấy không cần nhiều tiền,
chỉ cần nhiều công tâm và khát vọng

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yết Kiêu
Kỳ 2: Rơi vào tay hai nhà phê bình

- Hồi ký binh nhì tuột xích Yếu Kiêu
Kỳ 3: Chìm, nổi, và lại chìm

- Thư gửi họa sỹ trẻ

- Về bác Phạm Lực – ôn cố mong tân

- Luận về ăn uống khi ốm, về khát vọng sống và chất nghệ qua ăn

- Hãy mua ngay khi cơ hội đến

- Người tháp tùng (phần 1)

- Người tháp tùng (phần 2)

- Bùi Thế Phương – Câu chuyện kể bằng thơ tự kỷ

- Một số ảnh Linh Cao chụp trước khi treo tranh

- Trường ca gia cầm

- Đã xem họa sỹ uống trà…

- Ăn chay nằm mộng lưng trời…

- Một bữa tiệc tối đáng nhớ, cần được viết ra…

- Từ một nhành thyme…

- Tiếng vọng từ thiên nhiên: các bạn trẻ nóng vội quá…

- Xem “Nhập nhằng”: làm sao đi bền một con đường độc đáo?

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 1): Tại Lu Loa Cống Xề

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 2):
Về Huệ Thư

- Xem gốm Bảo Toàn: Đập vỡ cây đàn

- Chuyện cô bán tranh: Nhớ thiên đàng nem chua

- Ba lý do khiến trò lười không muốn mở mang

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 3):
Ân oán Hàng Anh với Đirađivô

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 4):
Hoa Ỷ dỗi, Huệ Thư hồi chơi xấu

- Nhân thông tin một nhóm đại gia Việt vừa mua gần 50 bức tranh…

- Tết Art: sự trỗi dậy của cái mầm

- Nhận xét riêng về Tết Art: vẫn chưa thực sự hội chợ

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 5):
Quý vật tìm quý nhân

- Chợ hoa Hàng Lược – cái lúm đồng tiền duyên của phố cổ

- Món chè gấc số đỏ

- Về món mơ ngâm

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 6):
Kinh thành bỗng chốc thất thanh

- 5 đặc điểm để món ăn Việt đi mãi với người Việt

- Bún chả (bài 2): tuyệt phẩm nhà nghèo

- Mì vằn thắn: cảm thức biển trong một bát chứa chan

- “Măng mai măng nứa, cơm lam trà gừng…”

- Cốc chè của mùa hè

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 7):
Sau cơn mưa trời lại sáng

- Bàn tán về tranh nuy

- Hoàng Trưng vườn mộng (hồi 8):
Thư-Kỳ lạc truyện

- Bé bỏng nghèo nàn trong lòng phố cổ

Ý kiến - Thảo luận

8:37 Monday,15.2.2016 Đăng bởi:  candid
Người Hà Nội trước gọi chợ này là chợ hoa Cống Chéo - Hàng Lược. Địa danh Cống Chéo không còn nữa nên cũng ít người gọi thế. Độ hơn chục năm trước chỉ có dăm hàng đồ cổ ngồi dọc Hàng Mã, đồ chủ yếu là gốm sứ. Giờ thì thành cả dãy. Trước kia đi dạo còn mong kiếm được đồ đẹp, giờ đây nhiều nên thành ra không hiếm cũng chẳng quý.

Em có mấy c
...xem tiếp
8:37 Monday,15.2.2016 Đăng bởi:  candid
Người Hà Nội trước gọi chợ này là chợ hoa Cống Chéo - Hàng Lược. Địa danh Cống Chéo không còn nữa nên cũng ít người gọi thế. Độ hơn chục năm trước chỉ có dăm hàng đồ cổ ngồi dọc Hàng Mã, đồ chủ yếu là gốm sứ. Giờ thì thành cả dãy. Trước kia đi dạo còn mong kiếm được đồ đẹp, giờ đây nhiều nên thành ra không hiếm cũng chẳng quý.

Em có mấy cái ảnh chụp chợ này từ năm kia, năm nay bận quá không đi được.

https://farm4.staticflickr.com/3770/12356048904_e17c09fdb4_z.jpg

https://farm4.staticflickr.com/3769/12356038754_04ee8d20fd_z.jpg

https://farm4.staticflickr.com/3708/12355011213_21ee36f3c9_z.jpg 
9:18 Friday,12.2.2016 Đăng bởi:  Tô Lịc kịc
@ Mơ: Ngày xưa cũng có những điều tồi tệ, cổ hủ, vô lý, thậm chí khủng khiếp, nhưng vẫn có vẻ công bẳng hơn thời hiện tại. Bạn để ý điều gì khi xem ảnh mặt người xưa (dù là đầu những năm 90), tôi hôm nay bật TV VN được vài phút, chợt tắt phụt đi, "mặt với mũi" (của thời hoa hậu giết mổ và bọn "cơng cơng như thằng sắng cá" với những làm nghèo đất n
...xem tiếp
9:18 Friday,12.2.2016 Đăng bởi:  Tô Lịc kịc
@ Mơ: Ngày xưa cũng có những điều tồi tệ, cổ hủ, vô lý, thậm chí khủng khiếp, nhưng vẫn có vẻ công bẳng hơn thời hiện tại. Bạn để ý điều gì khi xem ảnh mặt người xưa (dù là đầu những năm 90), tôi hôm nay bật TV VN được vài phút, chợt tắt phụt đi, "mặt với mũi" (của thời hoa hậu giết mổ và bọn "cơng cơng như thằng sắng cá" với những làm nghèo đất nước ngồn ngộn sau lưng). [May mà Tết này mặt thớt ít đi?]. Và tôi vẫn thấy bài này hay. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Ác mộng Trump đã đến

Hrag Vartanian - Hoa Hoa lược dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả