Đi & Ở

Đình to giữa phố 10. 05. 16 - 6:52 am

Đặng Thái

Chỉ cần nhắc đến Hải Phòng thì ngay lập tức người nghe sẽ nghĩ đến hoa phượng, đất cảng, giang hồ, Việt kiều, Đồ Sơn hay cổ động viên bóng đá. Những biểu tượng còn rất “mới” ấy làm nhiều người dễ quên mất rằng vùng đất này cũng có hàng nghìn năm lịch sử, lâu đời chẳng kém chốn kinh kỳ. Gia đình tôi chỉ có một mối liên hệ duy nhất với Hải Phòng là bà em ruột ông nội về làm dâu ở đây lâu lắm rồi, hai vợ chồng bà chia nhau với năm sáu gia đình nữa một cái nhà kiểu Pháp.Hết bố lúc trẻ rồi đến lượt tôi ăn mòn cả bát đĩa nhà ông bà mỗi mùa hè, Hải Phòng quen gọi tắt là Phòng, ăn bánh đa cua thì xin “chí trương”, nói điêu là đẻ ở Hải Phòng ai cũng tin, thế mà kì lạ thay là cả hai chưa bao giờ vào một cái đình, đền, chùa, miếu nào trong khi ở Hải Phòng thì nhiều lắm.Ở đời có những sự như thế, những chỗ gần nhà, khách du lịch phải vượt cả ngàn dặm đến còn mình lại chẳng buồn bước chân vào. Mãi đến khi có ông anh họ (kém tuổi) đi thi đại học, tôi mới có dịp đi xem một cái đình rất đẹp ở ngay trong phố là Đình Hàng Kênh.

Cổng đình, ba chữ Hán trên cao lần lượt từ phải sang: Nhân, Đình, Thọ. Nhân Thọ Đình là tên chữ của Đình Hàng Kênh.

Nhiệm vụ là phải dẫn ông anh đi lễ mấy nơi để hôm sau thi cử cho may mắn, thế là mới biết có cái đình to đùng giữa khu phố san sát nhà ống. Thời Tự Đức có chiếu yêu cầu tất cả các làng quanh vùng này phải thờ Ngô Quyền, thành hoàng làng này vốn là Vũ Chí Thắng tham gia đánh giặc Nguyên thời Trần, nhưng vì chỉ là phúc thần nên làng phải chuyển thành hoàng sang một cái đền khác thờ riêng, cách đây mấy trăm bước nhường chỗ cho thượng đẳng thần Ngô Quyền.Trong số những nơi thờ tự Ngô Quyền thì nghe giang hồ đồn là ở đình này thiêng nhất.

Bên trái đình còn mấy tấm bia, trong đó có một tấm ghi thời điểm khởi công xây dựng lại là năm Tân hợi dưới thời Tự Đức (1851)

Đình đã dựng từ đời Lê, ban đầu là của chung hai làng Hàng Kênh và Dư Hàng. Sau làng Dư Hàng tách ra thành lập chi bộ mới, xây riêng đình nhưng cũng cùng một kiểu với đình này. Giờ thì hai làng vẫn cạnh nhau, nhưng trên đất ba phường: Hàng Kênh, Dư Hàng, Dư Hàng Kênh. Đình Hàng Kênh phải nói là rất lớn, đúng là to như cái đình, giữa thành phố mà có một khoảng không gian rộng năm bảy nghìn mét vuông thật là quý giá.

Nắng đậu trên mái ngói tòa đại đình

Đình có bảy gian (năm gian hai chái) và cấu trúc lối ván sàn lòng thuyền, rất giống Đình Trà Cổ. Lòng thuyền nghĩa là gian ở chính giữa thấp hơn hẳn các gian hai bên, còn các gian hai bên thì càng lúc càng cao dần lên. Người ta cho rằng lối kiến trúc này mô phỏng những con thuyền mà người Việt cổ dùng để sinh sống trên sông nước xưa kia. Ván sàn là các gian đều được lát sàn bằng gỗ lim trừ gian lòng thuyền lát gạch. Hiện nay không còn nhiều đình ở miền Bắc có loại hình kiến trúc này.

Đây là (mượn tạm) ảnh chụp nội thất đình Trà Cổ, “lòng thuyền” ở đây thấp hơn nhiều bên đình Hàng Kênh.

Đình này có lối điêu khắc đặc trưng của vùng biển, đó là chỉ chạm hình rồng. Con rồng cũng phần nào biểu trưng cho tính cách người Hải Phòng luôn được các triều đại phong kiến quy cho là có bản chất hung hãn và hay làm loạn chống đối triều đình, vì dân xứ này cứng đầu, liều lĩnh, dám buôn lậu, đói thì điăn cướp chứ không chịu điăn mày. Đình Trà Cổ cũng là do dân Đồ Sơn dựng, còn về quê mang chân hương ra thờ nên có thờ quận He Nguyễn Hữu Cầu. Vì mang thành kiến như thế nên dân vùng này, đặc biệt là vùng quanh quê Mạc Đăng Dung, thời Lê Trịnh đi thi thường bị đánh hỏng. Hiếm hoi lắm mới có người đỗ tiến sĩ như ông Phạm Đình Trọng. Có lẽ vì muốn xóa bỏ cái tiếng xấu quê mình mà ông quyết tiêu diệt quân phản loạn là Nguyễn Hữu Cầu, tức là đồng hương và đồng môn của mình ngày trước. Giờ thì dân Hải Phòng vẫn thờ cả hai ông, trên đời nghĩ cũng nhiều chuyện tréo ngoe.
Các chạm hình rồng ở đây cũng rất lạ, rồng mẹ, rồng con hàng đàn, rồng ông rồng cháu đuổi nhau trên khắp các chi tiết của bộ khung, mà mỗi con mỗi vẻ, mặt mũi đều khác nhau cả. Mình có chụp được mấy con rồng trông rất sáng tạo, ngộ nghĩnh.

Con này được chạm rất khéo để nằm dẹt ra dưới bậu cửa

 

Con này thì hơi dị, có lẽ các cụ muốn diễn đạt quay mặt trực diện nhưng tại chưa được học về phối cảnh.

Nhưng cái làm cho chuyến thăm đình ngắn ngủi này thú vị lại không nằm ở cái đình, mà là không gian vây quanh nó.Một cái đình ở giữa phố, có sân rộng đương nhiên sẽ trở thành nơi tụ họp của cư dân. Hình ảnh quen thuộc dễ gặp nhất là mẹ đút cơm cho con, bà đút cơm cho cháu. Rồi đến mấy đứa trẻ tập đi xe đạp và tập đi cả… pa-tanh. Có cụ thì ngồi chơi nói chuyện, tay phe phẩy quạt giấy xếp nan, còn có mấy cụ lại đang tập thể dục hoặc chạy bộ vòng quanh hồ bán nguyệt trước sân đình. Thú vị nhất là trong cái hồ bán nguyệt ấy đang có một đàn vịt bơi vòng quanh, rỉa lông rỉa cánh. Mừng nhất là các mẹ vì mấy đứa bé mải tập trung chỉ trỏ vào lũ vịt nên miệng cứ ăn luôn luôn.Sà xuống mép hồ là một cây doi trĩu quả, quả nào quả nấy đầy đặn trắng muốt, xinh như những chùm chuông đang lúc lắc. Tất cả những cảnh ấy, vào một buổi chiều nắng vàng rộm, trong một không gian yên tĩnh cho ta một cảm giác rất khác, khác hẳn với những cảnh sinh hoạt ở một thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, những nơi mà trước kia không lâu đã từng tồn tại kiểu hoạt cảnh này. Ở đây vẫn còn khoảng lặng, vẫn còn cái không khí của xóm làng dù chỉ dăm bước ra ngoài kia là đến phố.

Những con vịt bơi trong hồ đáng yêu và khiến tôi bất giác mỉm cười, đâu cứ phải thiên nga ở Tây mới tạo được ra cảm xúc ấy.

 

.

Hai anh em khoan khoái ra về. Ngoài phố đã bắt đầu tan tầm. Xe cộ dần đông lên, nhiều hàng quán bắt đầu mở cửa nhưng không hề ồn ào, í ới.Có phải tại dân Phòng nói ít làm nhiều?Khi thính giác không bị tra tấn bởi các loại âm thanh hỗn tạp thì khứu giác tự nhiên nhạy bén hẳn lên. Cái mũi tự nhiên phân biệt được rành rọt từng mùi trong tổ hợp mùi thức ăn thơm phức đang tỏa ra từ hai bên đường. Mỗi đứa làm một cái bánh mì cay đặc sản, bé xíu, nóng giòn, nhưng có vẻ không thấm vào đâu cả, chợt nhìn thấy chảo đậu đang rán nóng vàng hôi hổi, bóng bẩy vớt ra khỏi chảo dầu còn đang cong lại như con cá. Không suy nghĩ nhiều, tôi gọi ngay bún đậu mắm tôm. Miếng đậu ở đây cũng cắt khác ở Hà Nội, nếu như người Hà Nội chuộng những thứ nhỏ nhỏ xinh xinh, làm sao cho vừa khéo thì ở Hải Phòng người ta chém to kho mặn. Cắn miếng đậu ngập răng, nóng giãy đúng là có cái khoái của nó.Một hai đĩa đậu nhanh chóng hết bay. Cái kết của câu chuyện thì hơi buồn… cười. Ông anh họ tôi vừa lấy giấy lau mắm tôm dính trên mép xong thì nhìn trân trân vào miếng giấy ăn như sực nhớ ra điều gì đó rồi ngẩng mặt lên nói với tôi: “Chết rồi, sáng ngày mai thi Toán!”.

*

Cùng một tác giả:

- Nobel Banquet: Tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel

- “Hồng trà” của Tàu và “Chai ” của Ấn

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 1): nồng nàn hay nồng nặc?

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 2): Chán cơm có roti, chán cà ri thì nhịn!

- 16. 12: Kandinsky – một người Nga yêu nhạc

- “Khách sạn Grand Budapest”: đủ cả âm nhạc, thi ca, hội họa kiến trúc và rất buồn cười

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 3): Nếu không ngại làm và không sợ dầu mỡ

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 4): Mật ngọt chết người

- Ấn Độ: người bạn voi hiền lành chỉ biết giúp Việt Nam

- Kẻ hảo ngọt lần theo con đường của mía

- Phía nam biên giới, phía đông mặt trời: Khi thời gian trôi kiểu Fiji

- Đặc sản Fiji (bài 1): Fish and chip, cà ri, vịt quay và thịt người

- Đặc sản Fiji (bài 2): Itaukei – đảo và núi lửa, sulu và kava

- Chưa đi chưa biết Suva, đi rồi mới biết…

- Đường lên biên giới: thăm Sa Vĩ, ăn gật gù, xem Mũi Ngọc

- Qua cầu Bắc Luân: xong bát mì tàu, mong về cố quốc

- Đình to giữa phố

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 1): những con buôn thông minh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 2): Đất nước đa tài và Đông Tây chạm mặt

- Muốn thỏa mãn bao tử phải thử bao tử Trung Hoa

- Hai anh em bánh nếp: một miền Bắc, một miền Trung

- Vanuatu (bài 1): từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá

- Vanuatu (bài 2): run rẩy đi rình núi lửa phun

- Vanuatu (bài 3): Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo

- Vanuatu (bài 4): từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo

- Vanuatu (bài 5): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh

- Vanuatu (bài 6): Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng

- Vanuatu (bài 7): Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic

- Vanuatu (bài 8): bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu

- Nobel Banquet (phần 1): từ ngày ra đời đến khi thắt lưng buộc bụng

- Nobel Banquet (phần 2): hết chiến tranh là ăn phức tạp

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 3): Người người mua tranh, nhà nhà treo tranh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 4): Hạng bét tranh tĩnh vật, hạng nhất vẽ thánh thần

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 5): Dầu thay cho trứng, gỗ cứng thế bằng vải mềm

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 6): Thoát ly họa phường, bắt chước hàng Tàu

- Ngày ba mươi Tết giò treo đầy nhà

- Rượu Tây, rượu Ta, rượu Nga, rượu Pháp
Gạo, mạch, lúa mì, rượu gì cũng uống

- Quốc bảo thường để cất đi
Vậy nên triển lãm phải phi đến liền

- Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ

- Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn

- Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của ớt, cà phê, khoai tây và chuối

- Thắc mắc về quả dưa hấu

- Vanuatu (bài 9): Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển

- Ấn Độ: Nam-Bắc một nhà, hay là việc ăn lá đa và lá chuối

- Nobel banquet 2019: “Đến cuối thì mọi việc cũng đâu vào đấy!”

- “Thụy Điển kiều”: những Karl Oskar và Kristina không quên quá khứ

Ý kiến - Thảo luận

18:03 Thursday,26.5.2016 Đăng bởi:  Đặng Thái
Cảm ơn thông tin của Ngân nhiều nhé!
...xem tiếp
18:03 Thursday,26.5.2016 Đăng bởi:  Đặng Thái
Cảm ơn thông tin của Ngân nhiều nhé! 
23:38 Sunday,22.5.2016 Đăng bởi:  Ngân
@ Đặng Thái: em đã hỏi rồi ạ. Đúng là Đình Đông trước đây là nhà thờ tổ cụ tổ Đặng Ma La. Sau đó người nhà họ Đặng đã hiến đất để thờ ông Vũ Chí Thắng. Nhà thờ họ Đặng bây giờ ở ngay đối diện bên đường, ngõ 147. Trong Đình Đông hiện nay vẫn có bàn thờ chân linh họ Vũ - Đặng.
...xem tiếp
23:38 Sunday,22.5.2016 Đăng bởi:  Ngân
@ Đặng Thái: em đã hỏi rồi ạ. Đúng là Đình Đông trước đây là nhà thờ tổ cụ tổ Đặng Ma La. Sau đó người nhà họ Đặng đã hiến đất để thờ ông Vũ Chí Thắng. Nhà thờ họ Đặng bây giờ ở ngay đối diện bên đường, ngõ 147. Trong Đình Đông hiện nay vẫn có bàn thờ chân linh họ Vũ - Đặng. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả