Xem tiếp

Ấn Độ: Nam-Bắc một nhà, hay là việc ăn lá đa và lá chuối05. 03. 20 - 11:11 pm

Đặng Thái

Trong phần bình luận của bài Ẩm thực Ấn Độ (bài 3): Nếu không ngại làm và không sợ dầu mỡ, bạn Ciên có hỏi: “Ấn Độ có hai vùng: Nam Ấn và Bắc Ấn. Ở Nam Ấn là khu Tamil Nadu do chủ yếu người Tamil sinh sống. Em có người bạn là người Tamil họ nói Nam Ấn và Bắc Ấn có nhiều điểm khác nhau. Không biết Soi có viết bài nào về sự khác biệt giữa hai vùng này không? Nếu chưa mong Soi viết về chủ đề này ạ.”

Mình xin phép được giải thích sơ lược vấn đề khá phức tạp này trong bài viết dưới đây.

Tranh cổ Ấn Độ: Mẹ nuôi Yashoda của thần Krishna

*
Trong cuốn “Súng, vi trùng và thép”, tác giả Jared Diamond đã giải thích một cách khá thuyết phục về nhiều mặt: việc lục địa Á-Âu đã sản sinh ra nhiều nền văn minh cổ đại với trình độ phát triển cao, dần có những công nghệ và kỹ thuật hiện đại rồi cuối cùng chinh phục hết các lục địa còn lại, chứ lịch sử không diễn ra theo hướng con người ở lục địa châu Mỹ, châu Phi, châu Úc phát triển nhanh hơn và đi tàu sang đô hộ Á-Âu. Một chương trong sách dành riêng cho việc nói về trục địa lý của các lục địa. Trong đó lục địa Á-Âu là lục địa duy nhất có hướng Đông Tây, tức là trải dài theo chiều “ngang”, các lục địa còn lại đều có trục Bắc Nam, tức là trải dài theo chiều “dọc”. Việc đất đai trải dài theo các vĩ tuyến (nằm ngang) cho phép các kỹ thuật và công nghệ trồng trọt, chăn nuôi được phát minh, trao đổi và phát triển rộng khắp vì các vùng đất này có cùng một dạng khí hậu cơ bản. Điều đó dẫn đến một kĩ thuật trồng cây ở Trung Quốc có thế được áp dụng ở châu Âu, một con vật nuôi ở Iran có thế đem nuôi ở Nhật Bản. Trong khi đó một con tuần lộc Bắc Mỹ không thể đem nuôi ở Trung hay Nam Mỹ được. Chính yếu tố địa lý này là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển ở các lục địa kia.

Từ lý thuyết trên ta có thể thấy những đất nước trải dài trên nhiều vĩ độ, đặc biệt là giữa các đới khí hậu, gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thống nhất lãnh thổ và quản trị nhà nước, bởi sự đa dạng về khí hậu, sinh học, nhân chủng và văn hóa. Nước ta trải dài trên 15 vĩ độ, với cùng một chủng tộc chiếm đa số, mà chúng ta đã thấy sự đa dạng về sinh thái cho đến văn hóa là vô cùng lớn. Vì vậy câu chuyện Bắc-Nam là câu chuyện không chỉ tồn tại ở một nước mà ở tất cả các nước trải dài trên nhiều vĩ tuyến.

Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước lớn ở châu Á với số dân khổng lồ và diện tích rộng lớn. Đại lục Trung Quốc trải dài trên khoảng 33 vĩ tuyến, còn tiểu lục địa Ấn Độ trải dài trên khoảng 27 vĩ tuyến. Vì dân đông, nói đến người đều tính bằng đơn vị hàng triệu, nên những yếu tố khác biệt Bắc-Nam ở hai đất nước này càng rõ rệt và trở thành một phần không thể tách rời trong kinh tế, văn hóa, đời sống và trong cả câu chuyện trà đá vỉa hè (quên mất là chỉ Việt Nam mới uống trà đá hằng ngày thôi nhé).

Tương tự như Trung Quốc, việc phân chia miền Bắc-miền Nam ở Ấn Độ chỉ hoàn toàn là tương đối vì có nhiều cách chia khác nhau, tùy thuộc là chia theo cái gì, hoa đào hoa mai một kiểu, mà bánh chưng bánh tét lại một kiểu khác.

Trước hết, khi đã nói Bắc-Nam thì đương nhiên phải chia theo địa lý. Nói về vùng địa lý, ở Ấn Độ chia làm sáu vùng (không chính thức):

Bắc Ấn, Trung Ấn, Đông Ấn, Đông Bắc Ấn, Tây Ấn và Nam Ấn. Nhưng nếu ta lấy đường chí tuyến Bắc (ở 23°27’ Bắc, cách cực Bắc nước ta 23°23’ là 7km) mà chia thì đường chí tuyến chạy qua cả một số bang miền Trung như Madhya Pradesh và Gujarat.

Sáu vùng của Ấn Độ với đường Chí tuyến Bắc màu đỏ chạy qua (phía trên đường chí tuyến là khí hậu ôn đới, phía dưới là khí hậu nhiệt đới)

Ngày 24. 02. 2020, Tổng thống Trump đến dự buổi mít-tinh chính trị với hơn 110.000 người tham dự tại thành phố Ahmedabad do Thủ tướng Modi chủ trì. Ahmedabad là thành phố lớn nhất bang Gujarat. Đây là sân sau của ông Modi vì không chỉ là nơi ông sinh ra mà còn là nơi ông thành danh trên chính trường với 13 năm liền làm Thủ hiến. Nếu chia theo vùng thì bang này thuộc miền Tây Ấn, còn nếu xét về góc độ chính trị và văn hóa thì có thể coi đây là miền Bắc; tương tự như Quảng Bình, nếu địa lý mà nói thì miền Trung nhưng về các mối liên kết kinh tế và văn hóa thì coi là miền Bắc. Xét như vậy vì trên báo chí Ấn Độ tiếng Anh, loại phát hành toàn quốc thường chia tin tức thành nhiều vùng, hoặc Bắc và Nam chẳng hạn vì các vùng cách xa và khác biệt nhau quá, trong đó thì tin về các bang Madhya Pradesh và Gujarat đều nằm vào phần miền Bắc.

Phân chia bằng ngoại hình

Trong nhiều tình huống, ta có thế nhận biết căn bản người miền Bắc và người miền Nam qua ngoại hình của họ. Những đúc kết ngắn gọn này tạm gọi là “đơn giản học”, nhằm giúp bạn đọc hình dung nhanh chóng và dễ dàng hơn dù không chính xác cho lắm. Người ta thường nói đơn giản là có người Ấn Độ trắng và người Ấn Độ đen, ám chỉ người miền Bắc và người miền Nam. Người miền Bắc thường cao to, da sáng hơn, mũi cao, tóc thẳng, càng ở xa về phía Bắc thì càng rõ rệt. Người miền Nam thấp, đậm người hơn, da từ nâu cho đến đen, mũi thấp, tóc xoăn. Điều này xuất phát từ một thực tế lịch sử là người miền Bắc có nguồn gốc từ phía Tây (người phương Tây), mà cụ thể là Iran.

Cô dâu chú rể người miền Nam Ấn. Ảnh: Nandhinikandhasamy

Người Iran và người miền Bắc Ấn Độ thuộc vào một chủng tộc gọi chung là Aryan. Đây chính là nguồn gốc của chữ “Iran”. Cụ thể người miền Bắc Ấn (chiếm phần lớn dân số Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh ngày nay) gọi là người Ấn Độ-Aryan. Những người này đã di cư đến miền Bắc ấn từ khoảng 2000 năm trước Công nguyên, sau đó từ thế kỉ XII-XVI lại có những vương triều Hồi giáo trực tiếp từ Iran sang xâm lược và cai trị miền Bắc Ấn nên người miền Bắc khác hẳn về ngoại hình với người miền Nam Ấn bản địa. Giống người này cao to, da trắng, mắt xanh. Ta hiếm thấy người Ấn Độ hay Iran da trắng như Tây vì ở các nước này rất nắng, khô, điều kiện thời tiết khiến cho da họ không được trắng nữa nhưng nếu quan sát con cái của những cặp vợ chồng miền Bắc hoặc Iran sinh ra ở các nước phương Tây ôn đới thì sẽ thấy da bọn trẻ trắng y hệt như con nhà Tây trắng, chưa kể nhiều trường hợp có mắt xanh nước biển như Tây vì bản chất họ cùng là một giống người.

Cô dâu và chú rể người miền Bắc Ấn. Ảnh: Kpyasi

Phân chia bằng ngôn ngữ

Chúng ta nghe lý thuyết về da trắng mắt xanh này quen quen chứ ạ? Aryan chính là chủng tộc mà Hilter và Đức Quốc xã tôn thờ, cho là chủng tộc thượng đẳng nhất sẽ cai trị thế giới. Dĩ nhiên là có thêm chi tiết tóc vàng đặc trưng Bắc Âu nữa (dù Hilter và nhiều lãnh tụ tóc đen sì). Sở dĩ Đức Quốc xã có lý thuyết như vậy vì quả thực có mối liên kết di truyền giữa các dân tộc trên lục địa Á-Âu do yếu tố địa lý như đã nói ở lời mở đầu. Tất cả các dân tộc này đều nói một ngôn ngữ nằm trong ngữ hệ Ấn-Âu. Một ví dụ đơn giản là từ “mẹ” trong hầu hết các ngôn ngữ từ Ấn Độ đến châu Âu (nếu không muốn nói là toàn thế giới) đều bắt đầu bằng âm “m”/”ma”: Maa trong tiếng Hindi, Madar trong tiếng Ba Tư, Mama trong tiếng Đức.

Vì vậy ta có thể chuyển sang việc phân chia Bắc-Nam Ấn bằng ngôn ngữ. Ngay cả các nhà nhân chủng học, cũng phải dựa vào ngôn ngữ để lần tìm dấu vết về chủng tộc vì đó là một chỉ dấu gián tiếp rõ ràng nhất về mặt di truyền. Ngôn ngữ là rào cản lớn nhất trong hội nhập kinh tế nhưng lại là công cụ kết nối con người ta nhanh nhất về mặt văn hóa. Khác với Trung Quốc nơi mà tiếng Quan Thoại miền Bắc được sử dụng rộng rãi trên cả nước, ngày nay chỉ còn các phương ngữ khác nhau ở mỗi tỉnh, ở Ấn Độ mỗi bang có một ngôn ngữ riêng và đặc biệt ở chỗ chúng có chữ viết riêng. Nhìn vào bản đồ dưới đây ta sẽ thấy phần nói ngôn ngữ hệ Dravida hoàn toàn trùng khớp với phần miền Nam ở bản đồ trên. Vì vậy nếu xét về mặt ngôn ngữ thì miền Nam Ấn Độ về cơ bản chỉ gồm 5 bang (trên tổng số 29 bang cả nước): Andhra Pradesh, Karnataka, Kerala, Tamil Nadu và Telangana. Người dân ở những bang này nói một trong bốn ngôn ngữ lớn có họ với nhau là Telugu, Tamil, Kannada và Malayalam. Đây cũng là phần miền Nam mà người Ấn Độ thường nghĩ tới khi nói về Nam Ấn (South India, South Indian).

Bản đồ các ngữ hệ ngôn ngữ ở Nam Á. Ngôn ngữ có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng như xung đột sắc tộc. Nhìn vào hòn đảo Sri Lanka dưới cuối bản đồ, ta có thế thấy vùng đông bắc nói một thứ tiếng khác, cụ thể là tiếng Tamil. Tổ chức Những con hổ giải phóng Tamil, dưới sự hậu thuẫn ban đầu của Ấn Độ muốn ly khai thành một nước độc lập, gây nội chiến kéo dài 26 năm ở Sri Lanka, kéo nước này xuống vũng bùn của nghèo đói.

Trong lịch sử loài người, việc sáng tạo ra một bảng chữ cái là việc vô cùng khó khăn, có thể nói là khó nhất trong tất cả các công việc về văn hóa ở thời cổ đại, như nước ta mất hàng nghìn năm cũng không thể có một hệ chữ/ bảng chữ cái mới ngoài chữ Nôm cải biên từ chữ Hán. Việc phát minh độc lập ra một bảng chữ cái mới hoàn toàn chỉ xuất hiện ở một đến hai nền văn minh trên thế giới. Vì vậy tất cả các bảng chữ cái ở Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á đều có họ với nhau và đều bắt nguồn từ chữ Brahmi (ngay cả thứ chữ kỳ khôi của Triều Tiên, sáng tạo được người Hàn Triều tung hô tận mây xanh là phát kiến độc đáo của họ, đều dựa trên những nguyên lý ký âm của chữ Brahmi). Chữ Brahmi chia làm hai dòng ở Ấn Độ cổ đại: Bắc Brahmi và Nam Brahmi.

Dòng Bắc Brahmi truyền từ Bắc Ấn qua Tân Cương, Tây Tạng vào Trung Quốc và sang đến tận Nhật Bản cùng với Phật giáo Bắc tông. Dòng Nam Brahmi truyền từ Nam Ấn sang Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Đông Nam Á (Malaysia-Indonesia). Nhìn vào chữ viết sẽ nhận ra ngay đâu là chữ miền Bắc Ấn và Nam Ấn. Các nước càng gần Ấn Độ về phía Bắc thì chữ viết trông càng giống chữ Bắc Ấn. Tương tự với các nước gần Nam Ấn. Theo “Đơn giản học” thì chữ miền Bắc nhiều nét thẳng và góc, móc nhọn; chữ miền Nam nhiều nét tròn và cong.

 

Các dòng chữ ký âm ghép từ các bảng chữ cái của miền Bắc và miền Nam Ấn cho cùng một câu nói. Các bạn có thế tìm ảnh chữ Tây Tạng và chữ Miến Điện trên mạng để thấy sự gần gũi với các loại chữ Ấn Độ. Tiếng Phạn (Sanskrit) là ngôn ngữ chung của cả Bắc và Nam Ấn trong thời cổ-trung đại nhưng ở mỗi miền được ký âm bằng các bảng chữ cái khác nhau.

Phân biệt theo kinh tế

Với hơn 200 triệu người nói các thứ tiếng hệ Dravida, số lượng người “miền Nam” theo ngôn ngữ chỉ chiếm gần 1/5 dân số, tương tự, về diện tích của 5 bang cộng lại cũng chỉ chiếm 19,3% diện tích cả nước. Nhưng miền Nam Ấn lại trở thành một khu vực được nhắc đến với nhiều đặc thù cùng là do kinh tế ở miền Nam phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là từ sau công cuộc Đổi mới năm 1990, chuyển sang kinh tế thị trường.

Chennai (tên cũ Madras – thủ phủ bang Tamil Nadu) được gọi là Detroit của Ấn Độ vì đây là thành phố có mức công nghiệp hóa cao nhất cả nước, là trung tâm của ngành công nghiệp xe hơi Ấn Độ. Bangalore (thủ phủ bang Karnataka) được coi là Thung lũng Silicon của Ấn Độ với ngành công nghiệp phần mềm và IT phát triển sôi động. Hyderabad (thủ phủ bang Telangana) cùng với Chennai và Bangalore tạo thành tam giác kinh tế điện tử viễn thông nơi giải quyết các vấn đề máy tính và công nghệ thông tin, cũng như xuất khẩu kỹ sư và phần mềm cho cả thế giới. Bang Andhra Pradesh có biệt danh là Vựa lúa của Ấn Độ và Vựa trứng của châu Á vì khối lượng sản phẩm nông nghiệp nội địa và xuất khẩu rất lớn.

Bản đồ 10 thành phố đông dân nhất Ấn Độ. Nếu Mumbai (tên cũ Bombay) cũng tính là miền Nam thì đa phần các đầu tàu kinh tế nằm ở miền Nam. Thực dân phương Tây tiếp cận Ấn Độ bằng đường biển nên vào miền Nam trước rồi dần tiến lên phía Bắc và cuối cùng đặt thủ đô cho toàn thuộc địa ở Calcutta (nay là Kolkata), rồi Delhi vì dĩ nhiên người phương Tây phải chọn nơi có khí hậu mát hơn phù hợp cho họ sinh sống.

Phân biệt theo ẩm thực

Nói đến lúa gạo thì đương nhiên nói đến sự khác biệt đặc trưng nhất của hai miền Bắc-Nam, tương tự như Trung Quốc, lại theo “đơn giản học” mà nói thì miền Nam ăn gạo, miền Bắc ăn mì. Gạo là nguồn tinh bột chính trong ẩm thực miền Nam. Trong bữa ăn, người miền Nam dùng hai loại bánh chính làm từ bột gạo là dosa (nướng) và idli (hấp). Còn người Bắc dùng hai loại bánh mì dẹt nướng là naan và roti. Cơm thì cả hai miền đều dùng nhưng miền Nam ăn cơm nhiều hơn vì trồng được nhiều.

Với gia vị đặc trưng cho ẩm thực Ấn Độ thì đa phần giống nhau nhưng miền Nam thường dùng gia vị, rau củ tươi nhiều hơn, nhất là các gia vị nhiệt đới đặc trưng như me, rồi ớt, cay hơn miền Bắc. Với chất béo để nấu cà ri, miền Nam dùng dầu dừa và nước cốt dừa để nấu còn miền Bắc dùng kem và bơ. Miền Nam cũng ăn nhiều súp, cá (do giáp biển) và các món cà ri nấu loãng hơn. Các nhà hàng Ấn Độ ở phương Tây đa phần là kiểu miền Bắc, trong khi đó các nhà hàng Ấn Độ ở Đông Nam Á (và miền Nam nước ta) đa phần là kiểu miền Nam do người miền Nam sinh sống và di cư nhiều hơn. Tuy rằng người ăn cùng dùng tay phải để bốc ăn nhưng đặc trưng nhất của ẩm thực miền Nam là dọn mâm cơm ra trên lá chuối. “Bàn” ăn là cả một lá chuối to bản trải trên sàn nhà rồi thức ăn được bày thành từng món trên cùng tấm lá ấy.

Một bữa ăn trên lá chuối kiểu Tamil Nadu. Ảnh: KARTY JazZ

Người miền Bắc chia thức ăn thành từng suất cho mỗi người hoặc thức ăn trong các đĩa chung được lấy vào các đĩa ăn riêng. Loại đĩa cổ truyền của miền Bắc gọi là pattal, làm từ lá đa hoặc lá sa-la do khí hậu lạnh không trồng được chuối, phơi khô rồi xâu lại thành hình đĩa tròn. Đĩa này ngày nay chỉ còn dùng trong đền chùa hay chỗ ăn tập thế còn nhà dân hầu hết dùng bát đĩa inox (và gốm sứ với người giàu), trong khi từ quan chí dân ở miền Nam vẫn ăn bằng lá chuối, hoặc lót lá chuối trên đĩa inox.

Một bữa ăn kiểu miền Bắc. Ảnh: Dharmadhyaksha

Một bữa ăn trên đĩa lá pattal tại một trường học ở Ahmedabad. Ảnh: SuSanA Secretariat

Phân biệt bằng phim ảnh

Cuối cùng và không thể không nhắc đến chính là ngành công nghiệp điện ảnh của Ấn Độ. Đây là một yếu tố bản sắc dễ nhận biết nhất, hữu hiệu nhất để biểu dương văn hóa, đặc biệt đối với người nước ngoài. Phim miền Bắc, đương nhiên là các phim nói tiếng Hindu hay còn gọi là Bollywood, đóng đô ở Mumbai, chiếm 43% thị phần phim ảnh trong nước.
Điện ảnh miền Nam, nổi bật nhất là các phim nói tiếng Tamil (Kollywood) và Telugu (Tollywood) chiếm 36% trong thị phần gần 4 tỉ vé xem phim mỗi năm bán ra ở Ấn Độ, đóng quân ở một loạt thành phố miền Nam: Hyderabad, Chennai, Trivandrum, Kochi và Bangalore.

Lại theo ngành “đơn giản học” mà nói thì phim miền Bắc thường có yếu tố văn học và kịch bản được đầu tư “sâu sắc” hơn, phản ánh thực tế xã hội, phim miền Nam thiên về giải trí nhiều hơn nên chủ yếu là các phim hành động và tình cảm sướt mướt (dù phim miền nào thì cũng phải có đám cưới và nhảy múa hát ca). Nếu thỉnh thoảng lướt facebook mà gặp một đoạn clip phim Ấn Độ xem cực kỳ phi lý và buồn cười bởi lối diễn xuất ngáo ngơ, kỹ xảo như Tôn Ngộ Không và tình tiết “siêu thực” thì đến 99% là phim miền Nam. Một đặc trưng của điện ảnh hai miền là bên nào có phim xuất sắc, ăn khách thì bên kia sẽ đóng lại phim ấy bằng dàn diễn viên của mình và nói/hát thứ tiếng của dân mình chứ không thèm xem phụ đề nhé!

Áp phích phim 3 idiots (2009 – tiếng Hindi) và bản remake Nanban (2012 – tiếng Tamil) với nội dung và các tình tiết giống đến từng cái vẹo đầu.

Còn đây là tập hợp những đoạn phim miền Nam Ấn thường được share trên facebook.

*

Cùng một tác giả:

- Nobel Banquet: Tiệc chiêu đãi những người đoạt giải Nobel

- “Hồng trà” của Tàu và “Chai ” của Ấn

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 1): nồng nàn hay nồng nặc?

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 2): Chán cơm có roti, chán cà ri thì nhịn!

- 16. 12: Kandinsky – một người Nga yêu nhạc

- “Khách sạn Grand Budapest”: đủ cả âm nhạc, thi ca, hội họa kiến trúc và rất buồn cười

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 3): Nếu không ngại làm và không sợ dầu mỡ

- Ẩm thực Ấn Độ (bài 4): Mật ngọt chết người

- Ấn Độ: người bạn voi hiền lành chỉ biết giúp Việt Nam

- Kẻ hảo ngọt lần theo con đường của mía

- Phía nam biên giới, phía đông mặt trời: Khi thời gian trôi kiểu Fiji

- Đặc sản Fiji (bài 1): Fish and chip, cà ri, vịt quay và thịt người

- Đặc sản Fiji (bài 2): Itaukei – đảo và núi lửa, sulu và kava

- Chưa đi chưa biết Suva, đi rồi mới biết…

- Đường lên biên giới: thăm Sa Vĩ, ăn gật gù, xem Mũi Ngọc

- Qua cầu Bắc Luân: xong bát mì tàu, mong về cố quốc

- Đình to giữa phố

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 1): những con buôn thông minh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 2): Đất nước đa tài và Đông Tây chạm mặt

- Muốn thỏa mãn bao tử phải thử bao tử Trung Hoa

- Hai anh em bánh nếp: một miền Bắc, một miền Trung

- Vanuatu (bài 1): từ vị thầy chán chết đến bài học đắt giá về đất đá

- Vanuatu (bài 2): run rẩy đi rình núi lửa phun

- Vanuatu (bài 3): Bún nào ngon bằng bún Tân Đảo

- Vanuatu (bài 4): từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo

- Vanuatu (bài 5): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bislama cùng chơi pétanque bên lagoon xanh xanh

- Vanuatu (bài 6): Pháp đi, Mỹ đến, Trung Quốc bắt đầu vào. Chỉ Cuba là trong sáng

- Vanuatu (bài 7): Xứ sở lạ kì – nơi cấm rượu và đồ ăn thì toàn organic

- Vanuatu (bài 8): bỏ mứa dơi hầm, từ chối hoa hậu

- Nobel Banquet (phần 1): từ ngày ra đời đến khi thắt lưng buộc bụng

- Nobel Banquet (phần 2): hết chiến tranh là ăn phức tạp

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 3): Người người mua tranh, nhà nhà treo tranh

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 4): Hạng bét tranh tĩnh vật, hạng nhất vẽ thánh thần

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 5): Dầu thay cho trứng, gỗ cứng thế bằng vải mềm

- Kỷ nguyên vàng của vùng đất thấp (bài 6): Thoát ly họa phường, bắt chước hàng Tàu

- Ngày ba mươi Tết giò treo đầy nhà

- Rượu Tây, rượu Ta, rượu Nga, rượu Pháp
Gạo, mạch, lúa mì, rượu gì cũng uống

- Quốc bảo thường để cất đi
Vậy nên triển lãm phải phi đến liền

- Đi xem quốc bảo: ngắm núi này lo cho núi nọ

- Đình Phong Phú: một nơi ấm áp và mát mẻ giữa Sài Gòn

- Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của ớt, cà phê, khoai tây và chuối

- Thắc mắc về quả dưa hấu

- Vanuatu (bài 9): Cho đại sứ Trung Quốc ăn đấm và trở thành chư hầu trên biển

- Ấn Độ: Nam-Bắc một nhà, hay là việc ăn lá đa và lá chuối

- Nobel banquet 2019: “Đến cuối thì mọi việc cũng đâu vào đấy!”

- “Thụy Điển kiều”: những Karl Oskar và Kristina không quên quá khứ

Ý kiến - Thảo luận

16:24 Friday,6.3.2020 Đăng bởi:  Khánh
Cám ơn chú Đặng Thái vì bài viết. Bài viết càng trở nên thân thương sau khi cháu đi Ấn Độ về.
...xem tiếp
16:24 Friday,6.3.2020 Đăng bởi:  Khánh
Cám ơn chú Đặng Thái vì bài viết. Bài viết càng trở nên thân thương sau khi cháu đi Ấn Độ về. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Thế nào thì dã man hơn?

Phó Đức Tùng

Bài đã đăng

» Xem tiếp...

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả

CMT mới nhất

» Xem tiếp